Hà Nội khởi động làm sạch sông Tô Lịch và hồ Tây bằng công nghệ nano

ác thiết bị sử dụng công nghệ của Nhật Bản được đặt thí điểm dưới lòng sông Tô Lịch và hồ Tây, được kỳ vọng xử lý triệt để tình trạng cá chết, làm sạch sông, hồ.
Thiết bị công nghệ Nano của Nhật Bản được đặt thử nghiệm ở một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây. Ảnh: Mỹ Hà. Thiết bị công nghệ Nano của Nhật Bản được đặt thử nghiệm ở một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây. Ảnh: Mỹ Hà.

Ngày 16/5, Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) khởi công dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây (Hà Nội) bằng công nghệ Nano của Nhật Bản. Dự án có tên "Nhà máy xử lý nước thải đặt dưới lòng sông, hồ" được kỳ vọng sẽ xử lý triệt để tình trạng cá chết và làm sạch sông, hồ tại Việt Nam.

Theo tiến sĩ Takeba Akira (cố vấn tổ chức xúc tiến thương mại, môi trường Nhật Bản), sông Tô Lịch có 2 vấn đề lớn là mùi hôi và lòng sông có các lớp bùn dày. Công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản sẽ phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học. Đây là công nghệ xử lý căn cơ, tận gốc nguồn gây ô nhiễm tạo ra mùi hôi thối của sông.

Tại lễ khởi công, công nhân môi trường đã đặt các thiết bị thử nghiệm xuống lòng sông Tô Lịch (đoạn ngã ba Bưởi - Hoàng Quốc Việt) và một góc hồ Tây. Thiết bị này sẽ chìm trong nước và hứa hẹn sau 3 ngày sẽ giảm thiểu mùi hôi, làm sạch nước sông.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE, cho biết hệ thống có công suất lên tới 1.350.000 m3/ngày đêm. Trong khi sông Tô Lịch chỉ có 150.000 m3/ngày đêm xả thải, bằng 1/10 công suất của hệ thống. Do đó, toàn bộ nước thải sẽ được xử lý trong ngày và không còn ô nhiễm nữa.

Theo các chuyên gia Nhật Bản, công nghệ Nano-Bioreactor là sự kết hợp giữa vật liệu xử lý nước thiên nhiên và máy sục khí công nghệ Nhật. Đối với vật liệu Bioreactor sẽ kích hoạt những vi sinh vật có lợi sẵn trong môi trường cần xử lý, tự phân hủy các chất gây ô nhiễm và chất độc hại. Điều này giúp các vi sinh vật có lợi phát triển, tăng khả năng làm sạch tự nhiên.

Các chuyên gia tin rằng công nghệ này sẽ có hiệu quả ngay lập tức khi giảm thiểu mùi hôi thối sau ba ngày. Sau 2 tháng, các chất thải và bùn dưới sông sẽ phân hủy.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trung bình mỗi ngày đêm, sông Tô Lịch tiếp nhận khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp, khiến mức độ ô nhiễm của sông càng thêm trầm trọng.

Ngày 11/4, trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Tadashi Yamamura đã đề xuất tài trợ Việt Nam trong xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch và Hồ Tây bằng công nghệ mới của Nhật.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đề xuất của phía Nhật Bản và nhấn mạnh Việt Nam đặc biệt quan tâm đến môi trường, coi đây là vấn đề lớn trong quá trình phát triển đất nước. Ông bày tỏ tin tưởng với kinh nghiệm, phía Nhật Bản sẽ thành công trong xử lý nước thải ở Hà Nội.

Ngày 26/4, UBND TP Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị liên quan đã có buổi làm việc với chuyên gia Nhật Bản và JVE để họp bàn thí điểm xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây.


Theo Zing

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục