VAMC không là cây đũa thần

(ĐTCK) Đó là quan điểm của TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) khi trao đổi với ĐTCK.
TS. Võ Trí Thành TS. Võ Trí Thành

TS. Thành nói: “Nhìn qua thị trường, bước đầu đâu đó còn có những gợn, chưa tin tưởng nhưng rõ ràng về ngắn hạn cùng với một số giải pháp khác đã được bắt tay vào thực hiện trong Nghị quyết 02, nền kinh tế đã có sự tích cực hơn, biểu hiện rõ nhất là TTCK. Nhưng lòng tin có được củng cố hay không còn phụ thuộc vào thời gian sẽ làm như thế nào và phải trong tổng thể”. 

Cuối cùng sau nhiều chờ đợi, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) hay còn được gọi là công ty mua bán nợ quốc gia đã ra đời. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Theo tôi, cần phải khẳng định VAMC không phải là cây đũa thần trong việc xử lý nợ xấu; có VAMC không có nghĩa là sẽ giải quyết được toàn bộ câu chuyện nợ xấu. Tác động tích cực của VAMC đến đâu trong việc xử lý nợ xấu phụ thuộc vào nhiều điều: phụ thuộc vào chính VAMC, vào câu chuyện tổng thể, lớn hơn.

 

Câu chuyện tổng thể lớn hơn ở đây là gì, thưa ông?

Cụ thể, VAMC muốn giải quyết được phải gắn với câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm là cải tổ DNNN, cải tổ hệ thống ngân hàng Việt Nam . Đặc biệt, Việt Nam phải tiếp tục kiên định với chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và trong một chừng mực nào đó là phục hồi kinh tế.

Chẳng hạn, VAMC không xử lý được toàn bộ nợ xấu của DNNN bởi công ty này chỉ xử lý nợ xấu có tài sản đảm bảo, trong khi hiện nhiều khoản nợ của DNNN tại các ngân hàng không có tài sản đảm bảo. Vì lẽ đó, việc xử lý nợ xấu phải gắn chặt với quá trình cải tổ DNNN.

Bên cạnh đó, “sức khỏe” của các ngân hàng là khác nhau, nợ xấu tại các ngân hàng cũng vậy nên việc xử lý nợ xấu của VAMC với từng ngân hàng sẽ không thể “trôi chảy” như nhau. Trong khi đó, việc cải tổ hệ thống ngân hàng luôn gắn liền với giải quyết các ngân hàng yếu kém, ngân hàng rủi ro còn cao.

VAMC không là cây đũa thần ảnh 1Phương án mua nợ hiện tại của VAMC không tạo “tiền tươi thóc thật” ngay cho các ngân hàng

 

Vậy theo ông, vai trò của VAMC ở đây là gì?

Về bản chất, hoạt động mua nợ của VAMC là 2 nhóm giải pháp kỹ thuật. Một là, xử lý nợ xấu mà không phải bỏ tiền. Thực chất giải pháp này là giãn khó khăn trong xử lý nợ xấu của bản thân các ngân hàng bằng cách giãn dự phòng rủi ro. Trước đây, khi nợ xấu ở nhóm 4, 5 dự phòng rủi ro là 50% và 100% thì bây giờ bản chất thông qua kỹ thuật là trái phiếu. Trái phiếu có rủi ro dù là 20% dù lãi suất bằng 0. Hai là, hỗ trợ thanh khoản nếu như khó khăn. Theo đó các ngân hàng có thể dùng trái phiếu này để vay tái cấp vốn tại NHNN.

Giải pháp này có điểm tích cực là chuyển nợ xấu về VAMC, qua đó làm sạch bảng cân đối tài sản của các ngân hàng, từ đó, tạo điều kiện cho các ngân hàng tăng khả năng cung tín dụng với lãi suất thấp.

Tuy nhiên, giải pháp này cũng có rủi ro. Thứ nhất, do nợ xấu không phải được mua bằng “tiền tươi thóc thật” nên giả sử 5 năm sau, VAMC vẫn không bán được khoản nợ xấu đó, thì khoản nợ xấu này lại được chuyển trả về cho ngân hàng. Thứ hai, VAMC chỉ xử lý những khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo, có nghĩa những DN đang còn nợ đọng không có tài sản đảm bảo vẫn sẽ khó tiếp cận vốn ngân hàng. Bản thân những DN mà nợ của họ đã được VAMC mua lại cũng không dễ dàng vay vốn khi tài sản đảm bảo đã được chuyển về VAMC. Tuy nhiên, VAMC có cách hỗ trợ DN loại này là bảo lãnh. Nếu nhìn nhận DN có phương án kinh doanh, DN có dòng tiền thì VAMC sẽ có cách hỗ trợ xử lý nợ xấu đặc biệt. Thứ ba, trường hợp các ngân hàng đều dùng trái phiếu đặc biệt thế chấp để vay tái cấp vốn có thể làm tăng cung tiền. Tuy nhiên, theo tôi, NHNN đủ công cụ, đủ sự khéo léo để không làm tăng mức cung tiền trong toàn bộ nền kinh tế.

 

Vậy còn giải pháp mua nợ thứ hai thế nào, thưa ông?

Giải pháp thứ hai, trong những trường hợp nhất định, VAMC có thể mua nợ xấu của ngân hàng theo giá trị thị trường. Ưu điểm của giải pháp này là tạo ra “tiền tươi thóc thật” cho các ngân hàng bán nợ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, liệu VAMC có đủ sức làm mạnh theo giải pháp này? Điều này đòi hỏi VAMC phải có nguồn vốn đủ lớn. Bên cạnh đó phải hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, hiện thị trường này tại Việt Nam vẫn còn manh nha.

Ngoài ra, việc mua bán nợ đòi hỏi phải rất minh bạch và quá trình giám sát cũng phải rất chặt chẽ. Bởi đa phần các khoản nợ hiện nay đều gắn nhiều đến thị trường bất động sản và gắn nhiều đến các “đại gia”, nếu không giải trình minh bạch dễ dẫn đến suy nghĩ người đáng cứu không cứu mà vớt người không đáng cứu. Ngoài ra, do nguồn lực có hạn nên cũng phải chọn lựa những khoản nợ cần ưu tiên giải quyết trước.

Nhìn qua thị trường, bước đầu đâu đó còn có những gợn, chưa tin tưởng nhưng rõ ràng về ngắn hạn, cùng với một số giải pháp khác đã được bắt tay vào thực hiện trong Nghị quyết 02, nền kinh tế đã có sự tích cực hơn, biểu hiện rõ nhất là TTCK. Nhưng lòng tin có được củng cố hay không còn phụ thuộc vào thời gian làm như thế nào và phải trong tổng thể. Theo tôi, việc xử lý nợ xấu không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, nhưng phải bắt đầu từ ngày hôm nay.

Hồng Dung thực hiện.
Hồng Dung thực hiện.

Tin cùng chuyên mục