Không điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế vì tình hình biển Đông

(ĐTCK) “Để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do chịu tác động bất lợi từ vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp...”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2014, diễn ra chiều 29/5.
Hoạt động sản xuất - kinh doanh 5 tháng qua vẫn có thêm nhiều điểm sáng Hoạt động sản xuất - kinh doanh 5 tháng qua vẫn có thêm nhiều điểm sáng

Kinh tế vẫn chuyển biển tích cực

“Tình hình kinh tế 5 tháng đầu năm nay tiếp tục chuyển biến tích cực, nhưng đang đối mặt với một số khó khăn, trong đó có nguyên nhân do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không để những khó khăn này ảnh hưởng đến mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2014...”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Với định hướng điều hành trên, trả lời câu hỏi của báo giới về việc Chính phủ có tính đến điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế năm nay, ông Nên cho hay, đến nay các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam đang được triển khai hiệu quả, nhất là các giải pháp hỗ trợ DN phục hồi sản xuất - kinh doanh, nên Chính phủ không có chủ trương điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế trong năm nay.

Để hoàn thành nhiệm vụ ổn định, phát triển kinh tế trong 7 tháng còn lại của năm, Chính phủ đang tập trung các giải pháp nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tăng tổng cầu của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh... Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN theo kế hoạch.

Trả lời câu hỏi của ĐTCK rằng, tiến độ cổ phần hóa sau khi được “làm nóng” trong quý I/2014, dường như đang chững lại, ông Nên khẳng định, đây là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 này. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng hỏi các Bộ trưởng: Giao thông-Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn..., thì các Bộ trưởng đều trả lời tiến độ cổ phần hóa đang diễn ra theo đúng lộ trình, chứ không có chuyện chậm trễ. Bởi vậy, sẽ đảm bảo hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa DNNN đề ra cho năm nay.

Người phát ngôn của Chính phủ cho biết thêm, từ nay đến cuối năm, ngoài yêu cầu kiểm soát tốt các thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán, Thủ tướng Chính phủ còn chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực...

Gỡ khó cho DN

Theo đánh giá của Chính phủ, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam đã có tác động tiêu cực đến hoạt động của các DN.

“Nếu không có sự việc trên, tình hình kinh tế vĩ mô, cũng như hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các DN trong 5 tháng qua đã đạt thêm những kết quả khả quan hơn...”, ông Nên nói và cho biết, sau nỗ lực chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các địa phương, đến nay các DN chịu thiệt hại trực tiếp do các hành vi đập phá, trộm cắp tài sản đã phục hồi sản xuất - kinh doanh. Việt Nam cam kết không để tái phạm các sự việc như vừa qua, để đảm bảo cho các DN yên tâm làm ăn, kinh doanh. Điều này đã nhận được sự đánh giá, ủng hộ của cộng đồng DN đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

“Đáp lại sự chân thành của phía Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài không chỉ khẳng định tiếp tục làm ăn lâu dài tại Việt Nam, mà còn sẽ mở rộng quy mô hoạt động, tăng vốn đầu tư trong thời gian tới...”, ông Nên cho hay.

Liên quan đến số lượng DN giải thể, phá sản vẫn còn lớn, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, đây là vấn đề Chính phủ đang rất quan tâm và tìm giải pháp xử lý. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, qua đó, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh thông qua các giải pháp cụ thể, thiết thực. Trong đó, trọng tâm là các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Huy động mọi nguồn lực và khuyến khích đầu tư xã hội. Dồn sức xử lý nợ xấu, khơi thông và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh. Mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, để hỗ trợ DN khơi thông đầu ra...

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục