Quỹ bảo lãnh tín dụng: Thiếu bài toán tổng thể

(ĐTCK-online) Ngay sau kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, một số ngân hàng thương mại đã hưởng ứng với những chính sách cụ thể cho khách hàng của mình. Cánh cửa ngân hàng đã mở hơn một chút với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, áp lực về vốn vẫn khó giải tỏa được, khi lạm phát trong năm nay được dự báo vẫn ở mức khoảng 25%.
Ngân hàng, tổ chức góp vốn quan trọng nhất vào quỹ bảo lãnh tín dụng không được đảm bảo quyền lợi. Ngân hàng, tổ chức góp vốn quan trọng nhất vào quỹ bảo lãnh tín dụng không được đảm bảo quyền lợi.

Hơn thế, ngân hàng cho dù hiện đang là kênh cung cấp vốn chủ yếu của các doanh nghiệp, song đằng sau đó là áp lực lớn cho các khoản nợ phải trả; trong khi phải thừa nhận một thực tế rằng, mức tăng trưởng các khoản cho vay ở Việt Nam thường tăng nhanh hơn mức tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngay cả vào thời điểm hiện nay, khi mức lãi suất cho vay ở một số ngân hàng thương mại được công bố vào khoảng 17% thì cơ hội để đạt được lợi nhuận bằng hoặc hơn đó vẫn rất nhỏ. Như vậy, nếu các kênh vốn khác, các dịch vụ tài chính khác không được đa dạng hoá, phổ cập tới các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, bài toán về vốn cho các doanh nghiệp này sẽ vẫn khó tìm lời giải.

Trong khi đó, mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng vốn được xây dựng như một giải pháp về vốn hữu hiệu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sau 7 năm với vài lần sửa đổi, điều chỉnh vẫn chưa định hình. Hiện tại, một vài địa phương đã triển khai mô hình này nhưng hiệu quả hoạt động rất thấp. Chỉ mới có khoảng 3 trong tổng số 9 quỹ đã thành lập đi vào hoạt động. Theo các chuyên gia nghiên cứu của Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) về quỹ bảo lãnh tín dụng, lý do cản trở sự hiện thực hoá của một mô hình phục vụ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất phát từ chính các quy định pháp lý liên quan đến nó. Mô hình được xây dựng theo hướng phi lợi nhuận, mức phí thấp, đặt ở địa phương, kêu gọi sự đóng góp của cả ngân hàng và doanh nghiệp đã không cho thấy được lợi ích mà ngân hàng có thể đạt được khi phải đóng góp những khoản tiền lớn. Ngay cả quyền quyết định về hoạt động của quỹ cũng không có phần của ngân hàng với tư cách là người nắm tiền. Đây là lý do mà hầu như các địa phương không kêu gọi được các ngân hàng tham gia.

Hiện tại, mỗi ngân hàng đều được yêu cầu phải đóng góp vào một quỹ tại địa phương mà chi nhánh ngân hàng này hoạt động. Với những ngân hàng lớn, có chi nhánh trên toàn quốc, khoản tiền phải bỏ ra để thực hiện yêu cầu này là rất lớn. Trong khi đó, các ngân hàng cho rằng, không có một cơ chế nào đảm bảo cho việc đóng góp tiền của họ được an toàn. Một số ngân hàng sau khi thử nghiệm góp vốn vào một quỹ đã quyết định dừng hoạt động này.

Về phía địa phương, nguồn lực của địa phương không đủ để đảm bảo nghĩa vụ đóng góp theo yêu cầu, trình độ hạn chế của một số tỉnh trong điều hành quỹ bảo lãnh tín dụng… đã khiến mô hình này thực tế đã không đạt được sự tin tưởng. Đặc biệt, sự can thiệp trực tiếp của chính quyền địa phương vào hoạt động của quỹ càng khiến cho các ngân hàng không muốn tham gia.

Hiện tại, kế hoạch sửa đổi mô hình và cơ chế hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng đã được đưa ra, song các chuyên gia UNIDO cho rằng, việc cần làm hiện nay có lẽ không phải là sửa mà là xây dựng lại khái niệm cho mô hình này. Nếu như không xác định rõ quyền lợi mà ngân hàng, tổ chức góp vốn quan trọng nhất, đạt được khi phải bỏ một nguồn vốn lớn vào quỹ, thì mục tiêu kêu gọi sự tham gia của ngân hàng sẽ khó đạt được. Cụ thể, đi kèm theo khoản vốn mà ngân hàng sẽ góp vào, quyền lợi mà họ được nhận trong điều hành hoạt động của quỹ như thế nào, lợi ích mà họ nhận được từ việc khoản tiền đóng góp đó được hạch toán ra sao, có thể tính khoản này vào chi phí hoạt động của ngân hàng hay không…? Có nghĩa là vai trò của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính với tư cách là đối tác chiến lược phải được quy định rõ ràng.

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, mức vốn điều lệ tối thiểu được quy định cho quỹ này là 30 tỷ đồng, cũng như việc hình thành đơn lẻ các quỹ ở địa phương đã không còn phù hợp. Các chuyên gia nghiên cứu của UNIDO đề nghị cần phải có nghiên cứu để hình thành hệ thống quỹ quốc gia, đảm bảo sự hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp thống nhất trên toàn quốc.

Bảo Duy
Bảo Duy

Tin cùng chuyên mục