Thống kê thương mại dịch vụ cần “nâng cấp”

Có một thực tế không thể phủ nhận lâu nay là dường như vẫn tồn tại một sự mất cân đối khá lớn giữa những số liệu thống kê về lĩnh vực thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ trong các bản báo cáo và thống kê điều tra về kinh tế của các ngành tại Việt Nam.

Chính vì vậy, một lời khuyên thiết thực mà các chuyên gia tư vấn của dự án Hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn II (MUTRAP II) đưa ra tại Hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu thiết lập hệ thống thống kê thương mại quốc tế về dịch vụ của Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội là cần có sự nhìn nhận một cách đúng đắn hơn về vai trò của thống kê thương mại dịch vụ trong nền kinh tế, để từ đó có những đầu tư thích đáng cho lĩnh vực hết sức quan trọng này.

Lý do đầu tiên mà ông Dietrich Barth, chuyên gia tư vấn của EU về Luật quốc tế và kinh tế, đưa ra để thuyết phục cho quan điểm này là sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại dịch vụ khiến nó đã và sẽ trở thành khu vực đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế đang ngày càng trở thành xu thế tất yếu tại Việt Nam. “Nếu như chỉ đơn thuần nhìn vào bức tranh kinh tế Việt Nam hiện nay, người ta có thể thấy dịch vụ chiếm một tỷ lệ chưa xứng đáng. Tuy nhiên, nếu xét trên sự gia tăng khá nhanh của tốc độ phát triển cũng như tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu các ngành dịch vụ trong những năm gần đây thì có thể thấy một xu hướng rõ ràng rằng, dịch vụ đang ngày càng chiếm một vai trò lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, sẽ đến một thời điểm, cán cân tương quan sẽ nghiêng về thương mại dịch vụ chứ không phải là hàng hoá như thời điểm hiện nay, và điều đó là hoàn toàn phù hợp với tiến trình hội nhập của Việt Nam với trào lưu phát triển của thế giới ngày nay”, ông Barth bình luận.

Mặt khác, theo đánh giá của Cơ quan Phát triển và Thương mại Liên hợp quốc (UNCTAD), tỷ lệ đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ tại Việt Nam phát triển nhanh hơn trong lĩnh vực sản xuất, chiếm tới 60% tổng FDI hàng năm của Việt Nam. Theo ông Barth, những xu hướng phát triển này đòi hỏi phải có những số liệu thống kê kịp thời và đáng tin cậy trong lĩnh vực dịch vụ. Bởi chúng sẽ là nền tảng quyết định hiệu quả việc triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2006-2010 và kiểm soát những ảnh hưởng phát triển của lĩnh vực dịch vụ và thương mại dịch vụ đối với kế hoạch đầy kỳ vọng này cũng như đối với tiến trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới và khu vực.

Một lý do khác nữa hoàn toàn xứng đáng để “nâng cấp” vai trò của thống kê thương mại dịch vụ, theo ông Julian Arkell, chuyên gia tư vấn thương mại cao cấp của EU, hoạt động này đang ngày càng có vai trò quyết định tới xu thế phát triển và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Điều này thể hiện ở chỗ cùng với thống kê về thương mại hàng hoá, thống kê về thương mại trong các ngành dịch vụ đóng vai trò mấu chốt để nâng cao vị thế của Việt Nam trong các cuộc đàm phán song phương và đa phương trong tiến trình hội nhập cũng như trong đàm phán khu vực và thoả thuận với các đối tác kinh tế lớn trên thế giới. “Cần phải nhận thấy rằng, nhà đàm phán cần biết rõ kim ngạch thương mại của các lĩnh vực lớn để có thể hướng tới những quyết định có lợi nhất và đảm bảo được những lợi ích theo mục tiêu chính sách quốc gia. Và ở khía cạnh khác, Chính phủ cũng cần nắm bắt và giám sát tác động của các cam kết mở cửa thị trường hiện tại và tiềm năng trong tương lai trong thoả thuận thương mại tại các cuộc đàm phán. Để làm được điều này, không còn cách nào hơn là phải dựa vào những số liệu thống kê có độ tin cậy và sức thuyết phục”, ông Arkell nhấn mạnh.

Hơn nữa, ông Arkell cũng cho biết, khi đã gia nhập WTO, Việt Nam cũng như bất kỳ thành viên nào khác đều phải thiết lập một hệ thống thống kê hiện đại và tin cậy, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tế. Trong đó, nghĩa vụ phải thực hiện theo các cam kết bao gồm cả thương mại trong hầu hết lĩnh vực dịch vụ cũng như các khía cạnh quan trọng của FDI trong các lĩnh vực dịch vụ, và các số liệu này theo thông lệ đều phải báo cáo IMF và WTO. “Trong bối cảnh đó, nếu hệ thống thống kê về dịch vụ của Việt Nam không đáp ứng chuẩn mực của WTO thì việc đảm bảo thực thi đầy đủ các nghĩa vụ cam kết của Việt Nam sẽ rất khó khăn”, ông Arkell khuyến cáo. Trên cơ sở những phân tích này, các chuyên gia tư vấn MUTRAP cho rằng, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hệ thống thu thập số liệu thống kê để nâng cao năng lực ngành này, từ đó đáp ứng được việc đưa vào ứng dụng chuẩn mực thống kê quốc tế. Bên cạnh đó, cần bổ sung thống kê về chỉ số định lượng trong các ngành dịch vụ để tiến tới có thể thu thập, tổng hợp đầy đủ các dữ liệu thống kê trong những lĩnh vực này.

Hiểu Long
Hiểu Long

Tin cùng chuyên mục