Thống đốc BOJ chịu nhiều áp lực

(ĐTCK) Trong phiên họp chính sách cuối tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bất ngờ thông báo sẽ thực hiện đánh giá toàn diện hiệu quả của tất cả các chính sách tiền tệ kể từ khi ông Haruhiko Kuroda lên nắm giữ vị trí Thống đốc BOJ năm 2013 vào phiên họp ngày 20 - 21/9 tới.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda

Động thái này được xem là tạo thêm áp lực với Thống đốc BOJ, khi các biện pháp nới lỏng tiền tệ của cơ quan này cho tới nay vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Không riêng chính phủ Nhật Bản, các thành viên thị trường, trong đó có giới đầu tư, cũng tỏ rõ sự thất vọng trước các thông tin mới được đưa ra trong phiên họp vừa qua.

Theo đó, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda và đội ngũ của mình đã quyết định mở rộng chương trình mua vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) lên mức 2,7 nghìn tỷ yên (26 tỷ USD) mỗi năm, một động thái nhằm hỗ trợ sự tự tin của thị trường sau những biến động tại thị trường tài chính do sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu gây ra. Bên cạnh đó, gói cho vay bằng USD cũng được mở rộng lên 24 tỷ USD. Ông Kuroda tiếp tục khẳng định trong tương lai có thể thực hiện thêm các biện pháp nới lỏng nếu cần thiết.

Theo nhận định của các chuyên gia, BOJ đang chịu nhiều áp lực từ phía Chính phủ Nhật Bản trong việc đạt được các mục tiêu mà chính cơ quan này đặt ra.

“Kỳ vọng của chính phủ quá cao, BOJ không thể không hành động. Nhưng thực tế, cơ quan này chưa làm được gì. BOJ duy trì mức mục tiêu của gói nới lỏng tiền tệ là 80 nghìn tỷ yên mỗi năm, trong khi gói nới lỏng này đã được hoàn thiện phần lớn thông qua việc mua vào trái phiếu chính phủ. Chưa kể, mức mục tiêu lạm phát 2% hiện vẫn khá xa vời. Thực tế, lạm phát của Nhật Bản đã ở mức âm trong suốt thời gian qua”, Martin Schulz, nhà kinh tế học cao cấp tại Fujitsu Research Institute tại Tokyo cho biết.

Trong bài phát biểu của mình, ông Kuroda phủ nhận việc BOJ đã cạn dư địa để thực hiện thêm các chính sách tiền tệ, tài khóa, đồng thời cũng gạt bỏ ý kiến cho rằng ông đang bị chính phủ tạo áp lực. Thay vào đó, Thống đốc BOJ khẳng định, trong tương lai, cơ quan này sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp mạnh tay hơn nếu cần thiết.

Bên cạnh đó, các quyết định kể trên cùng với việc giữ nguyên lãi suất đã gia tăng mối lo ngại của các nhà băng, cũng như các thành viên thị trường.

“BOJ có 5 phương pháp có thể lựa chọn trong phiên họp chính sách vào cuối tuần trước (29/7), bao gồm cả hạ lãi suất, mở rộng chương trình mua quỹ ETF, nâng mức giới hạn gói nới lỏng tiền tệ, tuy nhiên, họ chỉ lựa chọn một. Việc mở rộng thêm chương trình mua quỹ ETF rõ ràng đã khiến giới đầu tư cũng như các chuyên gia thất vọng”, Sean Callow, chiến lược gia cao cấp tại Westpac Banking Corp cho biết.

Ý kiến của Sean Callow cũng là tiếng nói chung của các thành viên thị trường, mà bằng chứng rõ ràng là chỉ số Topix ngay lập tức giảm 1,4% trong phiên cuối tuần sau thông tin từ BOJ.

Thông báo từ BOJ xuất hiện chỉ vài giờ trước khi một loạt báo cáo của chính phủ Nhật Bản cho thấy nền kinh tế của đất nước mặt trời mọc duy trì đà tăng trưởng yếu trong tháng 6. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi giảm tháng thứ 4 liên tiếp, chi tiêu hộ gia đình tiếp tục giảm. Các số liệu cũng cho thấy thị trường lao động Nhật Bản đang chịu nhiều tác động tiêu cực do tình trạng dân số già hóa.

Trước những áp lực từ phía chính phủ và thị trường, ông Kuroda sẽ phải đau đầu tìm thêm phương pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đạt được các mục tiêu đã đề ra. Nhưng trước hết, Thống đốc BOJ phải giữ vững vị trí của mình trong đợt rà soát sắp tới.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục