Thông tin rối loạn, giới đầu tư ngập ngừng

(ĐTCK) Những ý kiến trái chiều về việc có hay không đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm theo đề xuất của ông Trump khiến giới đầu tư ngập ngừng trong phiên giao dịch thứ Ba.
Thông tin rối loạn, giới đầu tư ngập ngừng

Sau 3 phiên lao dốc cuối tuần trước do tác động bởi khả năng Fed đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất trong năm nay và sau đó là tuyên bố tăng thuế nhập khẩu thép lên 25% và nhôm lên 10% của Tổng thống Mỹ Donald Trump, gây lo ngại về cuộc chiến thương mại toàn cầu, phố Wall đã có 2 phiên hồi phục tốt đầu tuần này khi giới đầu tư cho rằng, tuyên bố của ông Trump chỉ là chiến thuận để đàm phán với Canada và Mexico trong NAFTA.

Trong phiên thứ Ba, phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng, nhưng đà tăng bị hãm lại về cuối phiên khi nhà đầu tư nhận được tín hiệu trái chiều về đề xuất của ông Trump.

Theo đó, ông Trump nhấn mạnh rằng, kế hoạch tăng thuế nhập khẩu với nhôm và thép là nghiêm túc và cho rằng, “cuộc chiến thương mại không phải là điều tồi tệ”. Trong khi đó, Chủ tịch Thương viện Mỹ Mitch McConnell lại kêu gọi phế bỏ đề xuất này.

Ngoài ra, Cố vấn kinh tế cấp cao Nhà Trắng Gary Cohn cũng đã bất ngờ tuyên bố từ chức ngày 6/3, động thái được cho là nhằm phản đối kế hoạch áp thuế nhập khẩu các sản phẩm nhôm, thép của ông Trump.

Theo các chuyên gia, thị trường không thích sự không chắc chắn, nên nhà đầu tư tỏ ra ngập ngừng trong phiên thứ Ba. Theo các chuyên gia, nếu đề xuất của ông Trump là sự thật và được áp dụng, thì thị trường sẽ lao dốc như 2 phiên cuối tuần trước, còn nếu đề xuất này không được thực hiện, thị trường sẽ bứt tăng mạnh.

Trong đó, Dow Jones suýt chút nữa đóng cửa dưới tham chiếu khi cổ phiếu của Qualcomm và Target sụt giảm mạnh.

Kết thúc phiên 6/3, chỉ số Dow Jones tăng 9,36 điểm (+0,04%), lên 24.884,12 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,18 điểm (+0,26%), lên 2.728,12 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 41,30 (+0,56%), lên 7.372,01 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng mở cửa phiên giao dịch hôm thứ Ba với mức tăng rất tốt, nhưng đà tăng hạ nhiệt dần về cuối phiên do lo ngại về cuộc chiến thương mại vẫn chưa qua.

Kết thúc phiên 6/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 30,77 điểm (+0,43%), lên 7.146,75 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 23,00 điểm (+0,19%), lên 12.113,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 3,01 điểm (+0,06%), lên 5.170,23 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, tín hiệu tích cực của phố Wall phiên đêm hôm trước đã giúp các thị trường chính của châu Á bật tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Ba. Trong đó, Nikkie 225 tăng vọt gần 1,8%, còn Hang Seng thậm chí còn tăng hơn 2%. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng tiếp tục duy trì đà tăng với mức tăng 1% nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bất động sản.

Kết thúc phiên 6/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 375,67 điểm (+1,79%), lên 21.417,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 624,34 điểm (+2,09%), lên 30.510,73 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 32,71 điểm (+1,00%), lên 3.289,64 điểm.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý bứt mạnh trở lại sau phiên điều chỉnh trước đó khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất hơn 2 tuần sau phiên hồi nhẹ trước đó.

Kết thúc phiên 6/3, giá vàng giao ngay tăng 14,4 USD/ounce (+1,09%), lên 1.334,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 15,3 USD/ounce (+1,16%), lên 1.335,2 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, sau 2 phiên hồi phục, đặc biệt là phiên tăng mạnh đầu tuần, giá dầu thô đã đảo chiều giảm nhẹ trở lại khi dữ liệu mới được Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 5,7 triệu thùng, cao hơn nhiều so với con số dự báo tăng 2,7 triệu thùng của giới phân tích.

Kết thúc phiên 6/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,12 USD (-0,19%), xuống 62,57 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,12 USD (+0,18%), lên 65,66 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục