“Ông lớn” lý giải việc chậm thoái vốn Nhà nước

(ĐTCK) Trong danh sách doanh nghiệp bị Bộ Tài chính “bêu tên” vì bê trễ kế hoạch thoái vốn Nhà nước, có nhiều “ông lớn” đã đưa cổ phiếu lên niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán như Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEA), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
“Ông lớn” lý giải việc chậm thoái vốn Nhà nước

Chậm vì đủ lý do

Theo Quyết định 1232/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, năm 2019, nhà nước phải thoái vốn ở 62 doanh nghiệp.

Vậy nhưng, theo cập nhật của Bộ Tài chính, trong 11 tháng đầu năm nay, mới có 13 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn.

Tình trạng chậm trễ này khiến cho kế hoạch thoái vốn năm 2019 cũng như giai đoạn  2017 - 2019 bị “vỡ”.

Theo đó, từ năm 2017 - 2019, hoạt động thoái vốn nhà nước mới tiến hành được tại 92 doanh nghiệp, chỉ đạt 7,8% kế hoạch.

Góp mặt vào bức tranh thoái vốn chậm đó, theo Bộ Tài chính, có nhiều bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty; trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán…

Trong số này, Bộ Công thương đang khá nặng gánh với kế hoạch thoái vốn tại hai doanh nghiệp lớn đã đưa cổ phiếu lên sàn đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán là VEA và PLX.

Riêng với trường hợp của VEA, ngoài lý do Bộ chưa phê duyệt giá khởi điểm, phương án thoái vốn, thì những sai phạm của doanh nghiệp cũng như một số cựu lãnh đạo bị phát hiện, điều tra vào đầu tháng 8/2019 càng khiến cho tiến độ thoái vốn của đơn vị đình trệ.

“Không thể triển khai thoái vốn nhà nước tại VEA trong năm 2019, vì thoái vốn theo phương án nào, bao giờ thoái…, đều do Bộ Công thương quyết định. Chúng tôi chỉ là bên phối hợp để triển khai phương án đó, nên không quyết định được bao giờ thoái vốn…”, ông Ngô Văn Tuyển, Quyền Tổng giám đốc VEA chia sẻ với phóng viên Đầu tư Chứng khoán.

Cũng với lý do tương tự, đại diện ACV cho biết, việc có thoái vốn tiếp hay không, bao giờ thoái, Tổng công ty không quyết định được, mà do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan chức năng chốt.

Đến thời điểm này, khi chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2019, ACV chưa nhận được chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền trong triển khai thoái vốn nhà nước…

Trong khi đó, đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo kế hoạch, Nhà nước phải thoái 30,4% vốn đầu tư tại ACV. Nhiều bộ, ngành, địa phương còn lượng doanh nghiệp lớn phải thoái vốn nhà nước như Bộ Xây dựng phải thoái vốn tại 8/11 tổng công ty cổ phần, UBND TP. Hà Nội còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp…

Ngoài lý do chờ quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, tình hình cung - cầu thị trường không thuận lợi, vướng mắc trong xác định giá trị của khoản vốn mà nhà nước muốn thoái do bất cập về cơ chế… đang khiến cho việc triển khai thoái vốn chậm.

Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp - CTCP (MIE - UPCoM) phải thoái tối thiểu 36% vốn điều lệ trong năm 2019, nhưng tới nay chưa có chuyển động mới nào.

Nguyên nhân, theo một lãnh đạo MIE, là do quá trình thoái vốn gặp nhiều vướng mắc, nhất là trong xác định giá trị lịch sử, văn hóa (do chưa có văn bản hướng dẫn). Việc này có thể tiếp tục kéo dài, dẫn đến khó xác định được thời hạn hoàn thành việc thoái vốn...

Bộ Tài chính cũng thừa nhận, trong quá trình xác định giá khởi điểm khi thoái vốn, việc xác định giá trị văn hóa, lịch sử theo Nghị định 32/2018/NĐ-CP, cũng như tại Thông tư 59/2018/TT-BTC gặp khó khăn do không có đủ hồ sơ tài liệu để xác định, không thuyết minh được căn cứ xác định giá trị văn hóa, lịch sử bằng tỷ lệ tối thiểu 1% trên giá trị thực tế phần vốn nhà nước vào giá khởi điểm.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu (là các bộ, địa phương) và các bộ phận tham mưu không có chuyên môn để xác định giá trị này.

Trong khi việc xác định này hoàn toàn mang tính chủ quan, nên gây khó khăn cho cơ quan quyết định.

Đặc biệt, thanh tra, kiểm toán có thể đưa ra ý kiến chủ quan xác định giá trị khác với quyết định của chủ sở hữu, tạo tâm lý nghi ngại gây thất thoát vốn nhà nước. Điều này khiến cho việc triển khai quy định xác định giá trị lịch sử, văn hóa gây nhiều lúng túng, khó khăn cho doanh nghiệp…

Bộ Tài chính không phạt, quyền phạt là của Bộ Nội vụ

Để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, điều quan trọng đầu tiên, theo đại diện Bộ Tài chính, các cơ quan, người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cần bám sát kế hoạch thoái vốn đã được phê duyệt.

Một khi không thực hiện đúng kế hoạch, thì tổ chức, cá nhân đại diện cho phần vốn nhà nước cần công khai nguyên nhân, đồng thời xác định rõ đầu mối chịu trách nhiệm để xảy ra thoái vốn chậm, từ đó truy trách nhiệm rõ ràng, tránh mập mờ như hiện nay.

Câu hỏi đặt ra là tình trạng thoái vốn chậm kéo dài, nhưng vì sao không có lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nào bị truy trách nhiệm cá nhân, liệu có vùng cấm nào không?

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, Bộ là cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, ban hành các chính sách tài chính, chỉ có thể phát hiện những người, doanh nghiệp không chấp hành quy định và đề xuất xử phạt.

“Bộ Tài chính có nhiệm vụ theo dõi, giám sát chặt chẽ và công bố danh sách những doanh nghiệp chậm thoái vốn, không có quyền xử phạt. Quyền xử phạt theo quy định là của Chính phủ và Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành, địa phương thường xuyên cảnh báo các đại diện chủ sở hữu trong việc chậm thoái vốn…”, ông Tiến cho hay.

Để gỡ nút thắt lớn đang cản trở hoạt động thoái vốn, các doanh nghiệp đề xuất cần bãi bỏ quy định về xác định giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử, nhãn hiệu, tên thương mại.

Kiến nghị này đã được đáp ứng tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 126/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và Nghị định số 32/2018, mà Bộ Tài chính đang hoàn tất để dự kiến trình Chính phủ ban hành vào tháng 1/2020.

Theo đó, dự thảo đã bãi bỏ quy định về tính giá trị văn hóa, lịch sử, nhãn hiệu...

Còn một bất cập nữa cũng đang chờ cơ quan hoạch định chính sách tháo gỡ để làm thông quá trình thoái vốn.

Theo quy định hiện nay, khi chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu (là các bộ, địa phương) phải căn cứ số tiền thu từ chuyển nhượng và các chi phí liên quan để quyết toán và chuyển tiền thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Trường hợp thiếu thì đề nghị Bộ Tài chính xuất Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp hoàn trả.

Thực tế cho thấy, dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan đại diện chủ sở hữu là các bộ, địa phương không bố trí nguồn chi hoạt động chuyển nhượng vốn này.

Khi thực hiện chỉ đạo xây dựng phương án chuyển nhượng vốn cũng như thuê tư vấn xác định giá khởi điểm, thuê tổ chức cung cấp dịch vụ đấu giá..., cơ quan đại diện chủ sở hữu đã phải thanh toán một phần tiền cho các tổ chức này và không có nguồn.

Mặt khác, có những đơn vị chuyển nhượng vốn nhà nước không thành công đã phải bỏ ra các chi phí và đang đề nghị Bộ Tài chính xuất Quỹ.

Trong khi đó, theo Quy chế quản lý Quỹ ban hành kèm theo Quyết định 21/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì nội dung chi khác phải báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Để khắc phục bất cập này, dự thảo nghị định đã bổ sung quy định về chi phí đối với chuyển nhượng vốn nhà nước.

Theo đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu là các bộ, ngành và địa phương xây dựng dự toán chi phí chuyển nhượng vốn nhà nước gửi Bộ Tài chính để Bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để cấp tiền tạm ứng.

Mức tạm ứng tối đa 70% tổng dự toán chi phí chuyển nhượng vốn theo quyết định đã được duyệt cho các bộ, ngành và địa phương.

Đối với các đơn vị đã thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước, nhưng không thành công, hoặc đang triển khai thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước trước ngày nghị định này có hiệu lực, số tiền cấp tạm ứng có thể lớn hơn 70% tổng dự toán chi phí chuyển nhượng vốn đã duyệt.

Trên cơ sở kết quả chuyển nhượng vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm quyết toán tiền thu từ chuyển nhượng vốn, chi phí chuyển nhượng vốn và thực hiện nộp về Quỹ hoặc có văn bản đề nghị Quỹ cấp bổ sung phần chênh lệch còn thiếu...     

Theo quy định hiện hành, việc thoái vốn đầu tư của doanh nghiệp mà Nhà nước có vốn góp chi phối tại doanh nghiệp khác thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện có ý kiến tham gia khi doanh nghiệp này thoái vốn theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP chưa làm rõ nguyên tắc, trình tự, phương thức thoái vốn ở các doanh nghiệp này, nên việc sửa đổi cơ chế lần này phải bổ sung quy định mới cho phù hợp.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục