Thống nhất trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, theo đề xuất của Chính phủ.
Chiều 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 Chiều 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng

Sáng nay (12/2), Kỳ họp bất thường lần thứ chín của Quốc hội Khóa XV bắt đầu ngày làm việc đầu tiên.

Chuẩn bị khá gấp gáp, song Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên cũng đã được Chính phủ chuẩn bị để Ủy ban Kinh tế thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.

“Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tăng trưởng GDP cả nước cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026)”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh khi trình Đề án tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 10/2.

Theo tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, tốc độ tăng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.

Trường hợp cần thiết, có thể điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo (khoảng 5% GDP).

Cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, song Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra Đề án) lưu ý, tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm 2025 chưa có nhiều khởi sắc, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2025 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ở mức dưới 50 điểm trong 2 tháng liên tiếp cho thấy các điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam thu hẹp.

Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Đề án, đặc biệt cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công.

Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, điều chỉnh tăng CPI bình quân khoảng 4,5 - 5% là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý.

Liên quan đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về bội chi và nợ công, ông Thanh phản ánh ý kiến của Ủy ban Kinh tế rằng, đề xuất này là cần thiết để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đề nghị Chính phủ sử dụng hiệu quả nguồn lực, thực hiện đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý nợ công, quyết liệt điều hành để bảo đảm bội chi, nợ công trong phạm vi đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 159/2024/QH15, chỉ điều chỉnh khi đã thực hiện hết các giải pháp và bảo đảm an toàn nợ công, khả năng trả nợ, đặc biệt là chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu ngân sách.

Kết hợp hiệu quả giải pháp ngắn hạn và dài hạn

Tham gia thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề xuất tập trung rà soát các điểm nghẽn, vướng mắc từ pháp luật để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, chứ không chỉ sửa một số luật nêu trong tờ trình (Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Luật Năng lượng nguyên tử…).

Theo ông Phương, Luật Lâm nghiệp mà không sửa thì ách tắc rất lớn và ách tắc đầu tiên liên quan đến quy hoạch rừng.

“Ngày xưa, quy hoạch theo kiểu ‘vung tay’, bây giờ chồng lấn giữa rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng sản xuất, thậm chí có những nơi không nên để là rừng phòng hộ, vì đâu còn rừng mà để. Nhiều địa phương miền núi, ở những nơi có rừng rất quan ngại vấn đề này, bởi không phát triển được, cứ động vào đâu là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, nhưng thực tế lại không còn là phòng hộ, đầu nguồn. Cần phải sửa để giải quyết quy hoạch rừng cho chuẩn xác”, ông Phương phát biểu.

Ách tắc thứ hai được ông Phương nêu ra liên quan đất lâm, nông trường. “Vấn đề đất lâm, nông trường hiện nay rất vướng, nơi nào cũng vướng, từ các tỉnh Tây Nguyên đến các tỉnh miền núi. Nếu không sửa Luật Lâm nghiệp thì không giải quyết vấn đề đó được”, ông Phương nhấn mạnh.

Sửa Luật Lâm nghiệp, theo Phó chủ tịch Quốc hội, còn giải quyết vấn đề tín chỉ carbon rừng và giải quyết được câu chuyện kinh tế dưới tán rừng.

Cũng góp ý về giải pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị đẩy mạnh tiến độ sửa đổi Luật Doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục rà soát khung pháp lý liên quan doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực kinh tế phi chính thức, ban hành kế hoạch với lộ trình cụ thể để hoàn thiện thể chế pháp luật.

“Mấy hôm nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nói đến luật của Liên minh châu Âu, trong đó, họ coi phổ cập trí tuệ nhân tạo (AI) như công cuộc xóa mù chữ. Tôi nghĩ, Việt Nam cũng rất cần quan tâm kinh nghiệm này, nhất là khi chúng ta chủ trương đi tắt, đón đầu”, bà Thúy Anh nêu quan điểm.

Báo cáo giải trình thêm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, vấn đề lớn nhất là nhiệm vụ, giải pháp nào để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng mới.

Theo Bộ trưởng, sẽ có hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm nhóm ngắn hạn (có tác động ngay trong năm 2025) và nhóm dài hạn (có thể triển khai, nhưng có độ trễ, là nền tảng cho giai đoạn 2026-2030).

“Trong các nhiệm vụ, giải pháp tại Đề án được lồng ghép cả 2 loại đó. Ví dụ, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn hay tăng các nguồn vốn đầu tư… thì có tác dụng ngay, nhưng những vấn đề về sửa đổi thể chế pháp luật, đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện Nghị quyết 57… là những vấn đề lớn, sẽ có độ trễ nhất định”, Bộ trưởng nói thêm.

Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ bám sát yêu cầu tăng trưởng đạt trên 8% để xác định cụ thể lộ trình, trách nhiệm, xây dựng trình Quốc hội các luật, nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo hành lang pháp lý cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và những năm tiếp theo.

“Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng, nhưng giữ vững nền tảng để phát triển bền vững, lâu dài, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Có giải pháp cụ thể, hiệu quả để đảm bảo an sinh xã hội, an ninh tài chính quốc gia trong trường hợp nới lỏng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và điều chỉnh tăng CPI, bội chi và nợ công. Lưu ý thời gian thực hiện các mục tiêu trong điều kiện thời gian còn lại của năm 2025 chỉ còn khoảng 10 tháng và phải kết hợp hiệu quả giữa các giải pháp ngắn hạn và dài hạn”, Phó chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Ông Hải cũng nhấn mạnh yêu cầu có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý đầu tư công, đảm bảo giải ngân được số vốn đầu tư công đã giao dự toán và bổ sung thêm trong điều kiện giải ngân vốn đầu tư là khâu yếu kéo dài nhiều năm và đặc thù năm 2025. “Có giải pháp thực chất, hiệu quả để thu hút đầu tư xã hội thực hiện bằng được chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, vì đột phá về tăng trưởng cần có sự đột phá về đầu tư xã hội”, Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tuyến đường sắt mới

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sự cần thiết và thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín. Trong điều kiện đất nước đang triển khai nhiều Dự án hạ tầng cần thiết, cấp bách trên nhiều lĩnh vực giao thông, năng lượng, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn các rủi ro và các giải pháp kiểm soát rủi ro. Đặc biệt là rủi ro thiếu vốn, không hoàn thành Dự án đúng tiến độ hoặc phải huy động vốn với chi phí cao; rủi ro mất cân đối ngân sách trong trung hạn khi các khoản nợ đến hạn trả và trả lãi lớn; rủi ro phụ thuộc quá lớn vào nợ vay nước ngoài, ảnh hưởng đến sự chủ động về tài chính, ngân sách quốc gia.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục