TP.HCM: Khu vực kinh tế có vốn nước ngoài duy trì đà tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu

4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài qua các cảng trên địa bàn Tp.HCM đều duy trì mức tăng trưởng cao trong khi khu vực kinh tế Nhà nước và ngoài Nhà nước liên tục giảm.

Hơn 5.6 tỷ USD từ xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp xuất qua cảng TP. HCM (gồm cả dầu thô) tính chung 4 tháng đầu năm thì duy nhất, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài duy trì đà tăng trưởng, với 31,2% cùng giá trị xấp xỉ 8.7 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu 13.1 tỷ USD. 

Theo sau là khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đạt 3.6 tỷ USD (xấp xỉ cùng kỳ), còn khu vực kinh tế Nhà nước lại giảm đến 24%, chỉ đạt 812,7 triệu USD. 

Cơ cấu 05 nhóm hàng xuất khẩu qua cảng Thành phố trong 4 tháng đầu năm 2020 của doanh nghiệp Thành phố (loại trừ dầu thô) thì chỉ có nhóm hàng nông sản với gạo, cà phê và nhóm hàng công nghiệp với máy tính/sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, máy móc thiết bị có tỷ lệ tăng trưởng. Đặc biệt, nhóm hàng công nghiệp chiếm đến 78,6% tỷ trọng xuất khẩu.

Cụ thể, 4 tháng, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có giá trị xuất khẩu hơn 5.6 tỷ USD, tăng 61,1% so với cùng kỳ. 

Thêm vào đó, có gần 280 nghìn tấn gạo, với giá trị 348 triệu USD được xuất khẩu qua cảng Thành phố ( tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2019).

Tính riêng tháng 04/2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp xuất qua cảng trên địa bàn (gồm cả dầu thô) đạt xấp xỉ 3.5 tỷ USD, giảm 5,1% so với tháng trước. 

Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm ít nhất, chỉ 1,6% (với giá trị xuất khẩu ước đạt 2.4 tỷ USD) còn khu vực kinh tế Nhà nước ước giảm đến 34,6% (đạt 133 triệu USD) và khu vực kinh tế ngoài Nhà nước giảm 8% (đạt hơn 906 triệu USD).

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong tháng 4 đều giảm so với tháng trước do dịch COVID-19 đã tác động đến nhu cầu tiêu thụ của các quốc gia nhập khẩu dẫn đến trình trạng giãn, hoãn, hủy các đơn hàng gây ra sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu. 

Riêng một số mặt hàng  xuất khẩu vẫn duy trỳ mức tăng so với tháng trước như rau quả tăng 9,9%, cà phê tăng 6,3%, hạt điều tăng gần 5%; thủy sản tăng 3,2%.  

TP.HCM: Khu vực kinh tế có vốn nước ngoài duy trì đà tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu ảnh 1

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài duy trì tăng trưởng trên 30% trong kim ngạch xuất, nhập khẩu 4 tháng đầu năm.

Về phía nhập khẩu, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch 4 tháng đạt 13.8 tỷ USD (tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2019), còn khu vực kinh tế Nhà nước và ngoài Nhà nước lại sụt giảm. 

Cụ thể, khu vực kinh tế Nhà nước chỉ đạt xấp xỉ 348 triệu USD (giảm 28,6%), khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đạt gần 6 tỷ USD (giảm 4,5%) còn khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7.5 tỷ USD (tăng 30,7%).

Du lịch/ lữ hành không phát sinh doanh thu

Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 4 tháng đầu năm tại Tp.HCM, chỉ hoạt động thương nghiệp có mức tăng trưởng, mang về 252.714 tỷ đồng (tăng xấp xỉ 3%), còn du lịch/lữ hành, dịch vụ lưu trú/ăn uống và dịch vụ khác đều giảm lần lượt 58,3%, 45% và 24,1%.

Về diễn biến giá cụ thể một số nhóm hàng so với tháng trước thì nhóm lương thực tăng cao nhất với gần 1,8%, tập trung vào 2 nhóm là gạo (gạo tẻ thường có mức giá tăng 2,21%,…) và lương thực chế biến (mì sợi, mì, phở/cháo ăn liền tăng 1,45%). 

Doanh thu từ nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 47.641 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là nhóm ngành có mức tăng cao nhất trong tháng 4 do tâm lý mua hàng hóa dữ trữ, thực hiện cách ly toàn xã hội.

Trong khi đó, doanh thu từ du lịch, lữ hành giai đoạn này chỉ đạt 4.175 tỷ đồng, dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 20.654 tỷ đồng.

Nếu tính riêng tháng 04/2020, ngành du lịch/ lữ hành trên địa bàn Thành phố không phát sinh doanh thu do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Hoạt động lữ hành sẽ còn khó khăn trong những tháng kế tiếp do dịch bệnh trên thế giới hiện vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số ca lây nhiễm ngày càng gia tăng tác động mạnh đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Dù vậy, du lịch nội địa được kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực bắt đầu vào quý III/2020, tuy nhiên tâm lý và chi phí là những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chi tiêu của người dân.

Hồng Phúc
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục