Kinh tế 2019 tăng trưởng bao nhiêu là hợp lý?

Việc tất cả 12/12 chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra sẽ tạo đà để kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục bứt tốc. Nhưng xây dựng kế hoạch năm 2019 như thế nào là hợp lý?
Nhà máy sữa Milo của Neslé tại tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Đức Thanh Nhà máy sữa Milo của Neslé tại tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Đức Thanh

Tăng trưởng 6,6 - 6,8%, lạm phát 4% 

Bức tranh kinh tế năm 2019 đã bắt đầu được phác thảo rõ nét hơn, khi trong báo cáo trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, khai mạc sáng nay (22/10) tại Hà Nội, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2019 đã được Chính phủ xác định khá rõ ràng.

Đó là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,6 - 6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 33 - 34%...

Nền tảng kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong năm 2018, cộng thêm xu thế “tích cực là chủ đạo” của kinh tế toàn cầu là lý do chính để Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 ở mức khá lạc quan như vậy. Việc này đã nhận được sự đồng tình của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đơn vị chịu trách nhiệm thẩm tra các báo cáo kinh tế của Chính phủ.

“Về mục tiêu tổng quát, chúng tôi thống nhất với tờ trình của Chính phủ về việc tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói. 

Ông Thanh cũng cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2019.

Năm 2018, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tất cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đều đạt và vượt. Trong đó, đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế có thể đạt và vượt con số 6,7% mà Chính phủ đặt ta. Thậm chí, theo dự báo vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 6,88%. Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 13,34%, thặng dư thương mại 5,1 tỷ USD, còn lạm phát là 3,97%.

“Tăng trưởng kinh tế không suy giảm qua các quý như lo ngại. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản diễn biến tích cực. Quan trọng hơn, Việt Nam bước đầu đã thể hiện được năng lực ứng phó với các diễn biến bất lợi (về tỷ giá, lãi suất…) từ thị trường thế giới”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói.

Đà tăng trưởng của năm 2018 có thể sẽ được tiếp tục duy trì trong năm 2019, nên một số chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% trong năm 2019 là hợp lý. “Mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% là hợp lý để chúng ta có thêm dư địa tập trung hơn cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng”, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh nói.

Lường trước khó khăn 

Dù xu thế của kinh tế năm 2019 là tích cực, nhưng bà Mai Thị Ánh Tuyết, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng, vẫn còn những thách thức trong năm 2019 mà Việt Nam cần chủ động để ứng phó. “Lạm phát là một thách thức. Giá xăng dầu đang có xu hướng tăng cao, dự báo có thể lên tới 100 USD/thùng vào cuối năm nay, nên sẽ ảnh hưởng tới lạm phát của Việt Nam. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các vấn đề liên quan tới nợ công, đặc biệt là tỷ lệ nợ nước ngoài ngắn hạn ở mức cao… cũng là những vấn đề cần xem xét, để tính toán các chính sách tài khóa và tiền tệ cho phù hợp”, bà Tuyết nói.

Mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% là hợp lý để chúng ta có thêm dư địa tập trung hơn cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng.   

Áp lực lạm phát là một trong những nỗi lo của nền kinh tế trong năm 2019. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đặt mục tiêu CPI bình quân khoảng 4% là “tương đối phù hợp” trong điều kiện sức ép về lạm phát gia tăng và Chính phủ vẫn nhất quán với mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng.

“Tuy nhiên, cần lưu ý các biện pháp giảm dần lạm phát thông qua các biện pháp bình ổn giá cả, ổn định lãi suất và điều chỉnh giá dịch vụ công để tiến tới đạt được mục tiêu Quốc hội đã giao tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 là phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức 3% vào năm 2020”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Một chỉ tiêu khác cũng được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội quan tâm là chỉ tiêu về nhập siêu. Trong 3 năm qua, nền kinh tế có xuất siêu, nhưng Chính phủ vẫn chỉ đặt mục tiêu kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 3%. “Cần làm rõ cơ sở của chỉ tiêu nhập siêu này. Bên cạnh đó, cũng cần phân tích rõ những ảnh hưởng của việc Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế tới giá trị xuất nhập khẩu của cả năm, từ đó đánh giá tính khả thi của các chỉ tiêu về tăng trưởng xuất khẩu, nhập siêu”, ông Thanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, cần đánh giá kỹ hơn về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, bởi cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế Việt Nam và hoạt động thương mại. “Cần có đánh giá chính xác về những thuận lợi, thách thức để dự phòng các phương án xử lý”, ông khuyến nghị.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục