Sửa Luật Đấu thầu, tăng trách nhiệm cá nhân

(ĐTCK) Chiều 6/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Đấu thầu sửa đổi. Đa số ý kiến nhấn mạnh đến việc tạo ra một cơ chế nhằm đảm bảo sự minh bạch, hiệu quả đồng vốn đầu tư công.
Sửa Luật Đấu thầu, tăng trách nhiệm cá nhân

Sửa Luật Đấu thầu, tăng trách nhiệm cá nhân ảnh 1Kể từ khi đi vào thực hiện, Luật Đấu thầu đã giúp tiết kiệm 84.000 tỷ đồng cho ngân sách

 

Ưu tiên phát triển nguồn lực trong nước

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, sau gần 7 năm thi hành Luật Đấu thầu, các hoạt động đấu thầu, mua sắm, sử dụng vốn nhà nước đã dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thông thầu, chỉ định thầu bất hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện gói thầu… gây lãng phí, thất thoát vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu cũng bộc lộ những vướng mắc, hạn chế và bất cập như: phạm vi điều chỉnh của Luật chưa bao quát hết các hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn của Nhà nước; quy định về đấu thầu nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật gây khó khăn cho việc tra cứu, áp dụng. Do vậy, cần sửa đổi luật này để trở thành luật chung quy định về hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các gói thầu, dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước thuộc tất cả các lĩnh vực, hình thức.

Việc sửa đổi Luật Đấu thầu lần này nhằm hoàn thiện chính sách đấu thầu phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý áp dụng đồng bộ, thống nhất chính sách đấu thầu. Ngoài ra, còn góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai, chống thất thoát, lãng phí, dàn trải, khép kín, đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh và phòng chống tham nhũng.

Dự thảo Luật bao gồm 9 chương và 109 điều, tập trung vào một số nội dung: đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; đấu thầu lựa chọn nhà thầu đối với dự án ODA của Việt Nam ra nước ngoài và dự án FDI của DN có sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên trong tổng mức đầu tư; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm phục vụ đầu tư theo hình thức PPP.

Đáng chú ý, Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi có quy định đảm bảo tạo cơ hội cho nhà thầu và tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước như yêu cầu nhà thầu nước ngoài liên danh hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, ưu đãi nhà thầu và hàng hóa trong nước, khuyến khích dùng hàng Việt Nam, hạn chế được tối đa tình trạng “nhà thầu Việt Nam thua trên sân nhà”.

 

Cá nhân phải chịu trách nhiệm đến cùng

Thảo luận tại tổ, ý kiến của các đại biểu tập trung vào việc làm thế nào để hạn chế tình trạng lãng phí vốn nhà nước trong đầu tư. Đại biểu Nguyễn Minh Quang đánh giá cao kết quả mà chính sách đấu thầu đem lại, theo thống kê, từ khi áp dụng đến nay, đã tiết kiệm được 84.000 tỷ đồng cho ngân sách và giá trị này tăng đều qua các năm. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí rất còn rất phổ biến.

Đại biểu Bùi Thị An đặt vấn đề, khi cá nhân, hộ gia đình đầu tư thì đem lại hiệu quả rất tốt, nhưng vốn nhà nước đầu tư lại kém hiệu quả, công trình xây dựng, đường sá, mua sắm thiết bị… đều có tình trạng chất lượng không đảm bảo. Đại biểu Chu Sơn Hà cũng nêu ra tình trạng lách luật, thay vì tổ chức đấu thầu thì chia nhỏ dự án để chỉ định thầu.

“Mấu chốt nằm ở người chỉ định thầu, người phê duyệt thầu. Do đó, cần có cơ chế để cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật đến cùng về các quyết định của mình, kể cả khi đã nghỉ hưu. Thực hiện tốt được khâu này thì nhiều vướng mắc khác sẽ được giải quyết”, đại biểu Bùi Thị An nói.

Ngoài ra, các đại biểu cho rằng, với việc chỉ định thầu, cần có quy định về việc ban hành hạn mức chỉ định thầu hàng năm để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Minh Quang, đại biểu Nguyễn Bắc Son góp ý, không nên quy định con số tuyệt đối về quy mô vốn của Nhà nước trong các dự án đầu tư phát triển (500 tỷ đồng), bởi con số dễ bị lạc hậu. Con số này cũng bị đánh giá là cao và cần phải cân nhắc lại.

Quy định về tỷ lệ 30% vốn nhà nước trong tổng mức đầu tư cũng được các đại biểu đề nghị làm rõ, bởi có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Chẳng hạn, trường hợp DN nhà nước góp vốn vào một DN và khi DN này đầu tư dự án thì tỷ lệ vốn nhà nước được xác định cụ thể ra sao?

Ở góc độ khác, đại biểu Phạm Huy Hùng đề nghị, cần có cơ quan độc lập giải quyết tranh chấp về đấu thầu, bởi ra hệ thống tòa án thì cơ chế giải quyết tranh chấp nhiều khi kéo dài vài năm, qua nhiều bản án, dự án sẽ bị đình đốn.

Ngày 20/6, Quốc hội sẽ thảo luận Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Hội trường và dự kiến xem xét thông qua dự án này trong kỳ họp tới.                           

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục