Kiểm toán Nhà nước: Cả nước thừa hơn 57.000 công chức, viên chức

Phát hiện thừa 57.175 người trong biên chế tại các cơ quan năm 2017 nên Kiểm toán Nhà nước kiến nghị siết chặt công tác quản lý.
Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu công viên chức Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu công viên chức

Thông tin trên được Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nêu tại Hội nghị tổng kết năm 2017 sáng 15/1.

Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 257 cuộc kiểm toán tập trung vào các lĩnh vực mới, nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí.

Theo ông Đoàn Xuân Tiên, trong công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện thừa 57.175 người trong biên chế. Do đó, đơn vị này đã có kiến nghị siết chặt công tác quản lý biên chế công chức, viên chức của các cơ quan.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước từng phát hiện tại tỉnh Vĩnh Phúc, 38/45 công chức ở Sở Giáo dục tỉnh là lãnh đạo. Số lãnh đạo tại nhiều phòng giáo dục ở tỉnh này nhiều hơn nhân viên, có phòng toàn bộ công chức là lãnh đạo.

Ngay tại Sở Nội Vụ, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện có phòng ban 12 người nhưng tới 9 công chức là lãnh đạo.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới thu thập trong năm ngoái, Việt Nam ở trong top đầu của nhóm nước ASEAN, với 2 triệu công chức, tức có 4,8% công chức trên dân số (tương đương mức 20 người dân sẽ có một công chức - viên chức hưởng lương), nhỉnh hơn Thái Lan, Nhật Bản và bỏ xa các nước còn lại. Nhưng nếu so sánh với khối nước phương Tây như Anh (9,9%), Mỹ (7,4%), và Đức (7,3%), con số này không phải là quá cao.

Ngoài thông tin về tình hình công chức, năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã phát hành 273 báo cáo kiểm toán với số tiền xử lý tài chính là 43.660 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước 32.609 tỷ đồng. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 96 văn bản pháp luật.

Đơn vị này cũng kiến nghị tăng thêm vốn Nhà nước gần 8.700 tỷ đồng, xác định các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước tăng thêm 504,5 tỷ qua công tác kiểm toán xác định lại giá trị doanh nghiệp Nhà nước trước khi cổ phần hóa tại 6 doanh nghiệp.

Chia sẻ tại hội nghị tổng kết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng, chống lãng phí.

"Kiểm toán đã đi sâu vào đánh giá những vấn đề vĩ mô, bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước đồng thời đánh giá cơ chế chính sách kịp thời hoàn thiện những chỗ trống, thất thoát từ cơ chế chính sách.

Nói cách khác là bịt lỗ hổng để tránh thất thoát lãng phí, phục vụ ngày càng tốt hơn chính sách điều hành tài chính công”, Chủ tịch Quốc hội nói


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục