Lo lắng của DN vẫn là hàng tồn kho và lãi suất

(ĐTCK) Tại Hội thảo “Ngân hàng và DN: Khơi thông nguồn vốn” được tổ chức ngày 30/8 tại TP. HCM, TS. Trần Du Lịch cho rằng, dòng tiền tiếp tục “chạy” lòng vòng, vì vậy nền kinh tế vẫn đang thiếu “máu”.
Lo lắng của DN vẫn là hàng tồn kho và lãi suất

Lo lắng của DN vẫn là hàng tồn kho và lãi suất ảnh 1

Theo Thạc sĩ Đoàn Thị Quyên (Viện Phát triển DN, VCCI), tình hình kinh tế vĩ mô 7 tháng đầu năm 2012 đã có nhiều chuyển biến tích cực như: lạm phát được kiềm chế, tỷ giá ổn định, lãi suất giảm… Tuy nhiên, cảm nhận chung của cộng đồng DN là tình hình kinh doanh vẫn khó khăn. Điều này được thể hiện qua số lượng các DN giải thể gia tăng, chỉ số hàng tồn kho tăng và số lượng công nhân đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh.

Tính đến tháng 7/2012, chỉ số hàng tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21% so với cùng kỳ năm 2011, chỉ số này cùng thời điểm năm 2011 là 16%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 103%; sản xuất các thiết bị bằng kim loại tăng gần 70%, sản xuất từ các sản phẩm bằng plastic tăng hơn 60%, sản xuất linh kiện điện tử tăng hơn 50%...

Thạc sĩ Quyên nhận xét, cùng với vấn đề hàng tồn kho thì yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới các DN trong 6 tháng đầu năm 2012 và những tháng cuối năm vẫn là việc tiếp cận vốn vay.

TS. Trần Du Lịch cho biết, số DN giải thể tăng 7% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm và cần phải có giải pháp ngăn chặn. Về hàng tồn kho, hàng hóa hiện nay đã có những dự báo như nhu cầu xi măng, sắt thép chỉ như vậy là vừa, nhưng DN vẫn lao vào làm. “Tôi cho rằng, về hàng tồn kho nhiều, DN phải trả giá cho dự báo sai của mình”, ông Lịch nói.

Về tín dụng cho nền kinh tế, theo ông Lịch, mặc dù Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã “bơm” nhiều tiền ra thị trường, nhưng tín dụng vẫn không tăng cho đến cuối tháng 7. Dòng tiền tiếp tục “chạy” lòng vòng, vì vậy nền kinh tế vẫn đang thiếu “máu”. Đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới chỉ đạt 1,4%, trong khi kế hoạch năm 2012 là gần 10%.

“Khơi thông vốn cho DN thế nào đây, khi những DN cần vay thì lại dính nợ xấu nên ngân hàng không thể cho vay, còn DN không dính nợ xấu thì lại không muốn vay”, ông Lịch đặt vấn đề.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, hiện nay, nền kinh tế nội địa phụ thuộc rất lớn vào tín dụng. Mặc dù tín dụng sẽ tăng mạnh hơn đầu năm, nhưng nền kinh tế cần phải có thời gian để hấp thụ, nên tín hiệu khởi sắc rõ rệt sẽ xuất hiện vào cuối quý IV/2012.

Trong khi đó, theo dự báo của TS. Lịch, năm 2012, GDP sẽ tăng khoảng 5,3%. Đáy của sự suy giảm đã rơi vào quý I/2012, nền kinh tế đang phục hồi, nhưng rất yếu ớt. Tuy vậy, ông Lịch cho rằng, vẫn phải để thị trường điều tiết dần dần, chứ không thể tiếp tục tăng cung tiền ra thị trường, bởi nguy cơ lạm phát cao vẫn còn. Nếu tổng cầu quay trở lại, lạm phát sẽ bùng phát. Từ nay đến cuối năm, Chính phủ vẫn điều hành chính sách vĩ mô theo Nghị quyết 13, lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm cũng không thể giảm sâu hơn nữa, vì lãi suất huy động khó có thể giảm dưới mức 9%/năm. Tỷ giá tạm ổn định, vấn đề lớn nhất là nguồn thu ngân sách, vì hiện nay có 9 địa phương không thu được theo đúng kế hoạch, trong đó có TP. HCM. Không có thu ngân sách thì không thể chi để kích thích thị trường.

“Năm 2013, nền kinh tế thế giới được dự báo vẫn ‘dập dình’ như năm 2012, tăng trưởng khoảng 3%, vì thế DN xuất nhập khẩu không nên trông chờ có sự tăng trưởng đột biến từ thị trường thế giới, mà phải nghĩ cách tự cứu mình. Kinh tế Việt Nam năm 2013 cũng được dự báo tăng trưởng như năm 2012”, ông Lịch nói.

Ngọc Lan
Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục