Bốn cái tên mới này không phải xa lạ, mà đã được đề cập nhiều trong thời gian gần đây, cụ thể là FPT, Bảo Việt, Liên Việt và Dầu khí. Trong số đó, trường hợp của Bảo Việt và Dầu khí đều đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề xin thành lập ngân hàng, và riêng Bảo Việt là trường hợp đặc biệt đã được chấp thuận mức sở hữu trong ngân hàng mới có thể tới 40%, tức là gấp hai lần khung tối đa cho phép đối với việc sở hữu cổ phần trong một ngân hàng mới.
Nhưng cũng theo NHNN, hiện 4 trường hợp trên cũng mới chỉ được chấp nhận về mặt nguyên tắc, để tiến tới hoàn thiện bước hai là cấp phép chính thức, Ban trù bị thành lập của mỗi ngân hàng mới sẽ còn cần phải làm nhiều công việc khác. Trong đó, quan trọng nhất là chứng minh khả năng tài chính cho việc thành lập này, đối với cổ đông là tổ chức thì việc chứng minh tài chính có lẽ sẽ đơn giản hơn bởi hầu hết đều phải kiểm toán hàng năm, nhưng đối với cổ đông cá nhân thì sẽ khó hơn một chút do yêu cầu việc góp vốn phải là "tiền thật".
Theo quy định, nguồn tài chính thành lập ngân hàng phải thuộc sở hữu của các cổ đông, không được phép đi vay dưới bất kỳ hình thức nào. Số tiền dự kiến góp vốn thành lập ngân hàng phải được gửi tại một ngân hàng thương mại Việt
Đây là điều mà một số nhà đầu tư quan ngại, để góp vốn thành lập ngân hàng thì cần phải nhiều tiền, mà đa số cổ đông cá nhân sáng lập trong các ngân hàng mới này là là các "đại gia" chứng khoán hoặc có người đang nắm giữ chân trong hội đồng quản trị các công ty niêm yết trên sàn. Khi cần chứng minh tiền góp vốn của mình sẽ phải bán bớt lượng cổ phiếu đang sở hữu để thu tiền về. Điều này sẽ tạo hiệu ứng không tốt cho TTCK vốn vẫn chưa thể "nhuận sắc" hiện nay.
Trên thực tế, trong thời gian qua đã có không ít lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết bán bớt phần nắm giữ của mình, và theo nguồn tin của ĐTCK thì không ít trong số đó là nhằm mục đích rút tiền về góp vốn vào các ngân hàng sẽ được thành lập.