Loạn số liệu hàng tồn kho, đâu là thực?

(ĐTCK) Hàng tồn kho đang được coi là một trong hai nút thắt đối với DN và nền kinh tế bên cạnh nợ xấu. Tuy nhiên, số liệu về hàng tồn kho đang rất khác nhau từ nhiều nguồn báo cáo của các bộ ngành và địa phương, đến mức mà báo chí gọi là loạn số liệu hàng tồn kho.
Loạn số liệu hàng tồn kho, đâu là thực?

Hiểu đúng về hàng tồn kho

Sự khác nhau về số liệu hàng tồn kho bắt nguồn từ công tác điều tra thống kê của các cơ quan bộ ngành, nhưng một nguyên nhân làm cho số liệu hàng tồn kho bị vênh nhau quá nhiều là từ cách hiểu và cách tính chỉ số hàng tồn kho không thống nhất. Vì vậy, cần hiểu đúng về hàng tồn kho, chỉ số hàng tồn kho của các DN nói riêng và của nền kinh tế nói chung để có được một cái nhìn đúng bản chất về hàng tồn kho và từ đó có các đối sách phù hợp nhằm giải quyết nút thắt quan trọng này, góp phần khơi thông hoạt động của DN và của nền kinh tế.

Trước hết, về khái niệm hàng tồn kho. Theo quy định hiện hành về kế toán, hàng tồn kho bao gồm nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ để sử dụng làm đầu vào của quá trình sản xuất kinh doanh, sản phẩm dở dang, thành phẩm tồn kho tại DN, hàng được gửi để bán trong kỳ sản xuất kinh doanh bình thường, hàng mua đang trên đường.

Loạn số liệu hàng tồn kho, đâu là thực? ảnh 1

Cách tính khác nhau dẫn đến số liệu về hàng tồn kho khác nhau

Tùy theo loại hình sản xuất kinh doanh mà cơ cấu hàng tồn kho cũng khác nhau. Đối với các DN kinh doanh thương mại, hàng tồn kho chủ yếu là hàng mua về để bán bao gồm hàng trong kho, hàng trên đường, hàng gửi bán. Đối với DN sản xuất thì bao gồm cả nguyên vật liệu đầu vào, sản phẩm dở dang và thành phẩm chờ bán.

Xây dựng định mức hàng tồn kho hợp lý là rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo tính liên tục trong sản xuất, tiêu thụ và hiệu quả sử dụng đồng vốn. Để đánh giá hàng tồn kho đối với một DN thông thường, nguời ta hay dùng hai chỉ số là chỉ số hàng tồn kho và hệ số vòng quay hàng tồn kho.

Về chỉ số hàng tồn kho, trên thế giới hiện đang sử dụng hai dạng chỉ số khác nhau. Đối với các nước phát triển, chỉ số hàng tồn kho được tính bằng tỷ lệ lượng hàng tồn kho trên lượng sản phẩm tiêu thụ được trong một khoảng thời gian, thông thường được tính bằng năm. Theo cách tính này thì chỉ số hàng tồn kho được coi là tốt khi nằm trong khoảng từ 5 - 6%, nếu tỷ lệ này vượt lên mức trên 8% thì được coi là cao. Tất nhiên, tỷ lệ này tùy thuộc vào từng loại hình DN và mặt hàng mà DN đó sản xuất.

Việt Nam và các nước đang phát triển hiện đang dùng khái niệm chỉ số hàng tồn là tỷ lệ giữa hàng tồn kho tại thời điểm đánh giá so với kỳ gốc. Ví dụ, nói chỉ số hàng tồn kho ngành xi măng tại thời điểm 30/6/2012 tăng 57% nghĩa là lượng xi măng tồn kho tại ngày 30/6/2012 bằng 157% so với lượng xi măng tồn kho ngày 30/6/2011. Cách tính chỉ số này nhiều khi không phản ánh thực chất tình hình hàng tồn kho vì nếu số liệu tồn kho kỳ gốc là quá thấp, hoặc không hợp lý thì chỉ số hàng tồn kho chỉ là một số ảo. Như ví dụ về số liệu hàng tồn kho xi măng tại ngày 30/6/2012 tăng 57% sẽ tạo ra một cảm giác là hàng tồn kho xi măng tại ngày 30/6/2012 đang quá cao, tuy nhiên, tại thời điểm đó, lượng xi măng tồn kho chỉ khoảng 2,8 triệu tấn, tương đương với 20 ngày tiêu thụ bình quân, một tỷ lệ không đáng lo ngại, theo lời của ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Nếu tính theo tỷ lệ lượng tồn kho so với lượng xi măng tiêu thụ của một năm theo cách của các nước phát triển thì tỷ lệ này chỉ là 5,48%, một mức hợp lý.

 

“Loạn” số liệu vì lệch cách tính

Để giảm hàng tồn kho, DN có thể đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa hoặc giảm công suất sản xuất. Nếu tồn kho giảm từ nguyên nhân đẩy mạnh tiêu thụ thì sẽ tác động tích cực đến hoạt động của DN nhưng nếu giảm từ nguyên nhân giảm công suất hoặc tạm dừng sản xuất thì lại là yếu tố tiêu cực. Do vậy, đánh giá hàng tồn kho cao hay thấp, hợp lý hay không phải căn cứ vào thực tế từng DN, từng ngành sản xuất, mùa vụ và nguyên nhân tăng, giảm mới có được một kết luận khách quan và chính xác.

Một nguyên nhân làm cho số liệu hàng tồn kho đang rất vênh nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, là sự lẫn lộn giữa 2 khái niệm hàng tồn kho và thành phẩm tồn kho. Thành phẩm tồn kho chỉ là một bộ phận trong hàng tồn kho, nó là sản phẩm cuối cùng của một quá trình sản xuất của DN có đủ điều kiện về quy cách, phẩm chất để lưu thông.

Người viết bài này không đủ dữ liệu để có thể kết luận các số liệu mà các bộ, ngành đưa ra là số liệu thành phẩm tồn kho hay là hàng tồn kho theo khái niệm về hạch toán kế toán. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào số liệu trên báo cáo

tài chính tại ngày 30/9/2012 của 10 công ty bất động sản đang niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM bao gồm: BCI, HAG, ITC, NBB, NTL, PDR, QCG, TDH, HDC, VIC thì số liệu hàng tồn kho đã lên tới 35.001 tỷ đồng, còn nếu tính chung cho hơn 60 DN bất động sản niêm yết trên cả 2 Sở GDCK thì số liệu hàng tồn kho lên tới 83.804 tỷ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thì lượng hàng tồn kho trên 44 tỉnh thành bao gồm Hà Nội và TP. HCM đến ngày 30/8/2012 chỉ là 40.750 tỷ đồng, từ đó có thể khẳng định, con số hàng tồn kho về bất động sản mà Bộ Xây dựng công bố là thành phẩm tồn kho, bao gồm căn hộ, nhà ở thấp tầng như biệt thự, nhà liền kề, đất nền đã hoàn thiện sẵn sàng để bán. Việc này cũng giải thích tình trạng loạn về số liệu hàng tồn kho theo công bố của các tổ chức và bộ ngành. Trong khi Sở Xây dựng TP. HCM đưa ra 20.000 căn hộ tồn kho tại TP. HCM thì con số mà Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra lên tới 47.000 căn, còn số công bố của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chỉ là 10.108 căn.

 

Cần thống nhất lại

Để minh bạch thông tin về số liệu hàng tồn kho, các bộ ngành mà trước hết là Tổng cục Thống kê cần xây dựng lại hệ thống tiêu chí để thống kê và đánh giá hàng tồn kho, làm căn cứ thống nhất trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu về hàng tồn kho của các ngành và của cả nền kinh tế. Nên chăng, nghiên cứu thay đổi cách tính chỉ số hàng tồn kho hiện nay dựa trên việc so sánh số liệu hàng tồn kho thời điểm hiện tại với số liệu hàng tồn kho kỳ gốc bằng chỉ số hàng tồn kho mà các nước phát triển đang sử dụng hiện nay là so sánh lượng hàng tồn kho trên lượng sản phẩm tiêu thụ được trong một năm.

Có số liệu chính xác thì mới có thể đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng của hàng tồn kho lên từng DN nói riêng và cả nền kinh tế nói chung, từ đó mới có được giải pháp phù hợp để làm tan một trong hai “cục máu đông” đang làm tắc dòng chảy kinh doanh của DN và của nền kinh tế.

ThS. Nguyễn Thọ Phùng
ThS. Nguyễn Thọ Phùng

Tin cùng chuyên mục