Quan trọng là nâng cao chất lượng tăng trưởng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã chia sẻ với Báo Đầu tư về những thành tựu của nền kinh tế trong năm 2015, cũng như những thách thức của năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Động lực tăng trưởng chủ yếu của năm 2015 đến từ sự phục hồi và tăng trưởng cao của sản xuất công nghiệp. Ảnh: Lê Toàn Động lực tăng trưởng chủ yếu của năm 2015 đến từ sự phục hồi và tăng trưởng cao của sản xuất công nghiệp. Ảnh: Lê Toàn

Thưa Bộ trưởng, năm 2015 là một năm đầy khó khăn của kinh tế Việt Nam, nhưng cuối cùng đã kết thúc tốt đẹp bằng tốc độ tăng trưởng GDP 6,68%, lạm phát là 0,6%. Là người đứng đầu cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô, Bộ trưởng có hài lòng với kết quả này?

Năm 2015 đúng là một năm khá đặc biệt của kinh tế Việt Nam. Sau chặng đường dài hơn 3 năm đầu tiên của Kế hoạch 5 năm 2011- 2015, nền kinh tế có mức tăng trưởng thấp và chúng ta phải dồn sức vào ổn định kinh tế vĩ mô, thì từ năm 2014, kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi. Năm 2014 cũng là năm đầu tiên tăng trưởng kinh tế đã vượt kế hoạch đề ra (5,98% so với 5,8% - PV) và tới năm 2015, đã thêm một lần nữa khẳng định điều này.

Năm 2015, chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,2%, đây là mức rất cao so với 4 năm trước và trong dự báo mà Chính phủ đã báo cáo tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII vừa qua, con số cũng chỉ là 6,5%. Nhưng đến nay, theo tính toán rất chặt chẽ, tăng trưởng kinh tế đạt 6,68%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua, kể từ năm 2008, trong điều kiện chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh, chỉ có 0,6%.

CPI giảm mạnh, điều này có người đặt câu hỏi có vấn đề gì không, tại sao CPI giảm mạnh như vậy. Xin khẳng định ở đây là, nhu cầu, tổng cầu của xã hội đang tăng rất mạnh, kinh tế của Việt Nam đang trên đà hồi phục, không có biểu hiện nào của giảm phát.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
 

Vậy theo Bộ trưởng, đâu là yếu tố mang tới sự hồi phục này của nền kinh tế?

Nền kinh tế Việt Nam đã bước vào năm 2015 với rất nhiều thách thức, trong đó có 3 thách thức lớn. Đó là sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới, khiến nhu cầu và giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới giảm rất mạnh. Vì thế, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam cũng thu hẹp lại rất nhiều, đặc biệt là các hàng nông sản như cao su, hải sản...

Thách thức thứ hai là giá dầu giảm mạnh, làm đảo lộn cơ cấu ngân sách của Việt Nam. Cuối năm 2014, chúng ta dự toán giá dầu ở mức 100 USD/thùng, nhưng tính toán lại thì cả năm 2015, con số trung bình ở mức dưới 60 USD/thùng.

Thách thức thứ ba là tiền tệ. Việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách tiền tệ khiến đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh cũng ít nhiều tạo khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015.

Tuy nhiên, có thể nói, phản ứng chính sách của Chính phủ Việt Nam tương đối nhanh nhạy và có hiệu quả. Bởi vậy, những thách thức này đã được hóa giải và giải quyết một cách thỏa đáng. Giá dầu dù giảm nhưng tổng thu ngân sách Việt Nam không giảm, thậm chí vẫn tăng. Điều này chứng tỏ dự báo của chúng ta ngay từ lúc ban đầu là đúng. Tức là mặc dù giá dầu giảm làm hụt thu ngân sách lúc ban đầu, nhưng lại được lợi là giá đầu vào của toàn bộ nền kinh tế, của tất cả các loại hàng hóa khác sẽ giảm theo, nhờ vậy hiệu quả cao, tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế.

Động lực tăng trưởng chủ yếu của năm 2015 đến từ sự phục hồi và tăng trưởng cao của sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự tăng nhanh của sản xuất và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; của tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu được cải thiện nhờ lòng tin vào ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế và lạm phát thấp. Và đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh những tác động bước đầu của việc triển khai thực hiện các luật mới được Quốc hội thông qua có liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi. Năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 26,6% và số vốn tăng tới trên 39%, số doanh nghiệp phục hồi hoạt động trở lại cũng tăng rất cao.

Bên cạnh đó, việc các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và việc triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2014 và 2015 của Chính phủ cũng đã tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2015.

Bây giờ nhìn lại, có thể thấy rằng, những kết quả này tuy mới là bước đầu và chúng ta chưa hoàn toàn hài lòng với những gì đã đạt được, song trong bối cảnh kinh tế phải khắc phục những hậu quả của bất ổn vĩ mô để phục hồi lại sự tăng trưởng và lấy lại được sự tăng trưởng cao trong 2 năm gần đây, nhất là trong năm 2015, thì đây là một cố gắng rất lớn. Những kết quả này sẽ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế năm 2016, cũng như cho cả nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Như Bộ trưởng vừa nói, kết quả của năm 2015 sẽ tạo đà cho nền kinh tế trong năm 2016. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến quan ngại về các thách thức của nền kinh tế trong năm nay. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này và khả năng đạt mục tiêu kế hoạch năm 2016 ra sao?

Năm 2016 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ kế hoạch mới. Đà tăng trưởng của 2 năm gần đây sẽ tạo nền tảng để chúng ta thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2016.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Đó là sự phục hồi chậm và bất ổn của kinh tế thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, nên mỗi biến động của kinh tế toàn cầu đều tác động đến Việt Nam. Giá dầu là ví dụ điển hình. Năm 2016 này, chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá dầu tăng lên. Chúng ta dự toán 60 USD/thùng, nhưng giá dầu hiện chỉ ở mức 35 - 36 USD/thùng. Nếu giá dầu thấp quá và kéo dài thì sẽ rất khó khăn cho thu ngân sách và khai thác dầu của Việt Nam.

Thách thức thứ hai là về sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Năm 2015, dù số lượng doanh nghiệp mới tăng mạnh trở lại, nhưng chất lượng có vấn đề. Nếu Việt Nam không có hệ thống doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh thì nền kinh tế sẽ thiếu sức cạnh tranh. Tôi hy vọng trên đà của năm 2015, tác động của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ mang lại động lực cho sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân. Bỏ qua cơ hội này, chúng ta sẽ khó phát triển được. Nếu chỉ có 500.000 - 600.000 doanh nghiệp thì quá ít, chúng ta phải có 2 triệu doanh nghiệp hoặc hơn nữa, có chiến lược đầu tư tốt, sản phẩm mũi nhọn, khả năng cạnh tranh cao thì đất nước mới phát triển bền vững được.

Thách thức thứ ba là năng suất lao động. Đây là vấn đề  cốt tử nhất của mỗi quốc gia. Muốn cạnh tranh, muốn vượt bẫy thu nhập trung bình thì phải nâng cao năng suất lao động quốc gia. Đây không chỉ là thách thức của riêng năm 2016, mà sẽ đè nặng chúng ta trong thời gian tới.

Một thách thức nữa, đó là năm 2016, chúng ta sẽ bắt đầu khởi động một quá trình hội nhập sâu rộng và toàn diện vào khu vực và thế giới, với việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ký kết hàng loạt FTA, với sự tự do luân chuyển về hàng hóa, đầu tư và lao động có tay nghề cao. Hội nhập là mở cửa, là cạnh tranh, có tận dụng được cơ hội không, có nâng cao được năng lực cạnh tranh không, đó là những vấn đề rất lớn.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh việc năm 2016 là năm đầu tiên chúng ta có Chính phủ mới, nói đúng hơn là hệ thống chính trị mới. Hy vọng là bộ máy mới trong nhiệm kỳ mới sau thời điểm chuyển giao sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách đổi mới để không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, mà còn nâng cao chất lượng tăng trưởng, làm sao để nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng bền vững bằng tăng năng suất lao động, bằng áp dụng khoa học - công nghệ…

Hai năm 2015 - 2016 có ý nghĩa bản lề đối với nền kinh tế Việt Nam. Năm 2015 là năm chúng ta kết thúc Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, còn năm 2016 là năm khởi đầu cho kế hoạch 5 năm mới. Xin Bộ trưởng cho biết, đâu là bài học quan trọng nhất của giai đoạn trước để chúng ta có thể đạt được những thành tựu cao hơn ở giai đoạn sau?

Phải nhắc lại câu chuyện cũ. Đó là thời điểm đầu năm 2011, sau khi Đại hội Đảng lần thứ XI thành công tốt đẹp, Nghị quyết Đại hội đã được ban hành, với mục tiêu mạnh mẽ là nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh, đạt 7 - 7,5%.

Chúng ta xây dựng Nghị quyết khi kinh tế đang hồi phục sau cú sốc năm 2008, trong khi vào cuối năm 2010, tình hình kinh tế thế giới đã có nhiều thay đổi mà chúng ta chưa cập nhật được, trong đó nổi bật là vấn đề nợ công. Cộng thêm các khó khăn nội tại, các điểm yếu cố hữu của nền kinh tế, nên ngay sau Đại hội, nền kinh tế đối mặt với rất nhiều thách thức: bất ổn vĩ mô, giá cả tăng nhanh, lạm phát năm 2010 lên tới 11,75%, đồng tiền mất giá nhanh chóng, lòng tin vào đồng tiền giảm sút, nguy cơ đỗ vỡ dây chuyền hệ thống tài chính - ngân hàng là rất cao…, hệ lụy là không chỉ nhà đầu tư nước ngoài mà cả doanh nghiệp trong nước không dám đầu tư. Một bức tranh như vậy thì rất khó để chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng 7 - 7,5%.

Nhận thấy nguy cơ này, đầu năm 2011, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, xây dựng Dự thảo Nghị quyết 11 để Chính phủ ban hành. Tiếp sau đó là Kết luận số 02-KL/TW ngày 16/3/2011 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011. Đây là những quyết định dũng cảm và cần thiết, để từ đó chúng ta chuyển từ mục tiêu tăng trưởng nhanh sang ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và giữ tăng trưởng ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, dù khó khăn cũng phải đảm bảo an sinh xã hội. Đây là 3 trụ cột rất quan trọng.

Mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2011 - 2015 sau đó đã được quyết định điều chỉnh ở mức 6,5 - 7%. Nghe thì đơn giản vậy, nhưng kéo theo đó là rất nhiều vấn đề, từ thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa, thắt chặt cho vay bất động sản, rồi đình hoãn, giãn khởi công các dự án lớn… Rất nhiều chính sách được ban hành và thực hiện, dù bây giờ vẫn để lại những hệ lụy, nhưng vào thời điểm đó, đấy là quyết định tuy khó khăn nhưng dũng cảm và rất đúng đắn.

Nếu không làm như vậy, chúng ta không có được sự ổn định vĩ mô như ngày hôm nay, hai năm 2014 - 2015 có được tốc độ tăng trưởng tốt để tạo đà cho giai đoạn sau. Đây là nền tảng để chúng ta thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Bài học lớn nhất là dũng cảm nhìn thẳng sự thật để điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị cho giai đoạn sau. Nếu chỉ nhìn vào thành quả, không thấy hạn chế của mình thì không thể có được các cơ chế, chính sách chính xác và hiệu quả để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển.

Nguyên Đức thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục