Thông tin bất cân xứng gây hiểm họa cho thị trường

Để không bị rơi vào bẫy thông tin không cân xứng, chính nhà đầu tư cần phải tự bảo vệ bằng cách nhìn vào hành động của doanh nghiệp như sự “khoe mình” của các công ty bằng vật thế chấp và vốn cổ phần.
Thông tin bất cân xứng gây hiểm họa cho thị trường

Lợi thế thuộc về những người có thông tin, điều đó không còn xa lạ trong nền kinh tế, nhất là trên thị trường chứng khoán. Trong các cuộc thâu tóm vừa qua trên thị trường, những kẻ có thông tin đã khiến nhiều cổ phiếu trải qua những cơn rung lắc mạnh, chỉ khi họ rút ván, rời cuộc chơi, những nhà đầu tư “bầy đàn” mới biết mình bị hớ. Tiền chảy vào túi những nhà đầu cơ, còn những kẻ đến sau bùi ngùi khi hầu bao thêm vơi cạn.

 

Theo PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ - Đại học Ngoại thương, “Sự lựa chọn đối nghịch” và “Hiểm họa đạo đức” là hai hiện tượng phổ biến nhất xảy ra trong điều kiện thông tin bất cân xứng, bóp méo quyết định của các chủ thể kinh tế tham gia trên thị trường.

 

Trong trường hợp nghiêm trọng, thông tin bất cân xứng bóp méo thị trường và có thể dẫn đến thất bại thị trường. Bất cân xứng thông tin khiến nhà đầu tư không thể phân biệt cổ phiếu của những công ty tốt với những công ty hoạt động kém. Trong tình cảnh mù mờ này một giải pháp an toàn được nhà đầu tư đưa ra là chỉ sẵn sàng trả mức giá trung bình cho các cổ phiếu được chào bán. Lẽ đương nhiên, sẽ chỉ có những công ty hoạt động kém sẵn sàng bán cổ phiếu ở mức giá đó vì họ biết mức giá trung bình này cao hơn giá trị thực của cổ phiếu công ty. Trước những tình cảnh này, nhà đầu tư có thể quyết định không mua bất kỳ cổ phiếu nào, hậu quả là thị trường sẽ không hoạt động hiệu quả do có rất ít công ty sẽ bán được cổ phiếu và tăng vốn.

 

Một trường hợp khác cũng có thể dẫn đến rủi ro đạo đức do bất cân xứng thông tin. Khi những người đại diện chỉ sở hữu một phần nhỏ trong công ty mà họ làm việc, cổ đông sở hữu hầu hết vốn cổ phần của công ty này. Sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý có thể dẫn đến rủi ro đạo đức, khi người đại diện có thể hành động vì lợi ích cá nhân hơn là vì lợi ích của những cổ đông sở hữu (những người ủy thác). Chính việc không có đủ thông tin khiến các cổ đông sở hữu không biết đầy đủ những gì người đại diện đang làm và không thể ngăn ngừa những chỉ tiêu vô ích hoặc gian lận.

 

Để giải quyết những vấn đề này, PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ cho rằng, cần có các công ty riêng chuyên thu thập thông tin và bán thông tin, giúp phân biệt các công ty tốt và công ty tồi. Tuy nhiên, hệ thống sản xuất và bán thông tin này gây ra một vấn đề được gọi là “vấn đề người đi xe không mất tiền”. Hay nói cách khác là xu hướng đầu tư của người mua thông tin bị nhiều nhà đầu tư “bầy đàn” hùa theo. Khi đó, các nhà đầu tư không thể mua được cổ phiếu với giá rẻ và họ quyết định không mua thông tin nữa. Hệ quả là các công ty chuyên thu thập và sản xuất thông tin không thể bán đủ số lượng và bù đắp chi phí, nghĩa là sẽ có ít thông tin được sản xuất ra hơn.

 

Vai trò quản lý của Nhà nước được coi là chỗ dựa cho thông tin minh bạch với yêu cầu các công ty có chứng khoán bán ra thị trường phải tôn trọng các nguyên tắc kế toán chuẩn và phải công bố những thông tin về doanh số, tài sản và thu nhập theo định kỳ. Mặc dù vậy, các quy chế của Nhà nước chỉ có thể làm giảm nhẹ vấn đề lựa chọn đối nghịch mà không loại bỏ được nó.

 

Như vậy để không bị rơi vào bẫy thông tin không cân xứng, chính nhà đầu tư cần phải tự bảo vệ cho mình bằng cách nhìn vào hành động của doanh nghiệp như sự “khoe mình” của các công ty bằng vật thế chấp và vốn cổ phần. Vật thế chấp là vật sở hữu được cam kết trả cho người cho vay (nhà đầu tư) nếu người vay (công ty) vỡ nợ, nó sẽ giúp giảm sự lựa chọn đối nghịch vì nó giảm được tổn thất của người cho vay trong trường hợp có vỡ nợ.

 

Một vấn đề quan trọng khác mà nhà đầu tư có thể tham khảo trước khi ra quyết định đó là tài sản ròng của doanh nghiệp. Các công ty càng có giá trị tài sản ròng cao, càng ít khả năng bị vỡ nợ. Thực tế cho thấy, với các công ty có giá trị tài sản ròng càng cao, xu hướng đầu tư vào những dự án rủi ro lớn sẽ giảm xuống do công ty có nhiều thứ để mất. Công ty có giá trị tài sản ròng càng cao, ý muốn xử sự của họ càng theo chiều hướng mà các nhà đầu tư dự tính và mong muốn. Do đó, vốn cổ phần của một công ty cao là một dấu hiệu khiến nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào công ty đó.


Thời báo Ngân hàng

Tin cùng chuyên mục