Kiềm chế lạm phát 2010: Cần ưu tiên chính sách tài khóa

(ĐTCK-online) Nguy cơ tái lạm phát (LP) cao vẫn luôn được cảnh báo trong thời gian gần đây, theo các chuyên gia kinh tế, LP là một trong những mối lo chính của nền kinh tế trong năm 2010. Bởi vậy, việc chủ động kiềm chế LP nên được coi là ưu tiên số một trong nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).

"Phòng ngừa LP cao tái xuất hiện là công việc khó khăn nhất trong năm 2010 nếu muốn ổn định kinh tế vĩ mô", TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định. Theo ông Thiên, có nhiều lý do để đưa ra nhận định này, đó là kết thúc năm 2009, tăng trưởng tín lên tới 38 - 39%; cung tiền cũng ở mức khá cao khi ngân sách chi tới 42-43% GDP cho đầu tư; thâm hụt ngân sách ở mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, lên đến 6,9%. Ngoài ra, theo lộ trình, trong năm 2010 sẽ tăng lương, cộng với tình hình kinh tế thế giới ấm lên sẽ làm giá cả các mặt hàng tăng…

Cùng quan điểm lo ngại LP cao có thể tái xuất hiện, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright làm rõ thêm, nếu nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2009 là 6,88% thì dường như không có cơ sở để lo lắng về nguy cơ tái LP cao tái xuất hiện. Tuy nhiên, nếu nhìn vào động thái chính sách vĩ mô thời gian qua, đồng thời đặt nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới, thì có những lý do chính đáng để lo ngại LP có thể quay trở lại trong năm 2010.

Điểm quan trọng theo ông Anh, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, vì vậy việc giảm giá VND trong tháng 11/2009 cùng với sức ép tiếp tục giảm giá VND trong năm 2010 chắc chắn ảnh hưởng tới mặt bằng giá chung. Hơn nữa, kỳ vọng về LP của thị trường vẫn đang duy trì, thể hiện qua lãi suất trong các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ ở tất cả các kỳ hạn. Nhiều nhà đầu tư tin rằng, LP trong những năm tới sẽ cao trở lại, do đó đòi hỏi mức lãi suất cao tương ứng.

Trên thị trường tín dụng, các ngân hàng thương mại vẫn đứng trước sức ép tăng lãi suất huy động, để vừa chuẩn bị thanh khoản cho nhu cầu tín dụng thời gian tới, vừa đáp ứng yêu cầu của người gửi tiền khi kỳ vọng LP của họ gia tăng.

Theo ông Anh, sự giằng co giữa mục tiêu khống chế CPI 7% và tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2010 có thể dẫn tới một số thay đổi đột ngột trong quỹ đạo chính sách. Khác với 5 - 7 năm trước đây, thực tiễn cho thấy đang có sự đánh đổi khá đắt giữa một bên là bất ổn kinh tế vĩ mô đi liền với tăng trưởng cao và ngược lại. Mỗi khi có bất ổn kinh tế vĩ mô thì cái giá phải trả cho sự tăng trưởng không rẻ. Bởi vậy, việc chủ động kiềm chế LP nên được coi là ưu tiên số một trong nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2010. Để đạt mục tiêu này, theo ông Anh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, nhằm kiềm chế tốc độ tăng trưởng tín dụng và cung tiền. Nếu Chính phủ vẫn muốn duy trì một mức tăng trưởng GDP khả dĩ, thì nên sử dụng chính sách tài khoá.

Thực tế cho thấy, trong một nền kinh tế  có chế độ tỷ giá gần như cố định như Việt Nam, chính sách tài khoá tỏ ra hiệu quả hơn trong giúp tăng trưởng GDP, đồng thời không gây sức ép quá lớn tới mặt bằng giá. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu như ngân sách được sử dụng thực sự hiệu quả, đồng thời hạn chế hiệu ứng chèn lấn đối với khu vực dân doanh. NHNN cũng cần điều chỉnh chính sách chính sách theo hướng giảm tâm lý găm giữ USD, chẳng hạn như thông qua việc duy trì chênh lệch lãi suất USD và vàng so với VND ở mức hợp lý, để khuyến khích người dân giữ VND, thay vì găm giữ USD và vàng.

Việc chủ động kiềm chế LP chỉ mang lại hiệu quả cao khi các biện pháp tiền tệ được thực thi đồng thời với các giải pháp về tài khoá. Theo GS.TS Nguyễn Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. HCM, cần đổi mới chính sách tài khoá theo hướng công khai, loại bỏ yếu tố “xin - cho”, để bảo đảm công bằng trong phân bổ ngân sách. Cùng với thắt thắt chặt hợp lý, nên tăng hiệu quả của chi ngân sách, nhất là chi cho đầu tư công nhằm giảm sức ép đối với CPI và giảm rủi ro khi có những biến động từ bên ngoài. Hạn chế khởi công các dự án lớn, mà thay vào đó tập trung vốn cho hoàn thành các dự án có thể đưa vào sử dụng trong năm 2010 và 2011.

Với lập luận để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2010, đồng thời tạo tiền đề thuận lợi cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong dài hạn, ông Thiên cho rằng, cùng với triển khai các giải pháp cấp bách, cần tái cấu trúc nền kinh tế, mà bản chất là tạo ra hành lang pháp lý để đảm bảo việc phân bổ các nguồn lực đầu tư hiệu quả. Muốn vậy, cần tạo bước đột phá về cổ phần hoá DN nhà nước và tạo ra môi trường kinh doanh tiết kiệm chi phí hơn cho DN. Tuy môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện, nhưng chỉ cần nhìn vào chỉ số ICOR liên tục tăng trong những năm gần đây (năm 2007 là 5,2, năm 2008 là 6,6, năm 2009 lên đến 8), rõ ràng không gian cho cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư còn khá rộng.

Hữu Hòe
Hữu Hòe

Tin cùng chuyên mục