Nghị định 20 về chống chuyển giá: Kiến nghị điều chỉnh để giảm áp lực doanh nghiệp trong nước

(ĐTCK) Nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị định 20/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là một bước tiến của Việt Nam, tuân thủ theo thông lệ quốc tế về chống chuyển giá, nhưng các nhà soạn thảo chưa có đánh giá đầy đủ, có thể khiến các doanh nghiệp trong nước chịu thiệt oan.
Nghị định 20 về chống chuyển giá: Kiến nghị điều chỉnh để giảm áp lực doanh nghiệp trong nước

Không đủ cơ sở pháp lý, không hợp lý

Phát biểu tại Hội thảo "Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức sáng ngày 14/12, luât sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho biết, sự ra đời của Nghị định 20 là một bước tiến của Việt Nam, tuân thủ theo thông lệ quốc tế trong nỗ ực hạn chế các hành vi xói món cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS).

Ông Đức cho biết, mỗi năm, hoạt động chuyển giá gây thất thoát khoảng 100 - 240 tỷ USD trên toàn cầu, tương ứng 4 - 10% tổng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp. Các giao dịch thương mại nội bộ chiếm trên 30% giá trị thương mại toàn cầu.

Trên cơ sở áp dụng thông lên BEPS, Nghị định 20 cơ bản đã bao hàm nhiều nội dung liên quan nhằm kiểm soát hoạt động này, đặc biệt liên quan đến các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.

Tuy nhiên, một số Quy định khi áp dụng thực tế lại gây khó khăn ngược trở lại doanh nghiệp trong nước, cụ thể liên quan đến Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 quy định tỷ lệ giới hạn chi phí lãi vay cho tất cả các đối tượng ở mức 20%

LS Trương Thanh Đức. 

Theo ông Đức, “Giao dịch liên kết” là một hình thức hạn chế quyền của cá nhân và pháp nhân, nên phải được điều chỉnh trong một đạo luật theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 về “Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

"Trong khi đó, tại Nghị định 20, cụm từ 'giao dịch liên kết' mới chỉ được giải thích trong Khoản 3, Điều 4 về 'Giải thích từ ngữ' và Điều 5 về 'Các bên có quan hệ liên kết' (tương tự quy định về 'người có liên quan'). Ngoài ra, cụm từ 'giao dịch liên kết' cũng được đề cập đến trong quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt và việc chuyển giao công nghệ. Như vậy, việc quy định hạn chế trong 'giao dịch liên kết' chỉ bảo đảm cơ sở pháp lý sau khi đã được quy định trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét thông qua", ông Đức nhấn mạnh.

Khác với các giao dịch liên kết đa quốc gia, về mối quan hệ giao dịch liên kết ở trong nước giữa các doanh nghiệp với nhau, thì về cơ bản chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam   

Cũng theo ông Đức, trường hợp doanh nghiệp thật sự phải chi trả chi phí lãi vay cao hơn tỷ lệ khống chế nói trên, thì quy định của Nghị định 20 là trái luật, vi phạm quyền huy động vốn từ mọi nguồn một cách hợp pháp để phục vụ nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, quy định “tổng chi phí lãi vay không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần...” cũng chưa thực sư phù hợp với một số doanh nghiệp, chưa tính đến yếu tố có hay không có “giao dịch liên kết”. Bởi, nhìn chung,  doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu.

Trong khi năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên phải vay với lãi suất cao của mọi đối tượng, từ các tổ chức tín dụng, công ty mẹ, công ty liên kết, cho đến người lao động và cá nhân, doanh nghiệp khác. Do đó, dù chi phí lãi vay trên 20%, thậm chí 50%, nhưng đó  là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ, thì cũng cần phải được chấp nhận.

Ngoài ra, trong mọi trường hợp, tỷ lệ 20% nói trên là nhằm đặt ra giới hạn với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc quy định lại áp dụng thêm cả doanh nghiệp trong nước thì hơi bất công bằng, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế.

Bởi theo ông Đức, khác với các giao dịch liên kết đa quốc gia, về mối quan hệ giao dịch liên kết ở trong nước giữa các doanh nghiệp với nhau, thì về cơ bản chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam.

Do vậy, nếu các cơ quan thuế bắt bẻ các doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp tổng số thuế phải nộp tại Việt Nam giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không giảm đi hoặc giảm một cách không đáng kể là không cần thiết, không đúng với tinh thần và mục đích quy định của pháp luật.

Cần nghiên cứu điều chỉnh bổ sung để áp đúng đối tượng 

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, trong quá trình xây dựng pháp luật, tất cả các văn bản đều phải có dự thảo lấy ý kiến nhân dân, doanh nghiệp, rồi mới trình lên Chính phủ. Nghị định 20 cũng phải tuân thủ những bước đó.

Trong quá trình soạn thảo, Hội tư vấn thuế có nhiều tham vấn về vấn đề này và Tổng cục Thuế cũng đã có công văn riêng trình lên liên quan đến khoản 3, điều 8, Nghị định 20. Tại cuộc đối thoại doanh nghiệp, một tập đoàn lớn cũng đã đề cập đến những khó khăn này và về phía Hội cũng thấy tồn tại những bất cập.

Đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, theo bà Cúc, việc cho vay giữa công ty mẹ và công ty con có nhiều cơ hội và khả năng trốn tránh thuế, chuyển giá vì vậy khống chế là đúng. Tuy nhiên, cần xác định mức khống chế bao nhiêu là hợp lý.

 Bà Nguyễn Thị Cúc

Đối với các doanh nghiệp không được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thì động cơ chuyển giá mang đến mục tiêu chuyển dịch lợi nhuận là không có. Đương nhiên, sẽ có trường hợp các doanh nghiệp vay xuyên biên giới của ngân hàng khác và có động cơ, cơ hội chuyển giá, trốn thuế, nếu như mình làm biện pháp đó với việc khống chế lãi vay Ngân hàng Nhà nước, thì điều đó là được.

"Một chính sách thuế phải phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng cũng phải phù hợp với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khó khăn", bà Cúc đánh giá cho biết Bộ Tài chính đã lắng nghe và tiếp thu những ý kiến nêu trên

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, thông lệ quốc tế là cái không bắt buộc, là cái khuyến khích, nên áp dụng như thế nào là tùy, bởi trong OECD có nước áp dụng có nước không và các nước áp dụng là khác nhau.

"Tinh thần hội nhập là cố gắng áp dụng thông lệ quốc tế, nhưng cơ bản là tính tự nguyện. Đây là câu chuyện của chính chúng ta", ông Thành nhìn nhận.

Ông Võ Trí Thành

Về phương án đối với Nghị định 20, theo ông Thành, vấn đề rất quan trọng là khuyến khích đổi mới sáng tạo, nhưng Nghị định 20 gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp hơn là lợi ích. Vì vậy, ông kiến nghị Bộ Tài Chính xem lại để dành khoảng thời gian 1 năm để áp dụng, nhưng tốt nhất là để nghiên cứu, sửa đổi.

Theo đề xuất của nhiều chuyên gia, chuyển giá là việc chuyển thu nhập từ quốc gia có thuế thu nhập cao sang quốc gia có thuế thu nhập thấp hơn để hưởng lợi, nhưng trong nội địa Việt Nam, thì thuế suất như nhau.

Vì vậy, Nghị định 20 chỉ nên áp dụng cho doanh nghiệp xuyên biên giới, không áp dụng cho doanh nghiệp nội địa Việt Nam và không nên phân biệt đối xử theo ngành nghề, quy mô, càng gây rắc rối.

Việt Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục