Vốn TPCP: còn xin - cho, còn lãng phí

(ĐTCK) Việc sử dụng nguồn vốn TPCP đang bộc lộ nhiều bất cập. Theo một số Đại biểu Quốc hội, cần có tiêu chí cụ thể dự án được sử dụng nguồn TPCP, chứ không thể cấp duyệt theo cảm tính như hiện nay.
Vốn TPCP: còn xin - cho, còn lãng phí

Đại biểu Bùi Quang Vinh (Đoàn Lai Châu)

Vốn TPCP: còn xin - cho, còn lãng phí  ảnh 1  
Tôi đề xuất giải pháp là Chính phủ sẽ rà soát theo căn cứ, theo mục tiêu để xác định các công trình lớn, cần thiết như là thủy lợi, giao thông rồi yêu cầu các bộ, địa phương lập dự án cụ thể, dự toán chính xác… sau đó trình Chính phủ. Chính phủ cân nhắc, lựa chọn trình Quốc hội từng danh mục một và căn cứ vào tổng mức danh mục đó thì Quốc hội sẽ quyết định mức TPCP tương thích. Như vậy, sẽ không ai phải xin - cho, tổng mức được đi thẳng vào thẳng từng công trình sẽ không có dàn trải và chúng ta có thể kiểm soát được việc này.
 

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Đoàn TP. Hà Nội)

  Vốn TPCP: còn xin - cho, còn lãng phí  ảnh 2
Qua giám sát thực tiễn, có một số bất cập cần phải hoàn thiện. Chúng ta thiếu tiêu chí để xét dự án nào thuộc diện được đầu tư từ vốn TPCP. Vốn TPCP thể hiện rõ nhất bất cập nhất của cơ chế xin - cho, tức là chúng ta thiếu tiêu chí khách quan để xét dự án nào thuộc diện sử dụng vốn TPCP, mà phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của nhà quản lý, dẫn đến tùy tiện. Chúng ta khẳng định là có lãng phí. Vậy có nhiều hay ít? Các con số chưa được định lượng một cách cụ thể.

Dù cơ chế hiện nay như vậy, nhưng hàng trăm công trình dở dang, nằm chờ nhiều năm nay, cứ xuống cấp hàng ngày, hàng giờ, nếu chúng ta không hoàn thiện để đưa vào sử dụng thì có tội với nhân dân và tiếp tục lãng phí tiếp. Cho nên, không nên có công trình mới, nhưng công trình cũ phải phát hành vốn để hoàn thiện tiếp.

 

Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Đoàn Thừa Thiên - Huế)

Vốn TPCP: còn xin - cho, còn lãng phí  ảnh 3  
Đi vào chi tiết, tôi thấy có nhiều địa phương sử dụng vốn TPCP sai mục đích. Ví dụ làm công trình thủy lợi, nhưng thực ra công trình đấy để làm công trình về du lịch sinh thái; làm kè sông, nhưng thực ra để giải quyết chỉnh trang đô thị; làm đường, nhưng thực ra để phát triển du lịch... Như vậy, là cố tình sai phạm về mục đích của dự án. Mặc dù có việc không chấp hành Nghị quyết của Quốc hội, nhưng chúng ta chỉ nói chung chung.

Quan điểm của tôi cần cụ thể hơn, chỉ ra sai ở đâu, ai sai, phải chỉ ra được. Nếu chúng ta cứ chung chung, thì không giải quyết được vấn đề và tình hình lãng phí ngày càng cao hơn.

 

Đại biểu Đỗ Văn Đương (Đoàn TP. HCM)

Tôi thấy lãng phí thì cần phải làm rõ sai phạm do yếu tố “nhân tai” chứ không chỉ là phê bình, kiểm điểm. Ít nhất nếu chưa rõ về tội tham ô, chưa rõ về tội chiếm đoạt thì phải truy cứu về tội thiếu trách nhiệm, tội cố ý làm trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.

Còn nếu tới đây sửa Bộ Luật hình sự và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tôi mạnh dạn đề nghị phải bổ sung tội gây lãng phí thành một tội phạm hình sự. Không cần tham ô, chỉ cần gây lãng phí, có thể là tùy theo tính chất mức độ sai phạm mà có khung hình phạt nhất định, thậm chí không giảm án, ân xá để mãn hạn tù sớm và bằng mọi giá phải truy tìm bằng được các tài sản thất thoát, thu hồi lại cho Nhà nước và dân.

 

Đại biểu Trần Xuân Vinh (Đoàn Quảng Nam)

Vốn TPCP: còn xin - cho, còn lãng phí  ảnh 4  
Để nguồn vốn TPCP phát huy hiệu quả hơn nữa, chúng tôi cũng đề nghị xem xét đến yếu tố đa mục tiêu trong từng dự án, từng khu vực, không nhất thiết cố định các chỉ tiêu thiết kế kỹ thuật, mà căn cứ vào quy hoạch được cấp có thẩm quyển phê duyệt để lồng ghép nguồn vốn và phân kỳ đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch. Đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu trong phê duyệt bố trí vốn trong thời gian tới nhằm hạn chế việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.

TPCP cũng là nguồn vốn ngân sách nhà nước, đề nghị áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi chứ không chỉ định thầu như ở một số dự án. Đồng thời, khẩn trương cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ, nhất là những văn bản liên quan đến đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn nhà nước, trong đó có nguồn vốn TPCP và là cơ sở để xử lý vi phạm.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Đoàn Tiền Giang)

  Vốn TPCP: còn xin - cho, còn lãng phí  ảnh 5
Vấn đề xây dựng thất thoát 20 - 30%, việc đó 20, 30 năm nay, chúng ta đã nói nhiều rồi và có thể gọi đó là một bệnh mãn tính của vấn đề đầu tư xây dựng. Muốn giải quyết việc đó, chúng tôi nghĩ, phải giải quyết bằng BOT, phải tư nhân, phải xã hội hóa, chúng ta còn dùng ngân sách nhà nước thì còn việc đó, rất khó kiểm soát. Một vấn đề nữa trong y tế, đề nghị Quốc hội cũng nên xem xét, mở cơ chế để cho các đơn vị sự nghiệp, các bệnh viện có thể vay vốn xây dựng bệnh viện và trả dần. Còn cấp ngân sách thì còn hao hụt đâu đó vài chục phần trăm.

Bùi Trang ghi
Bùi Trang ghi

Tin cùng chuyên mục