WB: Tỷ lệ dự trữ ngoại hối của Việt Nam cần đạt 2,5 tháng nhập khẩu

Theo Ngân hàng thế giới (WB), lạm phát của Việt Nam có thể đạt đỉnh vào tháng 6 với khoảng 22%, sẽ giảm dần vào những tháng cuối năm và dừng ở mức 15% vào tháng 12/2011.
WB: Tỷ lệ dự trữ ngoại hối của Việt Nam cần đạt 2,5 tháng nhập khẩu

 

Chiều nay (2/6) trong khuôn khổ cuộc họp báo về Giữa kỳ các nhà tài trợ cho Việt Nam 2011 (CG), WB đã đánh giá khá cao các biện pháp hiện nay Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.

 

Tuy nhiên, theo ông Deepak Mishra – Kinh tế gia trưởng của WB thì để nền kinh tế được ổn định và hiệu quả thì Chính phủ Việt Nam cần duy trì thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11 cho đến khi đạt được 3 chỉ số quan trọng sau:

 

+ Lạm phát dưới một con số

 

+ Không còn khoảng cách giữa tỷ giá tự do và tỷ giá ngân hàng

 

+Tỷ lệ dự trữ ngoại hối quốc gia đạt 2,5 tháng nhập khẩu

 

Ông Deepak Mishra khẳng định, không nhất thiết Việt Nam phải đạt được cùng một lúc 3 mục tiêu trên mà chỉ cần đạt một trong 3 điều đó thì kinh tế vĩ mô sẽ ổn định hơn.

 

Theo số liệu cũ của Citigroup, ở thời điểm cuối tháng 9/2010, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 14,1 tỷ USD, tương đương khoảng 1,8 tháng nhập khẩu.

 

Còn theo báo cáo tháng 4/2011 của Moody’s, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước tính khoảng 12,2 tỷ USD ở thời điểm cuối năm 2010 trong khi đó mức đỉnh vào năm 2008 lên tới 25,8 tỷ USD.

 

Trên thực tế thì tỷ lệ dự trữ tốt nhất nên là 3 tháng nhập khẩu, đưa ra con số 2,5 tháng là điều mà WB đã tính đến khả năng thực hiện thành hiện thực của Việt Nam.

 

“Số ngoại tệ này không nhất thiết là phải nằm trong “kho” của NHNN mà có tại hệ thống các NHTM cũng là điều chấp nhận được” - ông Deepak Mishra nói.

 

Về thời gian thực hiện các mục tiêu này, ông Deepak Mishra cho rằng, điều đó phụ thuộc vào các biện pháp ngắn hạn của Chính phủ đang thực hiện hiện nay. Có thể thời gian cần khoảng 6 tháng đến 1 năm để nền kinh tế “ngấm” các biện pháp của Nghị quyết 11 hiện nay và lúc đó các mục tiêu trên mới có kết quả chính xác.

 

Trên cơ sở các giả định tăng trưởng kinh tế thế giới là 3%/năm, các nước đang phát triển ở khu vực Đông Á là 8,2%/năm và không có các cú sốc về giá lương thực, dầu mỏ trong suốt năm 2011.

 

Đồng thời thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả Nghị quyết 11, trong đó phải đảm bảo tính thanh khoản và các mục tiêu về chính sách tiền tệ đã được NHNN đề ra thì 6 tháng đầu năm 2011 tăng trưởng GDP thấp hơn dự đoán (Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo là GDP là 5,6%), lạm phát có thể đạt đỉnh vào tháng 6 với khoảng 22% và sẽ giảm dần vào những tháng cuối năm và dừng ở mức 15% vào tháng 12/2011.

 

Đặc biệt, thâm hụt cán cân thương mại có thể nhưng sẽ tăng nhưng điều đó không quá lo ngại.

 

Từ năm 2012 trở đi tình hình kinh tế vĩ mô sẽ có thể tốt hơn nhưng tăng trưởng sẽ thấp hơn so với thời kỳ trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu.


DĐDN

Tin cùng chuyên mục