Hàng loạt doanh nghiệp chè sắp phá sản

Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, nạn “chè bẩn” (trộn các tạp chất như tinh bột hồ hóa, bùn đất… vào chế biến chè) ở nhiều cơ sở chè quy mô nhỏ tại một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc đã được dẹp bỏ. Tuy nhiên, nhiều lo ngại về cây chè vẫn đang khiến các DN đau đầu. DĐDN có cuộc trao đổi cùng ông Đoàn Anh Tuân - Chủ tịch Hiệp hội Chè xung quanh vấn đề này.
Hàng loạt doanh nghiệp chè sắp phá sản

Hàng loạt doanh nghiệp chè sắp phá sản ảnh 1

Ông Tuân cho biết, do các địa phương đã vào cuộc quyết liệt nên đến bây giờ cơ bản tình trạng làm “chè bẩn” đã chấm dứt, bà con cũng hiểu việc làm đó chỉ là cái lợi nhỏ trước mắt nhưng sẽ ảnh hưởng đến lâu dài. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta yên tâm vì chè mà đại đa số người dân đang uống cũng chưa sạch.

 

- Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

 

Hiện tại đang có hai phương pháp sản xuất, một là các nhà máy chế biến, hai là các hộ nông dân tự sản xuất. Đại đa số chúng ta đang dùng chè là do các hộ nông dân chế biến bằng phương pháp thủ công rồi đem đi tiêu thụ. Sản phẩm của họ không có nguồn gốc, xuất xứ, hạn dùng và dĩ nhiên không có kiểm định.

 

Nếu anh đến Thái nguyên, chủ nhà mời chè, anh thử hỏi chè này có phun thuốc sâu không? Tôi tin anh sẽ nhận được câu trả lời: Chè này trồng riêng chỉ để gia đình uống!

 

- Nhưng chúng ta không thể cấm các hộ dân bán chè như vậy, thưa ông ?

 

Tôi đã đi mấy chục nước trên thế giới, không ở đâu người dân được tự do sản xuất và tiêu thụ chè như ở VN. Với những “lạng” chè không nhãn mác, xuất xứ... bán tràn lan trên thị trường, ai có thể biết dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có vượt mức cho phép không, hàm lượng tạp chất thế nào. Rồi họ sản xuất có đảm bảo vệ sinh không, chả ai quan tâm. Đã đến lúc chúng ta buộc các hộ sản xuất vào một tổ chức, hoặc HTX để sản phẩm chè của họ có thương hiệu và chịu sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng thì mới hy vọng bớt đi phần nào chè chưa sạch này.

 

- Vậy tại đợt “chè bẩn” vừa qua, không có thành viên nào của Hiệp hội vi phạm?

 

Những người làm “chè bẩn” vừa qua được phát hiện lại không phải là hội viên Hiệp hội Chè. Trong hội viên Hiệp hội Chè hiện chỉ có 1 DN là thành viên mới tham gia Hiệp hội mấy tháng là Cty Hữu Hảo của Yên Bái có tham gia để tiêu thụ chè đó cho tư nhân Trung Quốc. Còn lại, hoạt động này chủ yếu xảy ra tại các hộ nông dân riêng lẻ.

 

- Có ý kiến cho rằng cơn lốc “chè bẩn” vừa qua là do giá chè tươi các DN của ta thấp nên bà con mới tìm cách “tận thu” bán cho các tư thương xuất sang bên Trung Quốc?

 

Tôi khẳng định ngay, giá chè tươi của ta hiện nay không thấp. Trừ Thái Nguyên giá khoảng 20.000 đồng/kg, còn lại các vùng khác giá thu mua khoảng 3.500- 5.000 đồng/kg. Giá xuất khẩu của ta bình quân khoảng 1 USD/ kg chè khô, so với Ấn Độ là 1,5 USD nhưng chất lượng chè của họ tốt hơn của ta rất nhiều. Điều này để nói là giá DN thu mua chè nguyên liệu của các DN đã  tiệm cận giá thế giới. Chính vì vậy, DN rất khó khăn, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế như thời gian qua. Nhưng nhiều người lại cứ nghĩ DN chè lãi nhiều.

 

Tôi đảm bảo trong năm nay, nhiều DN chè phá sản, không thể có lãi. Như vậy, không ai có lợi.

 

- Như ông nói, nếu không có lợi, thì tại sao DN lại lao vào đầu tư chè?

 

Hiện chúng ta có tới hơn 600 Cty sản xuất chè. Công suất các nhà máy gấp 3 lần vùng nguyên liệu. Công bằng mà nói mấy năm trước đầu tư vào chè cũng kiếm được nên ai cũng nhao vào, giờ thì có chạy cũng không được.

 

- Điều đó có nghĩa tình trạng tranh mua nguyên liệu sẽ còn tiếp tục khốc liệt và sẽ có nhiều nhà máy phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu?

 

Hiện tại diện tích chè mà các  hộ nông dân trồng khoảng 80.000 ha, chỉ có 20.000 ha do các DN đầu tư. Việc tranh mua nguyên liệu là không tránh khỏi và tôi cũng nói luôn chỉ trong thời gian ngắn thôi sẽ có hàng loạt DN chè phá sản.

 

- Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Chè, ông đã “nhìn thấy” điều này lâu chưa?

 

Tôi nhận biết từ lâu rồi, góp ý nhiều rồi nhưng không thể “ngăn” họ đầu tư được.

 

- Theo ông, vấn đề là vai trò quản lý nhà nước ở đây như thế nào?

 

Về nguyên tắc thì Nhà nước phải điều tiết nhưng vai trò điều tiết thể hiện bằng chính sách. Để xảy ra tranh mua tranh bán, thứ nhất là quan hệ giữa nông dân và nhà máy rất lỏng lẻo, cả 2 không gắn bó và tin tưởng lẫn nhau. Khi khó khăn, nhiều DN ép giá nông dân. Và ngược lại, khi có điều kiện nông dân ép lại DN, hái kém, không mua thì bán cho người khác. Buộc các DN phải đua nhau. Nhiều DN cho đến thời điểm này càng sản xuất càng lỗ nhưng vẫn phải mua. Bảo lỗi của dân hay DN thì cả hai.

 

- Vậy tại sao DN không đầu tư cho nông dân như nhiều ngành khác?

 

Rất nhiều người trách tại sao DN không đầu tư cho nông dân, quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật để tạo sự gắn bó với nông dân, nếu ở vị trí DN thì mới hiểu.

 

Hiện nay Nhà nước khuyến khích rất nhiều DN đầu tư vào các địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, nhưng trên một địa bàn lượng nhà máy lại vượt quá khả năng cung ứng những 3 lần thì không DN nào muốn đầu tư. Vì có đầu tư thì “người” khác nẫng mất. Vì vậy, DN không đầu tư mà chỉ nâng chút giá lên, người nông dân có lợi chút là họ bán ngay.

 

Hàng loạt doanh nghiệp chè sắp phá sản ảnh 2

Sản xuất chè bẩn sẽ khó tái diễn, đặc biệt sau Công văn ngày 6/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý chất lượng, ATTP đối với sản phẩm chè

 

Ví dụ, riêng huyện Văn Chấn - Yên Bái, 10 năm trước chỉ có một nhà máy chè, giờ có tới 60 nhà máy, nguyên liệu ở đâu cho đủ được? Nhưng địa phương vẫn được cấp phép bởi càng có nhiều nhà máy, địa phương sẽ thu được thuế, bà con sẽ có lựa chọn nơi nào mua giá cao  thì bán.

 

Đây cũng là hậu quả của thời gian trước, Nhà nước cho vay vốn dễ dãi, DN cũng từng có lãi... nên mới dẫn đến khó khăn như thế này.

 

- Vậy nên giải quyết vấn đề này như thế nào?

 

Để ngành chè phát triển lành mạnh, cần rất nhiều biện pháp. Trong đó, quan trọng nhất là quy hoạch vùng nguyên liệu, quản lý sản xuất chất lượng cao, giúp đỡ DN hợp tác, hội nhập, hỗ trợ DN lúc “trái nắng dở trời”...

 

- Vậy Công văn ngày 6/9 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý chất lượng, ATTP đối với sản phẩm chè ra đời trong hoàn cảnh này giúp gì cho ngành chè ?

 

Văn bản này có thể coi là con đường sống giúp các DN chè hiện nay. Nếu Bộ NN&PTNT thực hiện được đúng như yêu cầu của nội dung công văn thì tương lai của ngành chè sẽ phát triển bền vững.

 

- Với riêng DNNVV sản xuất chè đang khó khăn, thậm chí sắp tới sẽ phá sản như ông vừa nói?

 

Cơ sự này chắc chắn nhiều DN bị đào thải, buộc các DN phải tìm cách cho riêng mình, như chuyển dần từ sản xuất thô sang tinh, quan tâm đến thương hiệu.

 

- Vậy, theo ông ngoài số DN có nguy cơ phá sản, có bao nhiêu DN là “vững” trong hoàn cảnh hiện nay?

 

Thực tế, ngành chè có 2 loại DN: DN đầu tư vào vùng nguyên liệu, đây là những DN phát triển rất ổn (khoảng 20 DN), chủ yếu DN cổ phần. Còn lại thì những DN không có vùng nguyên liệu, bấp bênh

 

- Quy hoạch chè đến năm 2020 sẽ như thế nào?

 

Sẽ nâng cao chất lượng chứ không tăng số lượng. Sẽ rất khó khăn đấy. Để có bức tranh “xanh tươi”, nhiều DN sẽ phải “trả giá”, dù đau xót nhưng nếu cứ thế này mãi thì chả bao giờ ngành chè VN vươn xa được.

 

- Xin cảm ơn ông!


DDDN

Tin cùng chuyên mục