Hàng chục tỷ USD đầu tư vào ngành điện xếp hàng chờ giấy chứng nhận đầu tư

Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các dự án BOT ngành điện ở Việt Nam. Tuy nhiên, tiến độ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án này đang khiến dư luận không khỏi sốt ruột.
Với nhu cầu tăng cao, ngành điện đang có sức hút rất lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Đ.T Với nhu cầu tăng cao, ngành điện đang có sức hút rất lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Đ.T

UBND tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư Hàn Quốc Posco Energy vừa ký kết bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác nghiên cứu đầu tư xây dựng một nhà máy điện có công suất 1.200 MW tại tỉnh Quảng Ninh. Dự án này dự kiến được đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), với quy mô 1.200 MW, vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.

Đánh giá cao thiện chí của nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, tỉnh sẽ hợp tác với Posco Energy để thực hiện nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy và tạo điều kiện tối đa để nhà đầu tư nghiên cứu, thực hiện dự án tại Quảng Ninh.

Cũng với quy mô tương tự, một dự án nhiệt điện khác ở Quảng Ninh đã nhận được sự cam kết đầu tư của Tập đoàn AES (Mỹ), tập đoàn đang đầu tư Dự án BOT Nhiệt điện Mông Dương II. MOU về việc nghiên cứu đầu tư dự án này cũng đã được UBND tỉnh Quảng Ninh và AES ký kết vào trung tuần tháng 9/2014.

Vào đúng ngày hôm đó, còn có một MOU khác nữa được ký kết giữa UBND tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Texhong (Hồng Kông), để nghiên cứu đầu tư Dự án Nhiệt điện Hải Hà, công suất 2.000 MW, vốn đầu tư dự kiến khoảng 2 tỷ USD.

Không chỉ ở Quảng Ninh, mà tại nhiều địa phương khác, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã liên tục đến tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án BOT ngành điện. Cuối tháng 10/2014, tổ hợp nhà đầu tư Công ty Keangnam Enterprise Ltd (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần Đầu tư - Công nghiệp - Xây dựng Hà Nội (Hanoinco) cũng đã tới Khánh Hòa đề xuất việc đầu tư Nhà máy Nhiệt điện đốt than Vân Phong II. Dự án dự kiến được xây dựng trên diện tích 250 ha ở Khu kinh tế Vân Phong, với công suất 1.320 MW và cũng theo hình thức BOT. Kế hoạch được đặt ra, nhà máy sẽ khởi công vào năm 2017 và sẽ được đưa vào vận hành trước năm 2020.

Không đề cập cụ thể vốn đầu tư, nhưng nhìn vào quy mô nhà máy, có thể ước tính, khoản vốn đầu tư cho dự án này sẽ không dưới 2 tỷ USD, tương tự những dự án BOT ngành điện khác mà các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đề xuất tại Việt Nam.

Ngoài những dự án trên, có thể nhắc đến Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 3 (Hà Tĩnh), mà Samsung C&T vừa ký MOU với Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) về việc phát triển dự án. Với quy mô 1.200 MW, dự án này dự kiến đưa vào vận hành tổ máy số 1 vào tháng 1/2022 và vận hành cả nhà máy vào tháng 7/2022. Hay Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 2 (Nghệ An), quy mô 2.400 MW, mà Công ty TNHH Xây dựng và Kỹ thuật Lotte Việt Nam (Hàn Quốc) vừa bày tỏ mối quan tâm.

Chưa kể, Dự án Nhiệt điện Quảng Trị mà EGATI (Thái Lan) đang chuẩn bị đầu tư, vốn dự kiến 2,26 tỷ USD; hay Nhiệt điện Sông Hậu 2 của Toyo-Ink (Malaysia), Nghi Sơn 2 của Marubeni (Nhật Bản) và KEPCO (Hàn Quốc), vốn đầu tư 2,3 tỷ USD; Nhiệt điện Vân Phong 1, vốn đầu tư 2 tỷ USD, của Sumitomo; Nhiệt điện Quảng Ngãi của Sembcorp; rồi Nhiệt điện Sóc Trăng của Tata Power…

Hàng loạt dự án BOT ngành điện xếp hàng dài và điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn của ngành điện Việt Nam. Tuy nhiên, dù “đội hình” rất hùng hậu, song thực tế, chưa nhiều dự án BOT ngành điện được đưa vào triển khai.

Thời gian gần đây, hai dự án được nhắc đến nhiều nhất là Nhiệt điện Mông Dương II và Nhiệt điện Hải Dương, đang trong quá trình triển khai. Trong khi đó, hầu hết các dự án còn lại đều đang trong giai đoạn… nằm chờ cấp chứng nhận đầu tư, mà vướng mắc, khó khăn lớn nhất được cho là liên quan đến đàm phán hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện và cả vấn đề bảo lãnh ngoại tệ.

Thời gian xem xét và cấp chứng nhận đầu tư quá lâu đã được các nhà đầu tư nước ngoài nhiều lần than phiền lên các cơ quan chức năng Việt Nam. “Thời gian đàm phán và chuẩn bị một dự án có khi phải kéo dài tới 3 - 5 năm”, một nhà đầu tư nói.

Trên thực tế, có những dự án, thời gian chuẩn bị và đàm phán còn kéo dài hơn rất nhiều. Chẳng hạn, Nhiệt điện Vân Phong 1 chính thức được đề xuất từ năm 2006. Nếu tính từ đó tới nay, thời gian đã là 8 năm. Mặc dù, Sumitomo khi tới làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa luôn khẳng định muốn đẩy nhanh tiến độ và công bố, sẽ khởi công Dự án vào cuối năm 2015, song đến nay, chưa có thông tin liên quan đến những tiến triển của dự án này.

Kế hoạch khởi công vào cuối năm 2015 trên thực tế đã được Sumitomo đưa ra từ giữa năm ngoái, với dự kiến đẩy nhanh tiến độ đàm phán hợp đồng BOT với Bộ Công thương và hàng loạt thủ tục khác, như cấp giấy chứng nhận đầu tư, thành lập công ty BOT, hoàn thành nghĩa vụ tài chính… Mong muốn của Sumitomo là có thể ký hợp đồng BOT trong quý I/2014, hoàn thành thủ tục đầu tư và nhận chứng nhận đầu tư trong tháng 7/2014, nhưng điều này đã không thực hiện được.

Tương tự, với Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 2, vốn đầu tư dự kiến 3,5 tỷ USD, vào thời điểm ký MOU với Bộ Công thương (tháng 8/2013), ông Steven K.C.Song, Tổng giám đốc Toyo Ink Group Berhad cũng đã bày tỏ kỳ vọng, sang năm 2014 có thể đàm phán hợp đồng BOT, nhưng xem ra, mọi việc không như dự kiến.

Trong khi đó, với Dự án Nhiệt điện Quảng Trị, trong một cuộc gặp vào tuần trước với nhà đầu tư EGATI, ông Nguyễn Đức Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã hối thúc EGATI đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị Dự án, để dự án này có thể thực hiện đúng tiến độ. Theo đó, dự kiến năm 2016 sẽ nhận giấy chứng nhận đầu tư, đến đầu năm 2018 xây dựng nhà máy, vận hành tổ máy đầu tiên vào năm 2021, vận hành tổ máy thứ 2 vào cuối năm 2021.

Nguyên Đức
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục