Sau nhiều tranh cãi, Hà Nội quyết ngừng việc “cắt bớt” Cung Thiếu nhi

Thành đoàn Thành phố Hà Nội mới có thông báo chính thức liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng khu nhà Pháp cổ thuộc quản lý của Cung Thiếu nhi Hà Nội.
Toà nhà kiến trúc Pháp trong cung Thiếu nhi bị đề nghị thu hồi. Ảnh: Tiền Phong. Toà nhà kiến trúc Pháp trong cung Thiếu nhi bị đề nghị thu hồi. Ảnh: Tiền Phong.

Cụ thể, Thành đoàn Hà Nội cho biết, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất chỉ đạo giao Thành đoàn phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao hoàn thiện hồ sơ, báo cáo thành phố thực hiện quy trình gắn biển Di tích cách mạng cho công trình, để giáo dục truyền thống và trân trọng những giá trị lịch sử.

Thành đoàn Hà Nội cũng cho biết đã được giao chỉ đạo Cung Thiếu nhi Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý để thu hút đông đảo Thanh thiếu nhi tham gia học tập, vui chơi, giải trí tại cung thiếu nhi.

Đồng thời, Thành phố cho biết sẽ quan tâm, đẩy nhanh tiến độ để đầu tư Cung Thiếu nhi mới xứng tầm Thủ đô. Như vậy đồng nghĩa với việc sẽ không chuyển mục đích sử dụng, thu hẹp diện tích của Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Trước đó, thông tin liên quan đến quyết định thu hồi toà nhà kiến trúc Pháp cổ nằm trong quần thể Cung thiếu nhi Hà Nội đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Được xem là ngôi nhà chung của hàng nghìn thiếu nhi thủ đô, Cung thiếu nhi Hà Nội là địa điểm lưu dấu tuổi thơ của nhiều thế hệ. Hơn 200 giáo viên và học sinh đã ký vào lá đơn kiến nghị gửi UBND Hà Nội dừng việc thu hồi toà nhà kiến trúc Pháp đẹp như mơ ở Cung thiếu Nhi Hà Nội.

Trao đổi trên báo chí, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, về giá trị Kiến trúc cần bảo vệ nguyên trạng bởi nó gắn bó tổng thể với không gian cảnh quan kiến trúc toàn khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, kết nối từ Hồ Gươm tới tòa nhà Ngân Hàng, bên phải là nhà Bưu Điện với Bác Bộ Phủ, bên trái với Tòa Thị Chính mở rộng và ngôi nhà Pháp trong khuôn viên Cung Thiếu Nhi.

“Đây là quần thể hoàn chỉnh, nguyên vẹn của tác phẩm thiết kế kiến trúc cảnh quan theo phong cách phương Tây nhưng hội đủ những niêm luật Nghệ thuật sân vườn phương Đông”, KTS Trần Huy Ánh nói.

Cũng theo vị này, công trình có giá trị biểu tượng của một giai đoạn lịch sử hình thành Hà Nội hiện đại (tiền kỳ). Nó trở thành một bộ phận cấu thành không thể thay thế, “đóng góp cho Môi trường và Bản sắc kiến trúc cảnh quan Hà Nội”.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội cũng cho rằng chúng ta nên thận trọng trong việc xử lý lại chức năng sử dụng của Cung Thiếu nhi Hà Nội. Bởi ở đây không chỉ có giá trị về di sản về văn hóa, di sản vật thể mà còn là một minh chứng của Đảng, Nhà nước ta kể từ khi hòa bình lập lại đã quan tâm đến tuổi trẻ, đến thanh thiếu nhi. Ngoài ra, còn một giá trị nữa cần được quan tâm, đây là cái nôi đào tạo nên rất nhiều nhân tài từ thiếu nhi của Thủ đô.

Được biết, Cung Thiếu nhi Hà Nội gồm 3 cụm công trình: Tòa nhà 5 tầng, rạp Khăn Quàng Đỏ và một khu nhà Pháp cổ. Khu nhà này cao 2 tầng, bao quan sân vườn có tổng diện tích hơn 1.200 m2. Với vẻ đẹp cổ kính, nhiều thế hệ giáo viên, học sinh gọi khu nhà là “lâu đài tuổi thơ”.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục