VAMC, chỉ là một cú huých

(ĐTCK) Trái phiếu đặc biệt mà VAMC phát hành khó hấp dẫn được các ngân hàng vì thực tế, ngân hàng chỉ “ký gửi” nợ xấu cho VAMC.
VAMC, chỉ là một cú huých

VAMC, chỉ là một cú huých ảnh 1Với số vốn 500 tỷ đồng, việc xử lý nợ xấu theo phương án thị trường của VAMC sẽ khó khả thi

 

Sau một thời gian dài trông đợi, cuối cùng, Đề án Thành lập VAMC (Công ty Quản lý tài sản Việt Nam ) cũng được thông qua. Đây được xem là một trong những giải pháp mạnh mẽ để xử lý “khối u” nợ xấu của ngành ngân hàng, khơi thông nguồn vốn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, xem xét kỹ những nội dung của Nghị định 53 quy định về thành lập tổ chức và hoạt động của VAMC, có thể thấy, định chế này chỉ có thể đóng vai trò một cú huých ban đầu để làm bung vỡ “cục máu đông”.

Khác với các dự thảo trước đây, Nghị định 53 đã bổ sung phương án VAMC mua nợ theo giá thị trường như một AMC thông thường trên thế giới. Tuy nhiên, trọng tâm hoạt động của VAMC  vẫn là phát hành trái phiếu đặc biệt để hoán đổi nợ xấu.

Theo đó, VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt để mua lại nợ xấu của ngân hàng. Trái phiếu này có lãi suất 0%, thời hạn 5 năm. Dù nắm trong tay trái phiếu, nhưng ngân hàng mỗi năm vẫn phải trích lập dự phòng không thấp hơn 20% mệnh giá trái phiếu. Ngoài ra, ngân hàng buộc phải mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC nếu như công ty này không xử lý được nợ. Trong trường hợp VAMC xử lý được nợ thì ngân hàng vẫn phải trả lại trái phiếu đặc biệt cho công ty này và nhận được một phần vốn thu được từ việc xử lý nợ xấu.

Điểm đáng lưu ý nhất của trái phiếu đặc biệt này là ngân hàng có thể mang đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để chiết khấu vay vốn. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng để xác định mức độ hấp dẫn của trái phiếu đặc biệt là lãi suất và tỷ lệ được chiết khấu thì lại phải chờ quyết định của Thủ tướng và NHNN.

Như vậy, xem ra trái phiếu đặc biệt mà VAMC phát hành khó hấp dẫn được các ngân hàng vì thực tế, ngân hàng chỉ “ký gửi” nợ xấu cho VAMC. Việc VAMC có xử lý được nợ xấu hay không và với mức giá nào thì ngân hàng không thể kiểm soát được. Các ngân hàng cũng khó kỳ vọng nhiều vào hiệu quả xử lý nợ của VAMC, dù công ty này nhận được nhiều ưu đãi. Ngoài ra, họ còn phải trả phí cho VAMC trong quá trình xử lý nợ.

Điều hấp dẫn nhất của trái phiếu đặc biệt với các ngân hàng là có thể sử dụng trái phiếu này làm tài sản thế chấp để vay vốn tại NHNN. Tiền từ NHNN được bơm trực tiếp vào ngân hàng để thế chỗ khoản nợ xấu và giải quyết thanh khoản cho ngân hàng. Việc trích lập dự phòng nợ xấu cũng sẽ được kéo dài trong 5 năm, giúp ngân hàng giảm bớt áp lực thua lỗ khi phải trích lập dự phòng quá lớn.

Nghị định 53 đã bổ sung phương án xử lý nợ xấu theo “phương án thị trường”. Tức là, VAMC sẽ mua bán nợ xấu thực sự bằng giá thị trường và họ chịu trách nhiệm với khoản nợ xấu này. Tuy nhiên, dường như điều này vẫn là thứ yếu khi nguồn vốn của VAMC quá nhỏ với 500 tỷ đồng vốn, còn các nguồn vốn khác để mua nợ xấu thì chưa có phương án rõ ràng. Ngay cả khi VAMC muốn mua nợ xấu thật thì điều này sẽ gặp không ít rào cản, khi Việt Nam vẫn chưa có hệ thống pháp lý, tổ chức định giá đáng tin cậy và một thị trường tài chính phát triển để việc xử lý nợ xấu theo phương án thị trường diễn ra thuận lợi. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho VAMC dường như cũng chưa sẵn sàng. Vì vậy, việc xử lý nợ xấu của VAMC vẫn chủ yếu trông chờ vào việc phát hành trái phiếu đặc biệt.

Trái phiếu đặc biệt có thể là một cứu cánh cho những ngân hàng có nợ xấu cao và mất khả năng thanh khoản, nhưng lại không mấy hấp dẫn với những ngân hàng khỏe mạnh (có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%) vì họ không muốn trao gửi số phận tài sản của mình cho VAMC. Mặt khác, các ngân hàng vẫn trông chờ nền kinh tế tốt lên để nợ xấu thấp đi. Nếu không bị dồn đến đường cùng, sẽ rất ít ngân hàng tự nguyện công khai nợ xấu cao và phải bán nợ cho VAMC. Điều này cho thấy, nếu không có biện pháp mạnh mẽ trong việc buộc các ngân hàng phân loại chính xác mức độ rủi ro của tài sản thì dù có VAMC, nợ xấu vẫn khó được giải quyết triệt để. 

Đề án thành lập VAMC chỉ như một phương án để NHNN bơm vốn vào nền kinh tế, giải quyết thanh khoản và nợ xấu cho những ngân hàng yếu kém. Ngoài ra, VAMC cũng giúp cho ngân hàng trì hoãn tình trạng thua lỗ mất vốn do phải trích lập dự phòng nợ xấu. Điều này sẽ làm giảm cú sốc cho nền kinh tế và hệ thống tài chính, nhưng rủi ro của việc xử lý nợ xấu theo cách này là tiền được bơm vào nền kinh tế có thể gây nên lạm phát, để lại hệ quả xấu trong dài hạn.

> Không bán nợ cho VAMC có thể bị thanh tra

> “VAMC không phải là “cây đũa thần””

> Công ty VAMC chính thức được thành lập   

Hồ Bá Tình
Hồ Bá Tình

Tin cùng chuyên mục