Thanh toán trả chậm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị xù tiền

(ĐTCK-online) Trên trang web của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) gần đây liên tục xuất hiện cảnh báo hội viên về các trường hợp đối tác nước ngoài của một số công ty có dấu hiệu "xù nợ". Đây không phải chuyện mới, song theo khuyến nghị của Hiệp hội, DN cần thận trọng, nhất là trong bối cảnh đang khó khăn về xuất khẩu.
Đối tượng lừa đảo nước ngoài thường vin vào vấn đề chất lượng hàng hóa để từ chối thanh toán. Đối tượng lừa đảo nước ngoài thường vin vào vấn đề chất lượng hàng hóa để từ chối thanh toán.

Công ty Klion Co., Ltd (trụ sở chính tại Ukraine và có 2 chi nhánh tại Panama) đã không thanh toán số tiền nhập hàng thủy sản của một DN chế biến thủy sản tại Việt Nam. Cụ thể, từ tháng 10/2008, Klion đã nhập hàng thủy sản của một công ty chế biến thủy sản tại Việt Nam theo phương thức thanh toán TTR trả chậm. Sau khi nhận hàng, công ty này đã không thanh toán tiền hàng từ thời điểm đó đến nay với số tiền lên đến 2,2 triệu USD. Công ty xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam đã nhiều lần gửi thư, điện thoại đến người đại diện của Klion Co là bà Alona Uzhnyeva, Giám đốc, thì chỉ nhận được câu trả lời lần lữa mà không thanh toán. Đến khi công ty xuất khẩu tại Việt Nam cử người sang tận Klion để thương lượng trực tiếp thì họ tiếp bằng thái độ lảng tránh, không muốn tiếp xúc. Tương tự trường hợp trên, VASEP cũng đưa ra danh sách cảnh báo một số công ty "đen"như: "Ocean Fish" SRL, có trụ sở tại Rumani; Công ty Ukraina Fish Service Co., Ltd…

   Một dạng lừa đảo phổ biến khác với một số DN thực hiện phương thức D/A, D/P (thanh toán trả chậm thông qua trung gian nhờ ngân hàng thu hộ). Một số công ty Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu cá basa và thủy sản  cho Công ty Hoogland Foods BV và Công ty Star Procurement Inc (viết tắt là Starcom Co. Inc), song đã giao hàng mấy năm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền thanh toán.

Sau khi sự việc xảy ra, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan có tìm hiểu thông tin từ cơ sở dữ liệu của Phòng Thương mại Hà Lan (là cơ quan chịu trách nhiệm đăng ký kinh doanh, thành lập DN và cung cấp dịch vụ thông tin về DN Hà Lan), cho thấy nhiều điểm đáng ngờ. Công ty Hoogland Foods BV là công ty của 1 người (ông Gert.J Hoodlands), trụ sở Công ty là nhà riêng. Star Procurement Inc có gốc là công ty của một nước châu Phi, đăng ký kinh doanh tại Hà Lan. Người giao dịch với phía Việt Nam là ông Gert.J Hoodlands, Giám đốc Công ty Hoogland Foods BV, nhưng khi ký hợp đồng thì thường lấy tư cách pháp nhân là Công ty Star Procurement Inc.

  Trong giao dịch với các công ty Việt Nam, phía nước ngoài (Star Procurement/ Hoogland Foods BV) đều đề nghị phương thức thanh toán D/A. Sau khi giao hàng, phía DN Việt Nam đều gặp khó khăn trong thanh toán tiền hàng; phía nước ngoài luôn lần lữa không thanh toán, DN Việt Nam liên hệ nhiều lần, có DN sang tận Hà Lan tìm gặp ông ta nhưng cũng rất khó gặp, liên hệ với Star Procurement thì điện thoại thường xuyên để ở chế độ voice box, không có người trực nghe điện thoại.

   Trường hợp khác, một công ty Hà Lan không đứng ra trực tiếp, mà thông qua một môi giới Trung Quốc giao dịch, ký hợp đồng nhập khẩu cá từ công ty Việt Nam. Sau một thời gian đã giao hàng, DN Việt Nam cũng gặp khó khăn trong thanh toán tiền hàng (mặc dù đã gửi thư, gọi điện thoại nhiều lần), cuối cùng đã thuê luật sư để nhờ toà án bắt giữ tài sản mới thu được được tiền hàng. Tuy nhiên, "được vạ thì má đã sưng", phần thiệt hại đối với DN Việt Nam trong vụ này là mất rất nhiều thời gian liên hệ đòi tiền và chi phí thuê luật sư, chi phí theo đuổi vụ kiện…

  Qua các sự việc nêu trên, VASEP cảnh báo đến các DN Việt Nam nên cẩn trọng với các công ty nước ngoài đó để tránh tổn thất khi bán hàng. Đại diện VASEP cho biết, thủy sản là mặt hàng thực phẩm có trị giá cao, gần 100.000 USD/container, khi không nhận được thanh toán thì thiệt hại rất lớn. Do vậy, đối tượng lừa đảo nước ngoài thường tập trung vào mặt hàng này và thường hay vin vào vấn đề chất lượng hàng hóa để trì hoãn hoặc từ chối thanh toán. Để phòng tránh những trường hợp tương tự, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cảnh báo, đối với khách hàng mới quen hoặc mới giao dịch, DN Việt Nam cần yêu cầu phía đối tác cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh. Sau đó, phải tra cứu thông tin trước khi tiến hành thương thảo, kết hợp với sử dụng phương thức thanh toán chặt chẽ, an toàn nhằm đảm bảo thu hồi tiền hàng.

  Công ty đã đăng ký kinh doanh là công ty có tư cách pháp nhân, tuy nhiên, không phải cứ đối tác nước ngoài có tư cách pháp nhân là có thể yên tâm ký hợp đồng ngay được. DN cần chú ý hơn tới tính chuyên doanh, số lượng nhân viên, tình hình tài chính, các điều khoản hợp đồng mà khách hàng đưa ra… Đặc biệt, chú ý tư cách pháp lý người/công ty giao dịch và người/công ty đứng ra ký kết hợp đồng (trong trường hợp nêu trên, khi tranh chấp xảy ra, người giao dịch chỉ nhận tư cách là đại lý và không chịu trách nhiệm, lúc ký hợp đồng đã lấy danh nghĩa một công ty khác mà DN Việt Nam lại không chú ý đến vấn đề này, nên khi xảy ra sự cố, tổn thất sẽ rất lớn).

  DN nên thường xuyên theo dõi thông tin trên báo chí, hoặc qua các thương vụ để kiểm tra thông tin. Vừa qua, một số cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài (Pakixtan, Singapore, Hà Lan…) cũng đã đăng tải thông tin cảnh báo về việc DN Việt Nam không được thanh toán tiền hàng khi chấp nhận phương thức thanh toán D/A, D/P, đặc biệt là giao dịch với những đối tác mới. Có trường hợp, thông tin cảnh báo này đã được Thương vụ đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng và gửi đến VASEP, song vẫn xảy ra tình trạng, DN Việt Nam hỏi Thương vụ về những đối tác này sau khi đã ký hợp đồng với họ.              

Phương Anh
Phương Anh

Tin cùng chuyên mục