Thông suốt thông tin, thông suốt dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Điều hành chính sách tiền tệ thông suốt là nhiệm vụ lớn trong việc đảm bảo các cân đối vĩ mô và việc lắng nghe nhịp đập thị trường, lắng nghe tín hiệu sản xuất - kinh doanh qua hệ thống thông tin báo chí là kênh quan trọng để điều tiết dòng chảy vốn nhịp nhàng, cân đối.
Dòng tiền sẽ xuất hiện nếu các bên cho vay - đi vay hiểu và tin tưởng nhau. Dòng tiền sẽ xuất hiện nếu các bên cho vay - đi vay hiểu và tin tưởng nhau.

Thông tin hai chiều

Gần một năm trở lại đây, câu chuyện lãi suất và thanh khoản của nền kinh tế là chủ đề tốn nhiều giấy mực của hệ thống truyền thông với những câu chuyện từ hai chiều; một chiều từ cơ quan điều hành ngành ngân hàng xuống các ngân hàng thương mại, đến doanh nghiệp, người dân và chiều ngược lại.

Đặc biệt, thông tin phản hồi từ các thực thể kinh tế là rất quan trọng để cơ quan điều hành đưa ra các quyết sách kịp thời, qua đó câu chuyện về áp lực lãi suất, thanh khoản giữa ngành ngân hàng và các khách hàng doanh nghiệp, cá nhân cũng giảm dần, từng bước được tháo gỡ…

Ở một góc độ khác, một lãnh đạo ngành ngân hàng cho hay, muốn những chính sách đưa ra được đảm bảo thực thi, ngoài sự chủ động từ phía ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng thì việc tương tác thông tin, phản ánh những khó khăn, vướng mắc và phản hồi, phản biện chính sách là rất cần thiết để sớm có những điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến thị trường.

Từ góc độ điều hành chính sách tiền tệ, chỉ trong vài tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã bốn lần giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế. Cùng với đó, ngành ngân hàng đã ban hành nhiều cơ chế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn, giảm áp lực trả nợ vay, hỗ trợ doanh nghiệp tạo thanh khoản, tạo dòng tiền để duy trì hoạt động.

Để triển khai tốt những cơ chế, chính sách này, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn thuận lợi hơn, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, đơn vị trực thuộc thực hiện nhiều giải pháp, trong đó công tác thông tin, tuyên truyền và tư vấn giúp doanh nghiệp, người dân nắm rõ chính sách; điều kiện, đối tượng thụ hưởng chính sách; nguyên tắc thực hiện và những yêu cầu về tuân thủ quy định pháp luật… là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho rằng, muốn những chính sách đưa ra đảm bảo được hiệu lực thực thi, ngoài sự chủ động từ phía ngành ngân hàng thì việc tương tác thông tin, phản ánh khó khăn vướng mắc và phản hồi, phản biện chính sách là hết sức cần thiết. Những hoạt động này sẽ không chỉ giúp chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống và phát huy hiệu quả mà còn là kênh phản ánh, phản biện thông tin hữu hiệu, giúp cơ quan điều hành tiếp tục có những bước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách và hoàn thiện chính mình.

Để điều chỉnh chính sách

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, chính sách lãi suất cùng với các chính sách tiền tệ khác được ban hành và thực hiện với yêu cầu mang tính nguyên tắc là phải đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng. Việc điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong suốt thời gian qua luôn gắn liền với yêu cầu này.

Chẳng hạn, chủ trương giảm các mức lãi suất điều hành, ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng tại Việt Nam thời gian qua là khá sớm so với chính sách tiền tệ còn thắt chặt của đa số nền kinh tế lớn trên thế giới.

Việc điều chỉnh giảm cả lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi của tổ chức tín dụng đã tác động toàn diện cả thị trường liên ngân hàng và hoạt động huy động vốn của các tổ chức tín dụng, với mục tiêu chung là giảm lãi suất chung trên thị trường, cơ sở quan trọng để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.

Hiện nay, lãi suất huy động vốn đã và đang tiệm cận dần mức lãi suất huy động thời điểm trước đại dịch, đây là nền tảng quan trọng để lãi suất cho vay diễn biến cùng xu hướng.

Bên cạnh đó, trong một nỗ lực lớn, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng cổ phần có vốn Nhà nước đã chủ động giảm lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng, với mức giảm từ 0,5-1,5%/năm.

Tuy nhiên, chính sách nào cũng có độ trễ và sự thẩm thấu của dòng vốn rẻ hơn vào hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện tại cũng đang đối mặt với áp lực thiếu đơn hàng của nhiều nhóm ngành. Các kênh thông tin cũng cần nhìn nhận rõ nút thắt này để đưa ra những phân tích, kiến giải và định hướng dư luận đúng đắn, kịp thời.

Một chủ trương quan trọng khác trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua là hoạt động cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp. Đây là chính sách mạnh và trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, thanh khoản, vốn; qua đó giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ vay, duy trì sản xuất - kinh doanh, vượt qua khó khăn và tăng trưởng. Hiện nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đã và đang thực hiện hoạt động này theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, một số tổ chức tín dụng đã rà soát khách hàng của ngân hàng, đánh giá hoạt động và khó khăn của doanh nghiệp.

“Trên cơ sở đó, lập danh sách doanh nghiệp, tiếp xúc doanh nghiệp và thẩm định, hướng dẫn thực hiện để tiếp cận thuận lợi chính sách này của Ngân hàng Nhà nước. Đây là cách làm cụ thể, thiết thực và phản ánh trách nhiệm trong việc thực thi chính sách của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố”, ông Lệnh nói.

Song như lãnh đạo ngành ngân hàng thừa nhận, rất cần thông tin phản ánh, phản hồi kịp thời, chính xác từ phía doanh nghiệp, người dân về khó khăn, vướng mắc chính sách, thủ tục hành chính… cũng như những vấn đề liên quan đến tiếp cận vốn tín dụng. Có như vậy, ngành ngân hàng mới nắm được thông tin, đánh giá và nhận diện nguyên nhân để có biện pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và đưa nhanh chính sách vào thực tiễn, nhằm đạt hiệu quả cao trong hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tổng giám đốc CBBank, ông Đàm Minh Đức cho rằng, vai trò của thông tin báo chí đối với hoạt động của ngành ngân hàng, doanh nghiệp nói chung, CBBank nói riêng là rất quan trọng. Qua kênh truyền thông đại chúng, thông tin sẽ được truyền tải một cách kịp thời, nhanh chóng, chính xác và nhiều chiều…, giúp ngân hàng và doanh nghiệp có thể kết nối, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Cùng với đó, để thông suốt dòng chảy vốn, bên đi vay, nhất là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế cũng cần minh bạch hóa hoạt động, tạo lập uy tín thương hiệu của tổ chức và cả cá nhân những người điều hành doanh nghiệp để các tổ chức tín dụng có nhiều hơn các kênh kiểm chứng thông tin, đánh giá uy tín tín dụng, bên cạnh nghiệp vụ thẩm định chính thức.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, nỗ lực tạo lập uy tín và thương hiệu qua sự minh bạch thông tin không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn là yếu tố quan trọng để tiếp cận thuận lợi các sản phẩm dịch vụ tín dụng như cho vay tín chấp, cho vay không có tài sản bảo đảm… vốn rất cần thiết hiện nay.

“Doanh nghiệp có thể cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng từ nỗ lực và trách nhiệm của chính mình”, một chuyên gia ngân hàng nhận định.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục