Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Xóa nợ không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước

Mặc dù không ít đại biểu chưa thực sự đồng tình về việc khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước khi Quốc hội thảo luận nội dung này vào cuối tuần trước, nhưng ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tin rằng, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về khoanh nợ, xóa nợ, vì không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.

Đã nhiều lần Bộ Tài chính (BTC) trình Quốc hội cho xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, nhưng đều không được Quốc hội “chuẩn y”. Theo ông, lần này, Quốc hội liệu có thông qua nghị quyết về việc khoanh nợ, xóa nợ cho một số đối tượng?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Xóa nợ không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước ảnh 1

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Đúng là nhiều lần, BTC đề nghị khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp cho một số đối tượng, nhưng đều không được Quốc hội thông qua vì phạm vi khoanh nợ, xóa nợ quá rộng. Đơn cử, năm 2014, BTC đề nghị xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế với các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 cho doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2014. Đối tượng được xóa nợ gồm cả doanh nghiệp gặp khó khăn do đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế, dẫn đến phát sinh nợ thuế và tiền phạt chậm nộp; doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất trên 20%/năm, gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nên phát sinh tiền chậm nộp, phạt chậm nộp thuế.

Đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp của BTC không được Quốc hội thông qua vì phạm vi xóa nợ quá rộng, dễ tạo ra tiền lệ xấu là cứ khó khăn, có nợ thuế là kiến nghị xóa nợ.

Nhưng Dự thảo Nghị quyết về việc xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi được BTC trình Quốc hội năm 2018 cũng gần tương tự Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội lần này, song đã không được thông qua?

Khi xây dựng Dự thảo nghị quyết này, BTC cũng được giao xây dựng Luật Quản lý thuế năm 2019. Vì vậy, Quốc hội quyết định dừng việc thông qua nghị quyết, đưa nội dung khoanh nợ, xóa nợ vào Luật Quản lý thuế để xử lý triệt để. Chỉ tiếc là, Luật Quản lý thuế năm 2019 không bao quát hết được các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/7/2020 (Luật Quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực), nên giờ phải ban hành nghị quyết để “vá” lỗ hổng pháp luật.

Ông nói nghị định này nhằm “vá” lỗ hổng pháp luật nghĩa là thế nào?

Luật Quản lý thuế hiện hành đã có quy định về xóa nợ thuế, nhưng hầu như không thể thực hiện được, nên nợ thuế cứ tăng.

Cụ thể, luật quy định xóa các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã quá 10 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế, nhưng không có khả năng thu hồi. Tuy nhiên, việc này không thể thực hiện được, vì trước khi ra quyết định xóa nợ thuế, cơ quan thuế phải thực hiện 7 biện pháp cưỡng chế nợ, mà thực tế, chỉ có thể thực hiện cưỡng chế bằng 2 - 3 biện pháp “có cũng như không”, như trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc, tổ chức tín dụng khác, yêu cầu phong tỏa tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập, vì đối tượng thuộc diện bị cưỡng chế nợ thuế thì trong tài khoản làm gì có tiền mà trích, phong tỏa tài khoản cũng bằng thừa.

Luật Quản lý thuế năm 2019 đã xử lý được những bất cập này, đặc biệt là cho phép khoanh nợ (không tính tiền chậm nộp), nhưng lại không quy định các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2020 được xử lý theo quy định mới, mà vẫn phải xử lý như luật hiện hành, nên đã tạo ra lỗ hổng pháp luật, buộc phải ban hành nghị quyết để xử lý dứt điểm.

Nghị quyết chỉ xóa tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, chứ không xóa nợ gốc, nghĩa là nợ gốc vẫn khoanh lại. BTC cho biết, khoản nợ này không có khả năng thu hồi, vậy sao không xóa luôn cả nợ gốc?

Việc xóa nợ thuế thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019, tức là tất cả doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản; cá nhân đã chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ đều được xóa. Ngoài ra, các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã quá 10 năm mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế, chứ không phải áp dụng toàn bộ 7 biện pháp cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi thì cứ tự động mà xóa. Còn trong thời gian chưa xóa thì khoanh lại, tức là không tính tiền chậm nộp.

Trong thời gian khoanh nợ, nếu cơ quan có thẩm quyền phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới, thì quyết định xóa nợ, khoanh nợ vô hiệu, tức là vẫn phải nộp toàn bộ số thuế nợ. Quy định này nhằm tránh lợi dụng chính sách xóa nợ để trục lợi.

Nghị quyết cho phép xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp thì nợ thuế sẽ giảm hẳn. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp không ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước, vì đây là tiền ảo chứ không phải tiền thật.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục