Thông tin cá nhân NĐT bị đánh cắp như thế nào?

Một số trang web công khai hoạt động buôn bán thông tin cá nhân sẽ bị nhà chức trách "sờ tới"...

Liên quan đến vụ việc các đối tượng Hứa Văn Tuấn, Lê Minh Trung và Dương Hồng Lễ vừa bị phát hiện rao bán thông tin cho khách hàng, cơ quan điều tra xác định 3 người đều có học thức, từng làm việc ở những công ty có nhiều khách hàng cá nhân nên có thể thu thập trong quá trình làm việc.

Hứa Văn Tuấn làm việc tại một công ty chứng khoán. Thời gian này, anh ta tiếp cận được nguồn thông tin lớn và thu thập được dữ liệu cá nhân của 600 khách hàng gửi mua bán bất động sản.

Năm 2010, Tuấn lên những trang mạng để làm quen và trao đổi "kho" thông tin cá nhân có được với những người khác. Đến khi bị phát hiện, người này đã có hơn 100 đầu danh sách liệt kê các giám đốc tại Bình Dương, 30.000 thuê bao Mobifone trả sau, 65.000 thuê bao Viettel trả trước... Tuấn khai kiếm được 1,5-2 triệu đồng mỗi tháng và đến nay đã thu lợi khoảng 20 triệu đồng.

Còn Lê Minh Trung khai từng mua bán những danh sách khách hàng trên mạng để phục vụ việc mời đi du lịch. Thấy giao dịch dễ dàng và có nhiều người quan tâm, Trung phân loại theo từng ngành nghề, khu vực rồi đăng tải lên một số website để rao bán với giá từ 300.000 đến 3 triệu đồng cho một danh sách. Trung thu hàng tháng 8-10 triệu đồng từ việc bán thông tin cá nhân này.

So với Trung và Tuấn, Dương Hồng Lễ là người kinh doanh bài bản nhất khi thành lập Công ty TNHH một thành viên thương mại dịch vụ quảng cáo đào tạo Tầm nhìn thế kỷ. Trang web của công ty rất chuyên nghiệp, nhưng chủ yếu để mua bán thông tin cá nhân, trong đó có những danh sách khách hàng thuộc loại “hot” như 270 ca sỹ, diễn viên và 97.000 giám đốc tại TP HCM… Việc giao dịch thông qua ngân hàng.

Khi bị cơ quan điều tra triệu tập, Lễ cho rằng việc bán là hợp pháp. Người này nhận đã mua danh sách thông tin cá nhân của Tuấn và Trung với giá 20 triệu đồng.

Qua xác minh giao dịch tại ngân hàng, cảnh sát phát hiện những người này đã thu lợi hàng trăm triệu đồng từ việc bán danh sách thông tin cá nhân. Ngoài ra, những cuộc mua bán trực tiếp tại quán cà phê thì không thể xác định được.

Theo cơ quan điều tra, một số cá nhân hay công ty mua những danh sách này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, bảo hiểm, tài chính... nhằm quảng bá dịch vụ của mình.

Hiện, cơ quan chức năng chưa thể xử lý những người mua vì chưa xác định được thiệt hại của những người bị tiết lộ thông tin. Cơ quan điều tra cũng nắm được nhiều khách hàng mua thông tin từ những trang web này và đang làm rõ động cơ để xử lý.

Theo đánh giá của cơ quan điều tra, nhiều rủi ro có thể xảy ra với người bị tiết lộ thông tin cá nhân khi dữ liệu về họ rơi vào tay kẻ xấu. Tuy chưa phát hiện hậu quả, nhưng hành vi này cần phải ngăn chặn sớm.

Cục An ninh truyền thông cho biết đang tiếp tục điều tra, xác minh một số trang web đang công khai hoạt động buôn bán thông tin cá nhân.

Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM, việc thông tin cá nhân bị đem đi mua bán là hoàn toàn trái pháp luật. Điều này có thể gây phiền toái cho nhiều người đồng thời dễ dẫn đến nguy cơ thiệt hại cao khi rơi vào tay kẻ xấu.

"Cá nhân không muốn thông tin mình bị rao bán thì khi cung cấp cho đơn vị nào thì nên yêu cầu lập bản thỏa thuận bảo mật để có thể tự bảo vệ mình", luật sư Nghiêm khuyến cáo.


VNE

Tin cùng chuyên mục