Xuất nhập khẩu trong ngành điều: Đứng thứ nhất vẫn thua thiệt

Dù VN là nước đứng thứ nhất trong XK các sản phẩm từ điều thế nhưng theo các DN chế biến điều cả xuất khẩu (XK) lẫn nhập khẩu (NK) đều ở trong thế yếu. Hệ quả rõ nhất của thế yếu là khi giao dịch, thanh toán tiền trong cả XK và NK họ thường thua thiệt.
Hiện DN điều VN mua đến 90% nguyên liệu qua trung gian (chủ yếu là thương gia Ấn Độ), dù nguyên liệu có nguồn gốc chủ yếu từ các nước Châu Phi

Hiện DN điều VN mua đến 90% nguyên liệu qua trung gian (chủ yếu là thương gia Ấn Độ), dù nguyên liệu có nguồn gốc chủ yếu từ các nước Châu Phi

  Theo các DN, hiện ngành điều VN đang sản xuất kinh doanh tương đối thuận lợi, nhu cầu mua hàng của các đối tác khá dồi dào.

 

Phụ thuộc quá nhiều

 

Tuy nhiên, do ngành điều VN phải NK trên 50% nguyên liệu chủ yếu là các nước Châu Phi nên khá phụ thuộc vào các thương gia nước ngoài. Khi ký được hợp đồng mua nguyên liệu, DN Việt luôn phải trả tiền trước từ 90% đến 98%, do vậy xem như các thương nhân trung gian đã nắm đằng cán và ở thế chủ động.

 

Từ đó, khi giá nguyên liệu điều tăng thì họ buộc ta điều chỉnh tăng giá mua, còn khi giá điều xuống thì họ không điều chỉnh xuống. Trong trường hợp giá nguyên liệu điều tăng cao quá, nếu các DN VN không chịu điều chỉnh tăng giá thì việc họ phá bỏ hợp đồng rất dễ xảy ra. Hoặc họ giao cho ta loại hạt điều chất lượng thấp hơn hàng đã giao kèo, với hàng loạt lý do như do mưa nhiều, do thời gian vận chuyển...

 

Ông Nguyễn Công Thanh - Phó GĐ Cty TNHH Tân Hòa tỉnh Tây Ninh - một trong những DN chế biến hạt điều XK với công suất trung bình 25 - 30 tấn nguyên liệu hạt điều mỗi ngày chia sẻ : năm ngoái, Cty đã bị đối tác buộc tăng giá mua cao hơn giá hợp đồng đã ký. Do DN không đồng ý nên lô hàng đó đến Cty rất chậm và chất lượng kém khiến DN khốn đốn vì hàng XK đã ký, nếu xuất không đủ hoặc chậm là bị phạt.

 

NK nguyên liệu hạt điều đã bị bất bình đẳng, XK hạt điều đã chế biến cũng bị bất bình đẳng tương tự. Trong khi ký hợp đồng mua hạt điều thì DN Việt buộc phải trả tiền trước như nêu trên, thì ngược lại khi ký XK hạt điều đã chế biến thì chỉ khi nào phía đối tác nhận được hàng, và kiểm tra hàng xong thì họ mới chuyển tiền. Theo một DN thì đây là lệ bất thành văn. Một bất bình đẳng khác là khi DN Việt ký hợp đồng XK hạt điều đã chế biến thì hai bên chỉ ký bản ghi nhớ, trong khi ký hợp đồng mua nguyên liệu thì phải ký hợp đồng hẳn hoi. Tính pháp lý của “bản ghi nhớ” thấp hơn “bản hợp đồng” nên điệp khúc thua thiệt tương tự như khi mua lại xảy ra. Ông Nguyễn Công Thanh cũng cho biết năm ngoái Cty ông cũng đã bị trả về 2 lô hàng (30 tấn hạt điều đã chế biến), một lô từ Ấn Độ và một lô từ Thái Lan do giá thị trường xuống thấp hơn giá mà Cty đã ký hợp đồng bán.

 

“Cá lớn nuốt cá bé”

 

Ngoài nguyên nhân phụ thuộc, theo ông Thanh, nguyên nhân lớn nhất của tình trạng trên là do DN Việt quá nhỏ bé trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, do thời gian dài từ khi ký “bản ghi nhớ” – “bản hợp đồng” đến khi  giao hàng- nhận hàng luôn từ 2 đến 3 tháng, do vậy dễ gặp biến động giá thị trường lên xuống, và đối tác luôn tính toán và xử sự theo cách có lợi cho họ.

 

Ông Thanh cũng cho rằng việc DN điều VN thường xuyên bị ép có phần lỗi của các cơ quan chức năng. Ví dụ :  khi DN nước ngoài ép DN Việt thì DN Việt không biết kêu ai, kiện ai... nhưng khi DN Việt cũng có cách hành xử tương tự (giá điều chế biến lên nên ta chậm giao hàng hoặc điều đình tăng giá.) thì DN nước ngoài “kêu” lên thủ tướng, kêu lên bộ chủ quản của VN. Thế là bộ có công văn chỉ đạo phải xuất hàng với các lý do chính đáng như VN đã gia nhập WTO, phải giữ uy tín với khách hàng... Lẽ ra, với các quan hệ buôn bán giữa các DN với nhau thì khi xảy ra tranh chấp hãy để các DN tự giải quyết, hoặc để hiệp hội - đại diện DN biết. Vẫn biết việc ngành chức năng chỉ đạo DN phải thực hiện hợp đồng là đúng, nhưng tại sao khi họ ép ta thì không ai can thiệp ?

 

Ông Nguyễn Quốc Như - Chủ tịch Hiệp hội Điều tỉnh Tây Ninh xác nhận các than phiền nêu trên của  DN là đúng sự thật. Theo ông Như, để tăng dần vị thế, DN Việt nên từng bước tiến đến mua tận gốc, bán tận ngọn. Ngoài ra, DN Việt phải có những giao dịch mua nguyên liệu hạt trực tiếp từ những nước Châu Phi như đang mua nguyên liệu trực tiếp từ người nông dân VN vậy. Hiện DN điều VN mua đến 90% nguyên liệu qua trung gian (chủ yếu là thương gia Ấn Độ), dù nguyên liệu có nguồn gốc chủ yếu là từ các nước Châu Phi, vừa mất khoản hoa hồng, vừa bị mua giá cao.

 

Đồng tình với ông Như, ông Đặng Hoàng Giang - Tổng thư ký Hiệp hội Điều VN cho rằng, trong quan hệ XNK, DN Việt luôn ở thế bị động và bị thiệt thòi, tuy nhiên mức độ thiệt thòi tùy theo quy mô, quan hệ của mỗi DN. Không chỉ yếu thế trong quan hệ  NK mà ngay chính trên sân nhà, các DN điều cũng yếu thế khi đang bị một số DN lớn nước ngoài vào mua tranh nguyên liệu.

Có lẽ không riêng gì ngành chế biến hạt điều, mà nhiều ngành chế biến XK khác của VN cũng ít nhiều bị thiệt thòi do thế yếu trên thương trường. Muốn tăng vị thế thì không cách nào khác DN Việt phải đoàn kết,  tận dụng thế mạnh là nước XK hàng nhất nhì thế giới về hạt điều, hạt tiêu, gạo... trong đàm phán... Ngoài ra, DN Việt phải thông hiểu luật quốc tế, phải mở rộng quan hệ, làm ăn uy tín để nắm quyền chủ động trong chuỗi cung ứng toàn cầu.


DDDN

Tin cùng chuyên mục