Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Cấm hay không cấm đều... có lý!

Nên cấm, không nên cấm, rất nên cấm, rồi lại rất không nên cấm... các quan điểm cứ đan xen “bất phân thắng bại” tại nhiều góp ý nhằm hoàn thiện quy định liên quan đến kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).
Quán Phở Hòa (quận 3, TP.HCM) từng bị nhóm đòi nợ ném chất bẩn nhằm “khủng bố” tinh thần chủ quán để buộc phải trả tiền thay cho người nhà. Quán Phở Hòa (quận 3, TP.HCM) từng bị nhóm đòi nợ ném chất bẩn nhằm “khủng bố” tinh thần chủ quán để buộc phải trả tiền thay cho người nhà.

Như Báo Đầu tư đã thông tin, tuần qua, thay vì tập trung tại Nhà Quốc hội để cùng góp ý, tranh luận trực tiếp về 5 dự thảo luật, trong đó có Luật Đầu tư (sửa đổi), chấp hành các biện pháp phòng, chống Covid-19, các đại biểu Quốc hội chuyên trách nhận tài liệu qua hệ thống thư điện tử và hồi âm cũng theo con đường này.

Tuy hạn chế vì không được tranh luận, nhưng góp ý bằng văn bản có ưu điểm là không bị giới hạn về dung lượng (nếu phát biểu trực tiếp, đại biểu chỉ được phát biểu 7 phút và tranh luận không quá 3 phút), vì thế, các đại biểu có thể nêu cặn kẽ quan điểm cá nhân về vấn đề rất khó này.

Nói rất khó là bởi, kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang được phép hoạt động với số doanh nghiệp đăng ký lên tới hơn 200, khi sửa Luật, Chính phủ đề xuất cấm, cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) không đồng tình, đề nghị quy định chặt hơn để quản lý hiệu quả. Ở Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, hai vòng thảo luận tổ và ở hội trường, số lượng đại biểu đồng tình với đề nghị của Chính phủ không ít, nhưng số nghiêng về quan điểm của cơ quan thẩm tra cũng khá nhiều.

Cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cùng nghiên cứu ý kiến đại biểu. Đến thời điểm hiện tại, cả hai bên đều vẫn kiên trì giữ nguyên quan điểm ban đầu.

Tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 3/2020), đa số ý kiến cho rằng không nên cấm, nhưng cũng có quan điểm cho rằng cần phải cấm, nên đành để cả hai phương án xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách (phương án 1: không cấm, phương án 2: cấm).

Bên cạnh ý kiến của cá nhân đại biểu, một số đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội cũng tổ chức lấy ý kiến và thể hiện quan điểm chung. Một số đoàn, một số đại biểu không thể hiện chính kiến với phương án nào; còn những ai thể hiện, thì góc nhìn có cần cấm dịch vụ đòi nợ hay không vẫn rất khác biệt.

Cần phương thức đòi nợ văn minh hơn

Với các ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ, có hai căn cứ được nhấn mạnh. Một là, hoạt động của các công ty đòi nợ thuê thường mang tính “xã hội đen”, gây nhiều hệ lụy xấu. Hai là, cần hướng đến phương thức đòi nợ văn minh hơn thông qua tòa án, trọng tài kinh tế.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho biết, qua các buổi tiếp xúc cử tri ở địa phương, có rất nhiều ý kiến phản ánh, đa số hoạt động của các công ty đòi nợ thuê thường mang tính đe dọa, khủng bố, không những đối  với “con nợ” mà cả người thân  của họ.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đại biểu Hoàng Văn Hùng nêu lý do cần thiết phải cấm là đóng góp của ngành, nghề này không tương xứng với tác động tiêu cực đối với xã hội cũng như nguồn lực Nhà nước phải bỏ ra để khắc phục và trấn áp, xử lý hậu quả tội phạm.

Đây cũng là thông tin được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) tại phiên họp tháng 3/2020. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong số 217 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, không có đơn vị nào hoạt động lành mạnh, đóng góp của lĩnh vực này với nền kinh tế không đáng bao nhiêu so với những gì phải bỏ ra khắc phục.

Đồng tình với phương án 2 còn có đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, các vị phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Quảng Ngãi, Thái Bình, Đồng Nai, Yên Bái, Cao Bằng; đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội...

Không cấm vì có thể kiểm soát được

Điểm chung của nhiều ý kiến chọn phương án 1 là, nhu cầu đòi nợ thuê là có thật, nên nếu cấm, thì càng khó quản lý dịch vụ này.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước phân tích, kinh doanh dịch vụ đòi nợ được Chính phủ quy định tại Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007. Đến năm 2016, Bộ Tài chính báo cáo kết quả thực hiện có nhận định: đa số doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật, công khai, minh bạch các hoạt động nhận nợ, thu hồi nợ và đã hạn chế bớt các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không đủ tiêu chuẩn, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”…

Như vậy, rõ ràng là, có thể kiểm soát được hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Việc cho phép các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ đòi nợ trước hết là tạo công cụ pháp lý bảo vệ quyền lợi của chủ nợ; thứ hai là, Nhà nước có thể quản lý hoạt động này và có căn cứ xử lý khi có vi phạm xảy ra.

Trên thực tế, xã hội phát sinh nhu cầu đòi nợ thuê, có cầu ắt có cung, nếu luật cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, trong khi nhu cầu xã hội vẫn tồn tại, thì sẽ xuất hiện hoạt động lén lút, khó quản lý.

Theo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ, không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp là chủ nợ dành thời gian tập trung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Đề nghị cân nhắc việc cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, việc kinh doanh này là vấn đề tất yếu của nền kinh tế thị trường, song cần đổi tên “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” thành “hoạt động kinh doanh xử lý nợ” cho phù hợp với các khái niệm tài chính của kinh tế thị trường và yêu cầu quản lý.

Không phủ nhận dịch vụ đòi nợ thuê đang phát sinh nhiều yếu tố tiêu cực, song đại biểu chuyên trách của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, ngành nghề kinh doanh nào cũng có những mặt trái. Ngay cả các ngân hàng, các công ty tài chính là những đơn vị cho vay tiền chuyên nghiệp, thì ngoài việc thành lập các công ty hoặc bộ phận thu hồi nợ, cũng cần đến bên thứ ba để thu hồi nợ.

“Nếu nói phức tạp mà cấm, thì rất nhiều ngành nghề tới đây cũng phải cấm. Quan trọng là, cái gì cuộc sống cần, thì phải để nó phát triển”, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An bày tỏ quan điểm.

Lý do để chọn phương án 1 của một số đại biểu Quốc hội còn vì, không phải bất cứ vụ việc nào cũng đưa ra tòa được, ngay cả các ngân hàng khởi kiện “con nợ” ra tòa có khi cũng mất rất nhiều thời gian.

Bày tỏ thống nhất với phương án 1 còn có các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Lâm Đồng... với quan điểm như nhiều vị đại biểu đã nhấn mạnh là, không nên tư duy theo kiểu không quản được thì cấm.

Liên quan đến con đường khởi kiện ra tòa, một vị luật sư từng tính toán rằng, quá trình từ khi bắt đầu chuẩn bị hồ sơ khởi kiện cho đến khi thi hành án thường mất vài năm, khả năng thu hồi được nợ thấp hơn 30%.

Tính toán này dựa trên số liệu năm 2018, thi hành án dân sự cả nước thu hồi được trung bình 32% giá trị tài sản có khả năng thi hành. Tức là, chỉ tính những trường hợp “con nợ” còn tài sản, không tính những “con nợ” đã tay trắng (nếu tính cả những trường hợp này, thì chắc chắn, con số thấp hơn 32% rất nhiều).

Bởi thế, nhiều chủ nợ đã không chọn con đường giải quyết thông qua tòa án.

Nguyễn Lê
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục