Ô tô nhập khẩu: Mãi nhùng nhằng linh kiện, nguyên chiếc

Sau nửa năm nhùng nhằng, cuộc họp với sự tham gia của hầu hết các bộ chức năng mới đây đã đưa ra hướng giải quyết cho vướng mắc liên quan đến việc tính thuế bộ linh kiện ôtô nhập khẩu…
Hiện hầu hết các doanh nghiệp đều nhập khẩu linh kiện về để sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước Hiện hầu hết các doanh nghiệp đều nhập khẩu linh kiện về để sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước

Bất hợp lý

 

Đầu năm 2011, Thông tư 184/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính (TT 184) có hiệu lực, với một điểm quy định “chết người” là chỉ cần một linh kiện phụ tùng không đảm bảo mức độ rời rạc theo Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ (QĐ 05) thì sẽ phải áp thuế theo thuế suất xe nguyên chiếc (thuế suất 82%).

 

Thực hiện quy định này, hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện về sản xuất lắp ráp ôtô như Toyota VN, Ford VN, Vidamco, Vinamotor, Hyundai Thành Công... rơi vào cảnh bị truy thu thuế với số thuế lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

 

Trong văn bản đóng góp ý kiến gửi Bộ Tài chính, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng QĐ 05 do Bộ KHCN ban hành nhằm mục đích hướng dẫn phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô, không phải cho mục đích tính thuế nhập khẩu linh kiện để lắp ráp ôtô. Tại thời điểm được ban hành (năm 2005), QĐ 05 chưa tính tới các yếu tố và tiến bộ công nghệ, các tiêu chuẩn ngày càng cao về bảo vệ môi trường, về an toàn và được sử dụng chung cho nhiều loại xe khác nhau. Vì vậy việc sử dụng QĐ 05 làm căn cứ tính thuế nhập khẩu vào thời điểm hiện nay là không còn phù hợp với tình hình các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô.

 

Bộ Tài chính, Bộ KHCN cũng nhận thấy rằng, QĐ 05 đã có những điểm quy định không còn phù hợp với thực tế phát triển của ngành công nghiệp ôtô. Chính vì vậy, hai cơ quan này đã đề xuất sửa đổi QĐ 05. Không những thế Bộ Tài chính cũng đã thừa nhận, việc thực hiện Thông tư 184 là bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Lỏng lẻo?

 

Tuy nhiên, trái với quan điểm VAMA như đã trình bày ở trên, Công ty cổ phần ôtô Trường Hải, một trong những thành viên của VAMA, lại không thống nhất như vậy. Tổng giám đốc Trường Hải, ông Trần Bá Dương cho rằng, QĐ 05 đã quy định mức độ rời rạc tối thiểu theo những tiêu chuẩn ASEAN và quốc tế. Mức độ rời rạc tối thiểu này là mức cơ bản nhất để bắt đầu tiến hành lắp ráp ôtô và cụm linh kiện thành phẩm, phát triển nội địa hóa. Nếu không đạt được mức độ tối thiểu rời rạc này, các nhà sản xuất rất khó tiến hành các bước sản xuất nội địa hóa tiếp theo. Hơn nữa nếu không tuân thủ mức độ rời rạc của những thành phần chính, như thân xe chẳng hạn, thì không thể có hoạt động sản xuất lắp ráp ôtô!

 

Mặc dù cũng cho rằng do thiết kế ôtô và công nghệ ôtô đã có nhiều tiến bộ nên cần cập nhật, sửa đổi quy định về độ rời rạc của linh kiện trong QĐ 05, song Công ty Toyota Việt Nam lại kiến nghị: cần thiết phải duy trì hoặc sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn về độ rời rạc của linh kiện CKD nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp nhằm tăng cường chuyển giao công nghệ và đẩy mạnh sản xuất trong nước.

 

Liên quan đến việc sửa đổi TT 184, Toyota Việt Nam lại đề xuất sửa đổi theo hướng quy định không cho nhập khẩu hoặc xử phạt với mức thuế cao đối với một số linh kiện chưa đảm bảo mức độ rời rạc theo QĐ 05. Doanh nghiệp này cho rằng, việc áp thuế nhập khẩu của cụm linh liện hoàn chỉnh trong trường hợp này là không hợp lý, vì theo biểu thuế hiện hành, mức thuế nguyên cụm phần lớn là bằng hoặc chỉ cao hơn 5-10% so với linh kiện rời rạc là không đủ khuyến khích nhà đầu tư tăng tỉ lệ nội địa hóa.

 

Thực tế cho thấy, việc tính thuế nhập khẩu bộ linh kiện từ nhiều năm nay đã có sự dễ dãi, lỏng lẻo dẫn tới không khuyến khích được doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, mà vẫn chủ yếu nhập khẩu về lắp ráp đơn thuần. Thế nên khi “siết lại” theo TT184 và căn cứ theo QĐ 05 (độ rời rạc), hầu hết các doanh nghiệp đều không đáp ứng được.

 

Lỗi tại ai?

 

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ KHCN cho rằng để bị rơi vào tình huống bị truy thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế, phải đình trệ sản xuất, lỗi đầu tiên là do chính doanh nghiệp. Mặc dù thừa nhận QĐ 05 có một số điểm không phù hợp với thực tế, song theo Thứ trưởng KHCN Nguyễn Quân, kể từ khi QĐ 05 có hiệu lực đến năm 2009, không có bất kỳ doanh nghiệp ôtô nào phản ánh vướng mắc về xác định độ rời rạc linh kiện. Tới tận tháng 5/2011, khi có vướng mắc với Thông tư 184 thì các doanh nghiệp mới kiến nghị sửa đổi cả Quyết định 05 và Thông tư 184.  Theo Bộ KHCN, vấn đề chỉ phát sinh khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 184. Thông tư này có có điểm bất hợp lý là khi lô hàng có một linh kiện không đáp ứng mức độ rời rạc theo Quyết định 05 thì toàn bộ linh kiện ôtô nhập khẩu của lô hàng đó sẽ bị áp thuế nhập khẩu theo thuế suất của ôtô nguyên chiếc (hiện thuế suất ôtô nguyên chiếc là 82%, của linh kiện phụ tùng là 0-27%), dẫn tới bức xúc của doanh nghiệp.

 

Trên thực tế, cùng với sức ép “khiếu nại” từ phía doanh nghiệp, đây cũng là nguyên nhân khiến Bộ Tài chính không có quan điểm dứt khoát khi xử lý vấn đề này. Ngày 1/6/2011, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn vừa ký văn bản số 7116 chỉ đạo cơ quan Hải quan “nếu bộ linh kiện nhập khẩu có từ 1 linh kiện trở lên không đảm bảo mức độ rời rạc như Quyết định 05 của Bộ KHCN thì doanh nghiệp phải nộp thuế linh kiện như thuế suất ôtô nguyên chiếc theo đúng quy định pháp luật”. Tuy nhiên, chỉ 20 ngày sau, cũng chính ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn lại phải ký văn bản số 8118 cho phép doanh nghiệp tiếp tục thông quan, tạm thời chưa thực hiện trình tự thanh toán thuế và chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế.

 

Như vậy có thể thấy, lỗi không phải chỉ từ phía danh nghiệp, mà còn xuất phát từ sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong cách thức xử lý vấn đề của cơ quan quản lý nhà nước.

 

Điều đáng nói hơn là sau thời gian khá dài, vụ việc trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, nhưng hướng xử lý đưa ra được xem là vẫn mang tính tình thế, tạo thêm việc cho cơ quan quản lý, đẩy khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Câu hỏi chính đáng được doanh nghiệp đặt ra là: vì sao các cơ quan quản lý chức năng không nhanh chóng sửa đổi quy định sao cho phù hợp thực tế, đảm bảo mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam ?

 

Hướng xử lý được đưa ra như sau:

 

* Thành lập Tổ công tác liên ngành bao gồm đại diện các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải để phối hợp xử lý.

 

* Đối với các lô hàng linh kiện ôtô nhập khẩu trước ngày 5/7/2011 (thời điểm diễn ra cuộc họp liên bộ), Tổ công tác liên ngành tiến hành kiểm tra, xác nhận mức độ rời rạc của các linh kiện ôtô nhập khẩu. Kết luận của Tổ công tác liên ngành về mức độ rời rạc của linh kiện nhập khẩu là căn cứ để Bộ Tài chính tính thuế nhập khẩu với lô hàng đó.

 

*Đối với các lô hàng linh kiện ôtô nhập khẩu sau ngày 5/7/2011, việc tính thuế sẽ theo Thông tư 184 và Quyết định số 05 cho đến khi có văn bản mới thay thế. Trường hợp đặc biệt cần xác định mức độ rời rạc của bộ linh kiện, Bộ Tài chính đề nghị Tổ công tác liên ngành kiểm tra, xác nhận.

 

Lỗi không chỉ từ phía danh nghiệp mà còn xuất phát từ sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong cách thức xử lý vấn đề của cơ quan quản lý nhà nước


DDDN

Tin cùng chuyên mục