Tránh hiện tượng xin - cho khi hỗ trợ doanh nghiệp

(ĐTCK) Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN của Chính phủ còn thiều toàn diện và chưa bắt trúng huyệt.
Tránh hiện tượng xin - cho khi hỗ trợ doanh nghiệp

Tránh hiện tượng xin - cho khi hỗ trợ doanh nghiệp ảnh 1Đa số DN đang gặp khó vì lượng hàng tồn kho rất lớn

 

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hương Sen Thái Bình bày tỏ, việc Chính phủ kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN không chỉ cần thiết, mà còn là “yêu cầu vô cùng cấp bách”. Tuy nhiên, ông Vẻ tỏ ra băn khoăn khi cho rằng, các DN được hưởng ưu đãi chỉ giới hạn trong một phạm vi hẹp sẽ không đảm bảo công bằng giữa các ngành nghề khác nhau, vì DN tại tất cả các ngành hiện đều khó khăn, cần sự hỗ trợ. “Chính phủ cần mở rộng đối tượng hỗ trợ”, ông Vẻ nói.

Không những thế, ông Vẻ còn kiến nghị Quốc hội thực hiện thêm một số giải pháp như: giảm 50% thuế VAT cho toàn bộ hàng hóa đến 31/12/2012, giảm thuế thu nhập cá nhân với bậc 1 như đã áp dụng năm 2011. “Đây là các giải pháp tác động tích cực đến giảm hàng tồn kho, các giải pháp này sẽ có sức lan tỏa”, ông Vẻ cho biết và nhấn mạnh, ngoài các biện pháp trên, đề nghị Chính phủ có giải pháp khuyến khích DN xuất khẩu, giảm hàng tồn kho, giải ngân để hoàn thiện các dự án dở dang.

Đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư U&I bày tỏ sự hoan nghênh về việc ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và cho rằng, cần có thêm nhiều giải pháp tích cực hơn để giúp DN. Cụ thể, Chính phủ cần tính toán đề xuất giảm thuế thu nhập DN từ 25% xuống 20%.

“Việc này có thể làm giảm ngân sách 25.000 tỷ đồng. Chúng tôi hiểu, không nên gây rủi ro cho ngân sách, nhưng nếu DN ‘chết’ hàng loạt, thì rủi ro cho nền kinh tế còn lớn hơn. Hơn nữa, giảm thuế, tạo động lực để DN hoạt động hiệu quả hơn sẽ làm tăng nguồn thu ngân sách”, ông Tín phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và phát triển Việt Nam cho rằng, đề xuất miễn giảm thuế thu nhập DN chỉ giành cho DN có lãi, chỉ chiếm 35% DN đang hoạt động. Còn 39% DN khác dù có cơ hội có lãi, nhưng do khó khăn về tài chính tức thời, nên không có cơ hội được hưởng ưu đãi. Vì vậy, bà Hường kiến nghị, cần có giải pháp cơ cấu nợ cho khối DN này, tạo điều kiện cho những DN gặp khó khăn tức thời.

Bà Hường cũng cảnh báo, sẽ có hiện tượng “xin - cho”, do tiêu chí xác định DN vừa và nhỏ dựa trên trên hai yếu tố: quy mô tổng tài sản và số lao động. “Thay vì lấy vốn chủ sở hữu, quy định lại tính cả vốn vay, mà con số này luôn thay đổi, nên khi xét duyệt tiêu chí này có được nằm trong diện đối tượng được ưu đãi hay không phụ thuộc vào khả năng thương lượng, thỏa thuận giữa DN và bên xét duyệt”, bà Hường nói.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho biết, qua trao đổi với một số DN và chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng, gói ưu đãi này chỉ có ý nghĩa khích lệ, còn tác động chưa thật sự nhiều. Bà Hải lý giải, để hỗ trợ DN một cách chính xác hiệu quả, phải hiểu DN đang thực sự đối diện với những khó khăn gì. Gói hỗ trợ thuế của Chính phủ lần này chủ yếu mang tính hỗ trợ cho DN đã có dòng tiền. Còn thực tế, đa số DN đang phải đối mặt với khó khăn đầu vào như hàng tồn kho lớn, giá nguyên liệu tăng cao…, nên việc giãn thuế 3 - 6 tháng không phải là giải pháp căn cơ.

Từ thực tế trên, bà Hải kiến nghị, nếu coi thuế là công cụ hỗ trợ DN, thì Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ giảm chi phí đầu vào với DN. Đặc biệt là đi kèm chính sách thuế phải kiểm soát chặt chẽ, miễn giảm, giãn thuế với DN có nhiều hàng tồn kho, đồng thời giảm thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân để kích cầu tiêu dùng.

Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2012:

1. Giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2012 đối với:

a) DN nhỏ và vừa (không bao gồm DN nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, DN được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty).

b) DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

2. Miễn thuế khoán (thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân) và miễn thuế thu nhập DN năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện hộ, cá nhân, tổ chức này giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.

Châu Anh
Châu Anh

Tin cùng chuyên mục