Năm 2018, vốn ngân sách sẽ ưu tiên cho đầu tư

(ĐTCK) Với 86,56% đại biểu dự họp tán thành, ngày 13/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Theo đó, tổng số thu, chi ngân sách nhà nước lần lượt là 1.319.200 tỷ đồng và 1.523.200 tỷ đồng, bội chi 204.000 tỷ đồng (tương đương 3,7%).
Ảnh Internet Ảnh Internet

Nghị quyết yêu cầu Chính phủ quyết liệt chỉ đạo việc tiết kiệm các khoản chi thường xuyên của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài..., để có thêm vốn dành cho đầu tư phát triển.

Từ định hướng trên, các đại biểu Quốc hội trông đợi Chính phủ sẽ đưa ra nhiều giải pháp mới cho năm 2018 theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng nguồn cho đầu tư phát triển. Có đầu tư, mới có thể thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng cả trong ngắn và dài hạn, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vẫn còn phụ thuộc đáng kể vào tăng vốn đầu tư.

Liên quan đến bố trí nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển, Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 của Quốc hội yêu cầu tổng mức phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư những công trình dự án cụ thể năm 2018 là không quá 50.000 tỷ đồng, bao gồm cả số chuyển nguồn trái phiếu chính phủ sang năm 2018 (nếu có) để đầu tư cho các công trình, dự án đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

Quyết sách trên được đưa ra trong bối cảnh câu chuyện giải ngân vốn chi cho đầu tư phát triển, trong đó có nguồn vốn trái phiếu chính phủ còn chậm. Ðây là điểm nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại khi đi vay phải trả lãi vay, mà vốn chưa được đưa vào sử dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả tăng trưởng kinh tế.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vốn ngân sách nhà nước (không bao gồm trái phiếu chính phủ) giải ngân 10 tháng đầu năm nay mới đạt khoảng 61,1% dự toán, riêng giải ngân vốn trái phiếu chính phủ mới đạt 22% dự toán. Sự chậm trễ này chủ yếu do giải phóng mặt bằng gặp khó khăn; công tác thẩm định vốn vẫn còn bất cập; các bộ, ngành, địa phương chưa bám sát các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự phân bổ vốn, dẫn đến điều chỉnh phân bổ nhiều lần... Giải bài toán này như thế nào là câu chuyện không dễ, nhưng phải làm mạnh mẽ năm 2018 mới mong dòng chảy vốn đầu tư thông suốt trong năm tới.

Trong bối cảnh nguồn vốn của ngân sách nhà nước hạn hẹp, hiệu quả vốn đầu tư còn hạn chế, để đáp ứng nhu cầu thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Quốc hội yêu cầu Chính phủ trong năm tới tăng cường huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước cho đầu tư phát triển, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng…

“Chiếc bánh” ngân sách chưa lớn, việc giảm các khoản chi thường xuyên để có thêm nguồn chi cho đầu tư phát triển là điều được nhiều đại biểu khuyến nghị. Tuy nhiên, quan trọng hơn là phải tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách. Tiền thiếu có thể huy động từ nguồn lực trong và ngoài nước, nhưng tiền đầu tư không giải ngân được, hoặc giải ngân được nhưng không hiệu quả, sẽ làm tăng nguy cơ thất thoát, lãng phí, khó đạt mục tiêu góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. 

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục