"Xử lý" 13 dự án điện do EVN trả lại: Kiểm tra sát sao

Bộ Công Thương đã chính thức trình Thủ tướng phương án xử lý đối với 6 trung tâm nhiệt điện lớn là các dự án EVN đã trả lại với lý do thiếu vốn. Tuy nhiên, vốn cũng là tiêu chí duy nhất để giải quyết những khó khăn trước mắt đối với cả 6 trung tâm nhiệt điện này.
Một số dự án điện sẽ được giao cho các tập đoàn, TCty nhà nước lớn làm chủ đầu tư. Một số dự án điện sẽ được giao cho các tập đoàn, TCty nhà nước lớn làm chủ đầu tư.

Trong khi đó, việc nan giải về nguồn cung cấp than dài hạn, năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu, cơ chế đấu thầu hay chỉ định thầu để đảm bảo các dự án vận hành đúng tiến độ theo Tổng sơ đồ điện 6 (TSĐ 6) vẫn chưa cụ thể, rõ ràng, chủ yếu trông chờ vào các chủ thể thực hiện.

 

Các DN nhà nước lớn chiếm 60% số dự án

 

Ông Tạ Văn Hường - Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) - đơn vị trực tiếp soạn tờ trình - khẳng định: Nguyên tắc phân chia các dự án điện vẫn trung thành với chỉ đạo của Chính phủ trong TSĐ 6, nghĩa là thay vì EVN chiếm xấp xỉ 60% tổng số dự án nguồn điện, thì tỉ lệ này sẽ do các tập đoàn, TCty nhà nước lớn tham gia để cùng chia sẻ.

 

Cụ thể, ngoài EVN được giao lại đầu tư 2 dự án với tổng công suất 2.000MW, TĐ Dầu khí VN (PVN), TĐ Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV), một số TCty lớn như TCty Sông Đà, TCty Lắp máy VN (Lilama)... sẽ được giao làm chủ đầu tư một số dự án điện. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ chọn 1-2 dự án thực hiện theo hình thức đấu thầu để chọn các nhà đầu tư nước ngoài nhằm giảm gánh nặng về vốn. Các hình thức đầu tư khác cũng được tính đến là thành lập Cty liên doanh, Cty cổ phần có vốn trong và ngoài nước, thực hiện các dự án điện độc lập, BOT, BOO, BT.

 

Cũng theo ông Hường, hiện nay điện vẫn là lĩnh vực có sức hấp dẫn lớn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đề xuất của Bộ Công Thương, theo quy hoạch TSĐ 6 được duyệt, một số dự án dự tính cho phương án cao, mang tính dự phòng gối đầu là chính (như Vũng Áng 3 và Quảng Trạch) và dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2015 trở đi, không thuộc dự án điện cấp bách nên việc chọn chủ đầu tư cho các dự án ngay từ bây giờ là có khả năng kịp tiến độ.

 

Hiện ngoài các tập đoàn trong nước đã có văn bản xin đầu tư, EVN cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin hợp tác với Tập đoàn One Energy để phát triển dự án Vĩnh Tân 3.2 (công suất 1.000MW); Tập đoàn EDF đề nghị được tham gia dự án Vĩnh Tân 3; Tập đoàn Toyo (Malaysia) xin đầu tư 2 nhà máy Vĩnh Tân 3 và Duyên Hải 2, sử dụng than nhập khẩu theo hình thức BOT.

 

Các tập đoàn khác như Janakusa (Malaysia) xin đầu tư dự án Hải Phòng 3 và Vĩnh Tân 3; liên danh CIRI/CRP thuộc Cienco 8 và Cty TNHH Không cổ điện lực Hoa Nhuận (thuộc TĐ Hoa Nhuận - Trung Quốc) cũng có đơn xin đầu tư các nhà máy điện thuộc Trung tâm Điện lực Vũng Áng 3...

 

Nhiều thách thức

 

Trên thực tế, việc phân chia các dự án điện cho nhiều chủ đầu tư thực hiện có thể cùng lúc giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại. Thay vì lâu nay, EVN được Chính phủ đứng đằng sau, bảo lãnh về vốn vay, ưu tiên các nguồn ODA, có cơ chế để triển khai các dự án điện cấp bách, thành lập tổ công tác của Chính phủ giải quyết vốn cho các dự án điện... thì nay, các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước phải tự lực là chính. Riêng về nguồn cung cấp than thì quả là nan giải.

 

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN (VEA) - nêu rõ, với công suất 13.800MW (là tổng công suất của các dự án điện EVN xin trả lại), mỗi năm cần khoảng 35 triệu tấn than cám 5 (nhiệt lượng 5.200kcal/kg), nhưng nếu phải nhập than nhiệt lượng thấp hơn có thể cần tới 40-50 triệu tấn/năm. Trong khi đó, đến năm 2012, than trong nước không đủ để cung cấp cho điện, mà phải trông chờ vào nguồn NK, nhưng cả TKV cũng không biết sẽ phải NK ở đâu.

 

Thêm vào đó, việc chậm trễ đưa các nhà máy điện vào hoạt động dẫn đến nguy cơ thiếu điện cũng cho thấy, nếu tiến độ đề ra là 3-4 năm hoàn thành thì trên thực tế phải mất 6-7 năm. Các dự án nhiệt điện trong TSĐ 6 đều là những dự án phức tạp, các nhà đầu tư trong nước đều chưa có kinh nghiệm... Vì vậy, nếu không kiểm tra việc triển khai sát sao và cam kết tiến độ chặt chẽ thì điệp khúc "bất khả kháng, chậm tiến độ, thiếu điện..." lại diễn ra.


Tin cùng chuyên mục