Khoảng trống thoái vốn nhà nước

(ĐTCK) Theo quy định hiện hành, nếu thoái vốn Nhà nước có giá trị trên 10 tỷ đồng phải đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp không tuân thủ quy định này và họ biện dẫn nhiều quy định cho rằng mình đã làm đúng. 
Khoảng trống thoái vốn nhà nước

Nhìn chung, các văn bản pháp luật liên quan đến thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đều yêu cầu việc thoái vốn phải đảm bảo nguyên tắc theo đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp; đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch và việc chuyển nhượng vốn liên quan đến quyền sử dụng đất phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

Phương thức thực hiện thoái vốn cũng được quy định, cụ thể, việc thoái vốn tại các công ty đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM, việc chuyển nhượng cổ phiếu thực hiện theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Đối với công ty chưa niêm yết, thực hiện theo thứ tự đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, bán thỏa thuận.

Cụ thể, Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP quy định, đấu giá công khai có thể thực hiện theo 2 phương thức: đấu giá thông thường và đấu giá theo lô.

Nếu giá trị chuyển nhượng từ 10 tỷ đồng trở lên phải thực hiện tại các sở giao dịch chứng khoán.

Còn với khoản thoái vốn có giá trị dưới 10 tỷ đồng, doanh nghiệp có thể lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp hoặc thực hiện đấu giá tại sở giao dịch chứng khoán.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số doanh nghiệp thực hiện thoái vốn với giá trị trên 10 tỷ đồng không thực hiện qua sở giao dịch chứng khoán, mà đấu giá tại các công ty chứng khoán.

Việc này dẫn đến phản ứng của dư luận. Bởi nếu đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán, phạm vi tổ chức rộng hơn, khả năng thu hút nhà đầu tư sẽ tốt hơn.

Thông thường, khi đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán, có nhiều công ty chứng khoán tham gia làm đại lý, địa điểm đấu giá sẽ đa dạng hơn, trải dài trên nhiều địa phương, nhà đầu tư tham gia cũng thuận lợi hơn.

Thành phần nhân sự tham gia hội đồng đấu giá cũng nhiều hơn, đảm bảo việc đấu giá đạt kết quả tốt nhất có thể. Còn nếu đấu giá qua công ty chứng khoán, địa điểm đấu giá thường bị hạn chế ở một, hai điểm.

Dẫu vậy, đương sự trong các trường hợp trên biện luận rằng, họ không phải là đối tượng áp dụng Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP nên họ không cần phải thực hiện đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán.

Theo đó, Nghị định 91/2015/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm các công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Tức là các công ty đã cổ phần hóa và còn vốn nhà nước không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 91.

Ngoài ra, cũng không có văn bản nào quy định nào về việc thoái vốn Nhà nước ở các công ty con, công ty cháu như vậy.

Doanh nghiệp chỉ cần thực hiện đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan, có thể đấu giá, bán thỏa thuận hay bằng phương thức khác tùy quyết định của hội đồng quản trị hoặc đại hội đồng cổ đông.

Chia sẻ từ một doanh nghiệp trong ngành dệt may lại cho thấy có những khó xử khác, khiến việc thoái vốn không được thực hiện qua sở giao dịch chứng khoán.

Theo đó, doanh nghiệp này là công ty con của một công ty đã cổ phần hóa. Khi công ty mẹ cần thoái vốn tại một công ty con, người đại diện vốn đã có văn bản xin ý kiến đơn vị chủ quản, nhưng câu trả lời nhận được thường chung chung: thoái vốn phải đảm bảo đúng quy định pháp luật, công khai minh bạch!

Việc này làm khó cho lãnh đạo công ty mẹ, bởi họ rất sợ nếu có sai sót thì phải chịu trách nhiệm. Cuối cùng, họ được tư vấn tiến hành đấu giá qua công ty chứng khoán.

Có thể thấy, để đảm bảo việc thoái vốn nhà nước công khai, minh bạch, tránh thất thoát cũng như tránh chậm trễ vì e ngại trách nhiệm, cần có quy định rõ ràng về trường hợp thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp Nhà nước không sở hữu 100% vốn.

Được biết, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2018, có 855 doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại 855 doanh nghiệp là 1,53 triệu tỷ đồng; trong đó, doanh nghiệp nhà nước là 1,36 triệu tỷ đồng và doanh nghiệp có vốn nhà nước là 164.134 tỷ đồng.

Về thoái vốn, trong năm 2019, có 13/135 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020,  thực hiện thoái vốn với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục