Tập đoàn nhà nước thoái vốn khỏi ngân hàng, mệnh lệnh bắt buộc

(ĐTCK) Ngày 17/7, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015, trong đó khẳng định việc chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán... ĐTCK đã có cuộc trao đổi với TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương xung quanh nội dung này.
TS. Võ Trí Thành TS. Võ Trí Thành

Ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện các tập đoàn, DNNN đầu tư ra ngoài ngành?

Kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực không phải lúc nào cũng là một ý tưởng tồi. Thứ nhất, khi đa ngành, nếu nằm trong một chuỗi giá trị thì các tập đoàn dễ nội hóa được chi phí, qua đó giảm được chi phí. Thứ hai, trong nhiều trường hợp, tập đoàn phát huy được nguồn lực, tận dụng cơ hội để đạt hiệu quả cao và có lợi thế như là về quy mô.

Tuy nhiên, do năng lực quản trị của các DNNN nói chung, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nói riêng không theo kịp sự mở rộng kinh doanh, khiến cho việc kinh doanh đa ngành trở nên rủi ro. Rủi ro càng tăng khi đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán..., bởi đây là lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng cao, thị trường “tinh xảo”.

Hiện nay, ngay cả với những lĩnh vực chuyên môn chính, hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty cũng còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Thế nhưng, mặc dù nguồn lực có hạn, song nhiều tập đoàn, tổng công ty lại đem vốn đầu tư vào các lĩnh vực bên ngoài, chủ yếu là những lĩnh vực rủi ro cao, thu hút nhiều nguồn lực như tài chính, ngân hàng, bất động sản... Điều đó tạo ra bức xúc trong xã hội tương đối lớn. Nhìn chung, bức xúc ấy là chính đáng.

 

Để chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành như Đề án yêu cầu, lộ trình thoái vốn của các tập đoàn, DNNN sẽ đòi hỏi những yếu tố gì, thưa ông?

Việc thoái vốn phải được đặt trong tổng thể cải cách DNNN, từ vai trò DNNN trong một số lĩnh vực khác nhau, cách thức điều chỉnh để hướng tới tính hiệu quả, vai trò của DNNN trong những lĩnh vực ấy, với những cái hiện mình đang có. Vốn đầu tư thường gắn với rủi ro. Hơn thế, lượng vốn ấy lại nằm trong những lĩnh vực mà trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn bất ổn, bất động sản đình trệ... như hiện nay, thì việc thoái vốn là không dễ dàng. Bởi vậy, việc thoái vốn đòi hỏi sự kiên định, phải có lộ trình cụ thể và tuân thủ một số nguyên tắc.

Đầu tiên là phải tạo lòng tin, phải thể hiện tính kiên định. Quá trình thoái vốn phải đảm bảo gắn với quá trình tái cấu trúc theo mục đích tính hiệu quả, nhưng không làm xáo trộn đến vĩ mô nói chung. Nếu có trường hợp tiến hành khác đi thì phải có giải trình rõ ràng. Thứ hai, phải giảm thiểu chi phí cho quá trình này. Điều này đòi hỏi phải có cách nhìn nhận thị trường, cách lựa chọn đối tác. Thứ ba, quá trình thoái vốn gắn với cách nhìn nhận cải cách khu vực DNNN nói chung để sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất. Điều này có nghĩa, việc thoái vốn không thể chỉ tiếp cận dưới góc độ từng tập đoàn, từng doanh nghiệp, mà trong chừng mực nhất định phải hiểu nó như là nguồn vốn sở hữu của Nhà nước, để có cách thức phân bổ lại, sử dụng hiệu quả hơn.

 

Việc thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng phần nào gặp khó khăn khi một trong các tổ chức nước ngoài có tiềm lực mua là ngân hàng bị khống chế “room”?

Trong một chừng mực nhất định, điều đó cũng ảnh hưởng đến việc thoái vốn của các tập đoàn, DNNN khỏi các ngân hàng, vì các ngân hàng nước ngoài được nhìn nhận là có tiềm lực mua. Tuy nhiên, việc thoái vốn không phải trong ngày một, ngày hai, mà là quá trình dài đến năm 2015. Bởi vậy, điều đó không quá đáng lo, trừ trường hợp nền kinh tế thế giới vẫn ảm đạm kéo dài. Theo tôi, điều cần chú ý không phải là không có người mua, mà là mua với mức giá nào. Tất nhiên, luôn phải dựa vào nguyên tắc giảm thiểu những tổn thất không đáng có.

Hơn thế, việc tái cơ cấu DNNN lần này nhận được quyết tâm cao, sự đồng thuận lớn trong toàn xã hội; lại gắn với quá trình tái cơ cấu tổng thể của nền kinh tế. Do vậy, những điểm không tốt bộc lộ khá rõ ràng và nhìn chung, xã hội đều thể hiện quyết tâm phải cải cách, không thích cũng phải làm, vấn đề chỉ là kỹ thuật như thế nào, mức độ chịu thiệt ra sao, lợi ích nhóm…

 

Ông bình luận gì về vấn đề lợi ích nhóm trong câu chuyện này?

Lợi ích nhóm có hai nghĩa. Thứ nhất là mức độ chịu thiệt như thế nào. Thứ hai tạm gọi là “đục nước béo cò”. Vì quá trình cải cách bao giờ cũng có những méo mó nhất định, có những biện pháp hành chính nhất định, rất dễ tạo ra sự méo mó, gây thiệt hại chung không đáng có.

Vẫn biết quá trình này có thể có những khía cạnh liên quan đến mâu thuẫn giữa lợi ích cá thể và lợi ích tổng thể, không phải lúc nào Nhà nước cũng thu được cái đáng phải thu nhất, nhưng tinh thần là chúng ta vẫn phải làm và gắn với quá trình cải cách DNNN, quá trình cải cách nền kinh tế, với những nguyên tắc nêu trên. Phải hiểu rằng, đó là xu thế, bắt buộc chúng ta phải làm, nhất là ở thời điểm cần có những bước ngoặt về cải cách DNNN, bước ngoặt về phát triển. Phải làm sao cho quá trình này minh bạch, được giám sát tốt, có “chất” chuyên gia cao, để giảm thiểu chi phí và rủi ro, chứ không phải vì cái này mà dừng cái khác được.

Hy vọng năm tới, sẽ có một số kết quả của quá trình cải cách DNNN lần này, bởi niềm tin là điều rất quan trọng. Tính kiên quyết, tính triệt để, tính nỗ lực phải được thể hiện để không làm giảm lòng tin, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Hồng Dung thực hiện.
Hồng Dung thực hiện.

Tin cùng chuyên mục