Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019: Cán cân nghiêng về khu vực tư nhân và những câu hỏi bỏ ngỏ

Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 đã vẽ rất rõ sự góp mặt của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế. Tuy nhiên, bức tranh này cũng hàm chứa nhiều câu hỏi không hề nhỏ.
Nhà máy sản xuất Bphone của Công ty cổ phần Bkav. Ảnh: Đức Thanh Nhà máy sản xuất Bphone của Công ty cổ phần Bkav. Ảnh: Đức Thanh

Chân dung doanh nghiệp tư nhân sáng dần

Không chỉ giữ thế áp đảo về số lượng, khu vực doanh nghiệp tư nhân đang đóng góp lớn cho nền kinh tế, cả nước cũng như các địa phương.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã cho một hình dung như vậy khi chọn trình bày chỉ tiêu liên quan đến hoạt động của các loại hình doanh nghiệp trong buổi ra mắt Sách trắng.

Về lao động, khu vực này đang tạo ra 8,8 triệu chỗ làm, vượt rất xa con số 1,2 triệu của khu vực doanh nghiệp nhà nước và 4,5 triệu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây là con số cập nhật đến ngày 31/12/2017.

Tính bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2017, khu vực doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra 8,69 triệu lao động, chiếm 60,9% tổng lao động toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 23,5% so với giai đoạn 2011-2015.

Về nguồn vốn, khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng đang giữ thế áp đảo, khi thu hút 17,5 triệu tỷ đồng vốn, chiếm 53% vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 16,5% so với cùng thời điểm năm 2016. Khu vực doanh nghiệp nhà nước góp 9,5 triệu tỷ đồng và khu vực FDI góp được 6 triệu tỷ đồng, với hầu hết là doanh nghiệp có quy mô lớn.

Khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng đang đứng đầu về tổng doanh thu thuần, với 11,7 triệu tỷ đồng năm 2017, chiếm 56,8% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Con số này của khu vực doanh nghiệp nhà nước là 3,1 triệu tỷ đồng, doanh nghiệp FDI là 5,8 triệu tỷ đồng.

Soi vào một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, khu vực này đang có nhiều điểm mạnh.

Thứ nhất, về hiệu suất sử dụng lao động, khu vực doanh nghiệp tư nhân đạt 15,5 lần và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp FDI với 12,3 lần. Khu vực doanh nghiệp nhà nước có hiệu suất sử dụng lao động đạt 18 lần.

Thứ hai, về thu nhập bình quân của người lao động, dù là khu vực doanh nghiệp tư nhân có mức thấp nhất, với 7,4 triệu đồng trong năm 2017, nhưng đây lại là khu vực có tốc độ cải thiện thu nhập cho người lao động nhanh hơn, tăng 15,1% so với năm 2016. Con số này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước là 11,9 triệu đồng, cao nhất trong các khu vực doanh nghiệp và 9 triệu đồng với khu vực doanh nghiệp FDI.

Thứ ba, về chỉ số nợ, khu vực doanh nghiệp tư nhân có chỉ số nợ là 2,3 lần, so với khu vực doanh nghiệp FDI là 1,6 lần và khu vực doanh nghiệp nhà nước là 4,1 lần.

Thứ tư, chỉ số quay vòng vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân là 0,7 lần, cao hơn mức 0,3 lần của doanh nghiệp nhà nước, trong khi doanh nghiệp FDI đứng đầu, là 1,1 lần.

Câu hỏi về 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả

Tuy bứt phá mạnh mẽ như vậy, nhưng chỉ tiêu về lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp tư nhân lại chưa tương xứng. Năm 2017, khu vực doanh nghiệp tư nhân tạo ra 291.600 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 33% tổng lợi nhuận trước thuế của toàn bộ doanh nghiệp.

Con số này đã có sức tăng rất lớn, 55% so với năm trước đó. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp FDI đang đứng đầu về chỉ số này, với 384.100 tỷ đồng, chiếm 43,8%. Khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra hơn 200.900 tỷ đồng, chiếm 22,9%.

Các chỉ số về hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu, hiệu suất sinh lợi trên doanh thu của khu vực doanh nghiệp tư nhân đều thấp hơn 2 khu vực còn lại.

Đặc biệt, Sách trắng lần đầu tiên vẽ rất rõ sự khác biệt giữa các địa phương trong phát triển doanh nghiệp. Nắm giữ 2 ví trí hàng đầu về số lượng doanh nghiệp, nhưng cả TP.HCM và Hà Nội đều không có tên trong top 10 địa phương có tốc độ tăng số doanh nghiệp đang hoạt động của năm 2018 so với năm 2017. Trong danh sách này, TP.HCM đứng thứ 18/63; Hà Nội còn ở mức rất thấp, 42/63 tỉnh, thành phố.

Trong khi đó, Sóc Trăng, Bạc Liêu lại có tên trong top 7 về tốc độ tăng doanh nghiệp, dù thứ hạng về số lượng doanh nghiệp đều ở mức thấp, tương ứng là 47 và 53.

Trong Lễ công bố Sách trắng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đặt câu hỏi tại sao trước những con số này. Và đương nhiên, ông không chỉ muốn đặt câu hỏi.

“Phải mổ xẻ, phân tích kỹ các con số này. Nếu so sánh giữa các địa phương cùng địa bàn, sẽ thấy sự quan tâm của hệ thống chính quyền ở địa phương với phát triển doanh nghiệp như thế nào. Cả nước mới có 16/63 tỉnh cân đối được ngân sách và có khoản thu về Trung ương. Muốn tăng số tỉnh này lên, phải bằng cách phát triển doanh nghiệp thôi”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh và cũng nhắc nhở rằng, nếu bình chân, thì các địa phương quán quân hay á quân đều có thể tụt hậu hơn nữa…

Đặc biệt, cách phân rã các chỉ số theo từng lĩnh vực, khu vực doanh nghiệp và địa phương còn để cho thấy trách nhiệm của các ngành, địa phương và cả Chính phủ trong sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.

Nếu đặt câu hỏi về mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 của Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, có lẽ áp lực về cải thiện môi trường kinh doanh, cơ chế chính sách để thúc đẩy sự phát triển hiệu quả, lành mạnh của khu vực doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ cấp bách hơn.

Giả sử trong hai năm 2019-2020, số doanh nghiệp thành lập mới giữ được mức như 2018, khoảng 130.000 doanh nghiệp, thì sau hai năm, số doanh nghiệp đăng ký có thể đạt gần tới mức 1 triệu. Tuy nhiên, tính toán này chỉ đúng khi không có doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động và không có doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Điều này không thể xảy ra.

Như vậy, cơ hội đạt mục tiêu chỉ còn trông vào một môi trường kinh doanh thực sự không rào cản, không điều kiện kinh doanh vô lý, không kiểm tra chuyên ngành khó hiểu, không có những quy định khiến doanh nghiệp hoang mang…

Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động: 714.700 doanh nghiệp, tính tới thời điểm ngày 31/12/2018. Bình quân cả nước có 14,7 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân số trong độ tuổi lao động.

Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất - kinh doanh đến thời điểm 31/12/2017 là 560.417 doanh nghiệp.

Số lượng doanh nghiệp nhà nước: 2.486 doanh nghiệp, trong đó 1.204 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước: 541.753 doanh nghiệp. Số này gồm các loại hình: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH tư nhân, công ty TNHH có vốn nhà nước từ 50% trở xuống, công ty cổ phần không có vốn nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước từ 50% trở xuống.

Số lượng doanh nghiệp FDI: 16.178 doanh nghiệp.

(Nguồn: Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019)

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục