Thực hiện FTA, thu từ xuất nhập khẩu vẫn tăng

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, với việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết trong 20 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã thực thi, sắp có hiệu lực hoặc đang đàm phán, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn không giảm.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan). Ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan).

Đến nay, có tổng cộng 16/20 FTA đã thực hiện hoặc chuẩn bị có hiệu lực. “Xương sống” của FTA là cắt giảm thuế nhập khẩu và điều này đồng nghĩa với giảm thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu, thưa ông?

Với 12 FTA đang thực hiện thì Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế vào năm 2018; lộ trình thực hiện các FTA còn lại đang tiến dần tới thời điểm kết thúc, cùng với việc Việt Nam phải cắt giảm thuế nhập khẩu rất mạnh từ các đối tác FTA.

Với việc cắt giảm thuế nhập khẩu, về lý thuyết, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ giảm, nhưng thực tế không phải như vậy. Thời gian qua, tỷ trọng đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm, nhưng giá trị tuyệt đối vẫn tăng.

Cụ thể, việc thực hiện các FTA tác động thế nào đến thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu?

Việt Nam cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu rất mạnh, chủ yếu về mức thuế 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ đối tác tham gia FTA, nên thuế nhập khẩu giảm rất mạnh, như năm 2018, thu từ sắc thuế này giảm 29.000 tỷ đồng và trong 11 tháng đầu năm 2019 giảm khoảng 13.000 tỷ đồng.

Thực hiện cắt giảm thuế theo FTA, số thu từ thuế nhập khẩu giảm rất mạnh, nhưng tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu không hề giảm, mà ngược lại, vẫn tăng. Cụ thể, năm 2018, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 314.907 tỷ đồng, tăng 6%. Năm nay, dự toán Quốc hội giao thu từ xuất nhập khẩu là 300.500 tỷ đồng, nhưng dự báo đạt không dưới 340.000 tỷ đồng.

Thuế nhập khẩu giảm mạnh trong những năm vừa qua và tiếp tục giảm mạnh hơn vào năm 2020 cũng như các năm tới, nhưng không tác động tiêu cực tới thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu. Nguyên nhân là thuế nhập khẩu chiếm tỷ trọng không lớn và đang giảm dần trong tổng thu từ xuất nhập khẩu: năm 2017 chiếm 21,85%; năm 2018 giảm xuống còn 17,4% và năm 2019 chỉ còn 16,7%.

Thuế nhập khẩu từ 4/6 thị trường lớn nhất của Việt Nam gồm ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và sắp tới đây là EU (thực hiện EVFTA) cắt giảm gần như về 0%, nhưng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tăng, thưa ông?

Việt Nam cũng như tất cả các đối tác tham gia FTA chỉ cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu, trong khi hàng hóa nhập khẩu cũng như hàng hóa sản xuất trong nước có thể chịu sự điều chỉnh bởi nhiều sắc thuế khác nhau (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường).

Mặc dù áp thuế nhập khẩu 0%, các sắc thuế khác cũng giảm xuống do giá tính thuế tính trên cả thuế nhập khẩu, nhưng mức giảm không nhiều. Nguyên nhân tăng thu là do kim ngạch nhập khẩu tăng, đặc biệt là nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và xăng dầu.

Chính vì vậy, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, để tránh hụt thu do thực hiện FTA, Quốc hội sẽ tăng thu các sắc thuế khác và người tiêu dùng không được hưởng lợi nhờ cắt giảm thuế nhập khẩu?

Nếu chuyên gia kinh tế nào nhận định như vậy thì cần nhìn lại xem, kể từ khi Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế bằng việc tham gia, ký kết hàng loạt FTA, Quốc hội đã tăng thuế lần nào chưa?

Tôi khẳng định là chưa tăng thuế giá trị gia tăng lần nào. Thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường có điều chỉnh với một số mặt hàng, nhưng không phải để tăng thu, mà mục tiêu là điều tiết tiêu dùng đối với hàng hóa không khuyến khích tiêu dùng, hàng hóa gây hại đến môi trường.

Ngoài thuế nhập khẩu, 3 sắc thuế kể trên không chỉ điều chỉnh đối với hàng hóa nhập khẩu, mà điều chỉnh với tất cả các loại hàng hóa sản xuất trong nước. Vì vậy, khi điều chỉnh sắc thuế nào, phải đánh giá tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, tới chi phí của doanh nghiệp, tới thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tới môi trường kinh doanh, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và tới đời sống người dân, chứ không phải chỉ tính đến chuyện tăng thu ngân sách.

Năm 2018 kết thúc lộ trình thực hiện ATIGA, thuế nhập khẩu ô tô du lịch từ ASEAN giảm từ 30% xuống 0%, nhưng giá ô tô không hề giảm. Ông lý giải thế nào về việc này?

Với ô tô hay bất cứ hàng hóa nào, giá bán không chỉ phụ thuộc vào thuế, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, như thị hiếu của người tiêu dùng, cung - cầu trên thị trường...

Từ ngày 1/1/2018, thuế nhập khẩu ô tô du lịch từ ASEAN giảm từ 30% xuống 0% do kết thúc lộ trình thực hiện ATIGA, nên rất nhiều người chờ sau thời điểm này mới mua xe, khiến cầu tăng rất mạnh.

Bên cạnh đó, kể từ ngày 1/1/2018, kinh doanh nhập khẩu ô tô phải thực hiện theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải đáp ứng rất nhiều điều kiện kinh doanh như trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường… Rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chưa đáp ứng được điều kiện, nên phải tạm dừng nhập khẩu. Cung giảm, cầu tăng mạnh đã dẫn đến giá ô tô nhập khẩu từ ASEAN trong nửa đầu năm 2018 không hề giảm, thậm chí tăng, nhưng sau đó đã giảm dần, thậm chí có thời điểm giảm rất mạnh.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục