Thống kê kinh tế - xã hội là công cụ mạnh mẽ nhận thức xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Ngành Thống kê đã thực hiện thành công nhiều cuộc điều tra, tạo nguồn dữ liệu quan trọng cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Tổng cục Thống kê Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập (6/5/1946-6/5/2021), đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Tổng cục Thống kê Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập (6/5/1946-6/5/2021), đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Tổng cục Thống kê vừa tổ chức Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập (6/5/1946-6/5/2021), đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận ngày 6/5 hàng năm là “Ngày Thống kê Việt Nam”.

Hướng về người dùng tin

Phát biểu tại buổi Kỷ niệm, Phó thủ tướng Lê Minh Khái trích dẫn câu nói của V. Lê-nin: “Thống kê kinh - tế xã hội là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để nhận thức xã hội”.

“Nhận thức có đúng, đầy đủ, kịp thời mới có thể đánh giá tình hình được chính xác, dự báo được tốt làm căn cứ nền tảng phục vụ công tác hoạch định chiến lược, xây dựng chính sách và quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội từ trung ương đến địa phương phù hợp để xây dựng, phát triển đất nước”, ông Khái nhấn mạnh.

Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, xuyên suốt 75 năm hình thành và phát triển, trong mỗi giai đoạn lịch sử, ngành Thống kê đều có những đóng góp quan trọng, đậm dấu ấn vào sự phát triển và những thành tựu to lớn của đất nước thông qua việc thu thập, biên soạn, phổ biến thông tin thống kê kinh tế - xã hội trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời từ trung ương đến địa phương phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành; đồng thời đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng thông tin thống kê ngày càng tăng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

“Với quan điểm đổi mới vừa phục vụ tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng, Quốc hội và Nhà nước; vừa “Hướng về người dùng tin”, trong những năm qua, mọi đối tượng sử dụng thông tin thống kê đã được tiếp cận một cách rộng rãi, lượng thông tin cung cấp cũng không ngừng tăng lên, hình thức phổ biến thông tin ngày càng đa dạng”, ông Khái đánh giá và khái quát 5 thành tích nổi bật trong bề dầy lịch sử của ngành Thống kê trong quá trình đổi mới và hội nhập từ năm 1986 tới nay, trong đó nhấn mạnh đến “con số biết nói”.

Theo ông Khái, ngành Thống kê đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê, thể hiện rõ "con số biết nói" thông qua phân tích, giải thích, trình bày và tổ chức dữ liệu thống kê để phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành.

“Ngành Thống kê đã thực hiện thành công nhiều cuộc điều tra thống kê quy mô lớn, tạo nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng cho việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều ấn phẩm, chuyên đề thống kê được biên soạn ngày càng chất lượng, nội dung ngày càng đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt nhiều đối tượng dùng tin khác nhau, trong đó nổi bật có thể kể đến như Niên giám thống kê; Sách trắng doanh nghiệp, Sách trắng hợp tác xã; báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng, quý, năm; số liệu GDP và GRDP… Xây dựng và cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế hàng quý và cả năm có giải trình, đảm bảo tính trung thực, khách quan số liệu thống kê, nhận được sự đồng tình cao của xã hội và người dân”, ông Khái ghi nhận.

Có được thành tựu như đánh giá của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, bắt nguồn từ sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ, quan tâm chỉ đạo của Bộ trưởng, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, địa phương, sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, chuyên gia thống kê quốc tế đặc biệt là sự hợp tác cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới vào năm 2045

Trong thời gian tới, bà Hương cho biết, ngành Thống kê tập trung vào 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê; hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu; đổi mới hoạt động xác định nhu cầu, phân tích, dự báo, biên soạn và phổ biến thông tin thống kê...

“Nhiệm vụ của ngành Thống kê trong giai đoạn mới rất nặng nề, nhưng với sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ trưởng và Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhất định ngành Thống kê hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đưa Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN vào năm 2030 và trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới vào năm 2045”, bà Hương cam kết.

Còn trong thời gian trước mắt, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, ngành Thống kê tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin thống kê đặc biệt công tác phân tích, dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; phản ánh kịp thời và dự báo những biến động lớn của từng ngành, lĩnh vực; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dự báo, cảnh báo kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê của các đối tượng sử dụng trong và ngoài nước.

“Bên cạnh đẩy mạnh công tác phân tích xây dựng các “kịch bản” phát triển kinh tế - xã hội chính xác, đầy đủ, kịp thời, chuyên sâu trong điều hành kinh tế vĩ mô, ngành Thống kê phải tiếp tục tập trung thực hiện tốt tất cả các cuộc điều tra, trong đó, đặc biệt là Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Ngành Thống kê cần phải sát sao chỉ đạo công tác thu thập thông tin trong Tổng điều tra. Đây là khâu rất quan trọng quyết định đến chất lượng của cuộc Tổng điều tra. Thông tin Tổng điều tra kinh tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định chiến lược, chính sách, do vậy, nếu chất lượng thông tin đầu vào không tốt, không phản ánh chính xác tình hình kinh tế - xã hội, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác hoạch định chính sách của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương”, ông Khái nhấn mạnh.

Nhân dịp 75 năm kỷ niệm Ngày thành lập ngành Thống kê, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng, trong đó yêu cầu “ngành Thống kê đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện tập trung, thống nhất và độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp số liệu xác thực” và “góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước nhanh và bền vững, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao”.

Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thư chúc mừng và có đánh giá ngành Thống kê đã “thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao”.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cũng chúc mừng Tổng cục Thông kê “là một tổ chức vững mạnh với danh tiếng tốt trong việc tạo ra dữ liệu chất lượng cao cho Chính phủ Việt Nam và cộng đồng nghiên cứu trong và ngoài nước”.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục