Tìm lời giải cho tăng trưởng từ khu vực tư nhân

(ĐTCK) Việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 trong bối cảnh thế giới biến động khó lường do thương chiến Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế, một số yếu kém chậm được khắc phục... là một thách thức lớn nếu không có những giải pháp đột phá.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, khi thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch năm 2020, nhiều đại biểu cho rằng, để tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế không chỉ trong năm 2020, mà cả giai đoạn tiếp theo, cần có những tư duy đột phá, giải pháp đủ sức nặng và hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tăng tốc.

Kết quả cải cách môi trường đầu tư kinh doanh tuy có bước tiến, nhưng vẫn có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh, giữa thờ ơ”.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chỉ số cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc, từ xếp hạng 77 năm ngoái lên hạng 67 trong năm nay, nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 10 tháng đầu năm là 26.300, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái; có 13.500 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 1,3%; tình trạng giấy phép con tiếp tục gây áp lực lên hoạt động của doanh nghiệp…

Ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Như So, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC - HOSE) đánh giá, nhiều cơ chế, chính sách tiếp sức, hỗ trợ kinh tế tư nhân đã được đưa ra, nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong đợi, khiến người dân còn ngần ngại bỏ tiền ra kinh doanh.

Trong quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội, Chính phủ cần quyết liệt trong chỉ đạo các cấp thực thi đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp sức cho khu vực doanh nghiệp tư nhân vươn tầm, qua đó ngày càng có đóng góp lớn hơn, bền vững hơn vào tăng trưởng kinh tế.

Ðồng thời, cần tạo đột phá về cơ chế, xóa bỏ rào cản gây khó cho kinh tế tư nhân phát triển. Ðặc biệt, doanh nghiệp tư nhân cần được định vị là động lực lớn để hỗ trợ các động lực khác trong nền kinh tế phát triển, nhất là khu vực hộ kinh doanh, vì bản chất đây chính là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Kinh tế tư nhân cần có cơ chế hỗ trợ thuận lợi trong tiếp cận các nguồn lực về đất, tín dụng, nguồn nhân lực…, với chi phí cạnh tranh so với khu vực.

Ðể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần đổi mới mạnh mẽ nền giáo dục, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần thúc đẩy thương mại hóa các hoạt động và kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ.

Gắn liền với đó là chiến lược đầu tư mạnh cho phát triển thương hiệu, để các sản phẩm của Việt Nam dần xuất hiện nhiều hơn trên bản đồ thương hiệu toàn cầu.

Nhà nước cũng cần có cơ chế thu hút khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư vào các lĩnh vực như sân bay, đường cao tốc, cảng biển…

Thành công trong “làm lớn” doanh nghiệp tư nhân sẽ mang lại động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và bền vững hơn nhờ sức mạnh nội sinh được tăng cường - yếu tố quan trọng trong bối cảnh môi trường kinh doanh toàn cầu được nhận định ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục