GS. Nguyễn Mại nói về doanh nghiệp tư nhân - kỳ 1

(ĐTCK) Với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp (năm 2000), khu vực doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nướcđã có bước phát triển ngoạn mục, chiếm 1/3 sản lượng công nghiệp, 85% lực lượng lao động của cả nước. Để phát huy tiềm lực to lớn đó,rất cần có sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực cho từng nhóm đối tượng DN này.  

Kỳ I: Doanh nghiệp ngoài nhà nước - cứu cánh của nền kinh tế            

I

Trong lịch sử kinh tế Việt Nam có những dấu ấn đáng ghi nhớ. Luật Doanh nghiệp năm 2000 gắn với hai sự kiện:

(1) Cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực bắt đầu từ tháng 7/1997 đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 33 - 35%/năm trong giai đoạn 1994 - 1996, đạt 26,8% năm 1997, giảm đột ngột xuống 1,9% năm 1998, năm 2001 đạt 3,8% và 2002 là 11,2%. Vốn FDI đăng ký sau khi đạt đỉnh vào năm 1996 là 10,16 tỷ USD đã giảm liên tục, nhiều năm chỉ khoảng 3 tỷ USD, năm 2006 mới đạt 12,0 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện liên tục tăng từ 1991 đến 1997, đạt mức cao nhất là 3,2 tỷ USD, sau đó giảm xuống dưới 3 tỷ USD, năm 2005 mới đạt 3,3 tỷ USD.

(2) Luật Thuế giá trị gia tăng đã gây thêm khó khăn cho các DN trong khi phải chống đỡ tác động tiêu cực từ bên ngoài, mặc dù Chính phủ đã liên tục điều chỉnh, sửa đổi, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Trong bối cảnh đó, Luật Doanh nghiệp với phương châm “DN và người dân được kinh doanh những ngành nghề, lĩnh vực mà pháp luật không cấm” là cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ đã thành lập Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng giúp Thủ tướng Chính phủ điều hành Luật Doanh nghiệp.

Hai nhân tố cộng hưởng là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp với những quy định khá thuận lợi đối với việc thành lập và hoạt động của DN tư nhân, cộng thêm việc điều hành của Chính phủ thông qua hoạt động của Tổ công tác đã kịp thời tiếp nhận thông tin phản hồi từ các địa phương và DN. Tổ trực tiếp đưa ra giải pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ kèm theo phương án giải quyết các vấn đề phát sinh.

Do vậy, một trào lưu mới xuất hiện: tại khắp các địa phương trong cả nước, hàng chục vạn DN mới thành lập, huy động nguồn vốn to lớn trong dân cư, khơi dậy ý tưởng mới, sáng kiến kinh doanh của người dân. Số lượng DN ngoài nhà nước hoạt động tại thời điểm 31/12 hàng năm tăng từ 35.014 năm 2000 lên 105.169 năm 2005 và 290.767 năm 2010, gấp 8,3 lần năm 2000. Giá trị sản xuất công nghiệp của kinh tế ngoài nhà nước (tính theo giá thực tế) tăng từ 82,499 triệu tỷ đồng năm 2000 lên 308,853 triệu tỷ đồng năm 2005 (gấp 3,4 lần), với tỷ trọng trong giá trị sản lượng công nghiệp tăng từ 24,5% năm 2000 lên 31,2% năm 2005. Đó là tốc độ tăng rất ấn tượng. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước là nơi làm việc của trên 85% lực lượng lao động của nước ta. Điều đó cắt nghĩa vì sao trong khi xuất khẩu và FDI sụt giảm, mà tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sau khi đã đạt đỉnh vào năm 1995 là 9,34%, 1996 còn 8,15% chỉ sụt giảm cho đến năm 2001 là 6,89%, từ 2002 tăng lên 7,08% và đến 2005 đạt 8,44%.

Căn cứ Nghị định 56/2009/NĐ-CP, theo tiêu chí về lao động, thì 95% là DN nhỏ, 5% là DN vừa và lớn; theo tiêu chí về vốn, thì 79,2% DN nhỏ, 14,2% DN vừa và 6,6% là DN lớn. Nước ta đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực lớn như Vingroup, Hoàng Anh - Gia Lai, Hòa Phát, Tôn Hoa Sen, TH true Milk… hoạt động trong nhiều ngành kinh tế, đóng vai trò ngày càng lớn đối với tăng trưởng; một số tập đoàn đã vươn ra đầu tư ở nước ngoài.

II

Hiện nay, động lực tăng trưởng DN tư nhân, nhất là DN nhỏ và vừa, đang vận hành không tốt. Trong 3 năm qua (2011 – 2013), số lượng DN mới thành lập sau khi đạt mức cao nhất năm 2010 với 89.187 DN, năm 2011 giảm xuống 77.546 DN, năm 2012 là 69.874 DN, năm 2013 ước tính 76.950 DN, tăng 10,1% so với năm 2012. Tổng vốn đăng ký năm 2013 ước tính 398.700 tỷ đồng, giảm 14,7% so với năm 2012, với số vốn bình quân của một DN khoảng 4,83 tỷ đồng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số DN ngừng hoạt động và giải thể có xu hướng gia tăng, năm 2013 là 60.737 DN (tăng 11,9% so với năm trước đó), trong đó có 9.818 DN đã giải thể (tăng 4,9%), 10.803 DN ngừng hoạt động có đăng ký (tăng 35,7%), 40.116 DN ngừng hoạt động không đăng ký (tăng 8,6%).

Một trong những chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của DN là nộp thuế thu nhập DN. Năm 2012, các DN ngoài quốc doanh nộp 28.261 ngàn tỷ đồng, thì 9 tháng của năm 2013 nộp 22.143 ngàn tỷ đồng, chỉ đạt 60,1% dự toán thu của Bộ Tài chính.

Kết quả cuộc điều tra về năng lực cạnh tranh của hơn 8.000 DN do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổng cục Thống kê, Trường đại học Copenhagen và Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch thực hiện được công bố ngày 20/11/2013 (đánh giá theo thang điểm từ 0 đến 10) cho thấy, các DN đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó vốn chiếm vị trí số 1 (6,1 điểm), tiếp theo là thiết bị (5,7 điểm), lao động có kỹ năng (5,5 điểm), hạ tầng giao thông (4,1 điểm), hạ tầng thông tin (3,5 điểm). Về đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), trong số hơn 8.000 DN chỉ có 826 DN (hơn 10%) cho biết có tiến hành, nhưng phần lớn (55%) để ứng dụng công nghệ thích ứng với thị trường, chứ không phải nghiên cứu công nghệ mới so với thế giới. Những tư liệu của cuộc điều tra này đã bộc lộ nhược điểm lớn về vốn, máy móc, thiết bị, công nghệ và R&D của DN tư nhân.

Vấn đề thương hiệu của các sản phẩm Việt Nam trên thế giới cũng là nhược điểm của DN cần được khắc phục. Tại “Diễn đàn thương hiệu Việt Nam năm 2013”, ông Nguyễn Trung Thắng, Chủ tịch HĐQT MASSO Group cho biết: “Hơn 10 năm trước, hàng may mặc Việt Nam đã có những thương hiệu được đánh giá là có triển vọng, khả năng cạnh tranh tốt dựa vào tiềm lực và kỹ thuật, như Legafashion, Mốt, Việt Tiến, Việt Thắng, Ninomaxx, Nhà Bè… Tuy nhiên, đến nay, có thương hiệu vẫn giữ được thị trường, nhưng cũng có một số thương hiệu chỉ tồn tại cái tên”.

Việc hình thành mối liên kết theo chiều dọc (chuỗi giá trị sản phẩm) và theo chiều ngang (giữa các DN sản xuất trong cùng ngành hàng) là nhân tố quan trọng để tạo ra hiệu quả kinh tế lớn hơn cho mỗi DN và nâng cao năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm và ngành hàng. Mặc dù vấn đề liên kết đã được quan tâm từ các cơ quan nhà nước cho đến các DN, hầu như ngành hàng nào cũng có hiệp hội để tập hợp các DN hoạt động hỗ trợ lẫn nhau, nhưng việc hợp tác và phân công nội bộ từng ngành vẫn là nhược điểm lớn.

Lấy ví dụ về ngành da giày. Hiện nay, ngành này xuất khẩu 90% sản phẩm, với mức tăng hàng năm khá cao, năm 2013 kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 8 tỷ USD, gấp hai lần năm 2007 (3,994 tỷ USD), nhưng ngành này chỉ có giá trị gia tăng khoảng 25%, vì chủ yếu là sức lao động và một ít nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước. Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) được thành lập ngày 6/9/1990 đã điều phối việc hợp tác hỗ trợ thực hiện các hợp đồng xuất khẩu giày da giữa các DN trên từng địa bàn và giữa nhà cung ứng nguyên liệu với xí nghiệp sản xuất giày da. Hiệp hội cũng đã đại diện cho DN trong nước đối phó với các vụ kiện bán phá giá, như vụ kiện ngày 7/7/2005 của Liên minh châu Âu đối với giày da Việt Nam. Tuy vậy, quan hệ hợp tác thông qua hiệp hội này chưa nhiều, chủ yếu là hợp tác song phương giữa các doanh nghiệp cùng ngành hàng.

Ngành công nghiệp ô tô được kỳ vọng trở thành một ngành công nghiệp chủ lực của nước ta, nhưng đã 18 năm kể từ khi Liên doanh Toyota Việt Nam xuất xưởng những chiếc ô tô đầu tiên được sản xuất tại Vĩnh Phúc, hiện nay toàn ngành chỉ có thể sản xuất và tiêu thụ khoảng 100.000 xe, bằng 22% công suất của 18 liên doanh và 38 DN trong nước (460.000 xe/năm). 210 DN hỗ trợ sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng ô tô, nhưng sản phẩm chủ yếu là các linh kiện đơn giản, có giá trị thấp chỉ chiếm trên 15% giá trị sản xuất, còn các DN hỗ trợ FDI chiếm tỷ trọng hơn 14%. Số lượng DN hỗ trợ công nghiệp ô tô Việt Nam chỉ bằng 1/5 Indonesia, 1/8 Malaysia và 1/50 Thái Lan.

Nhìn chung, quan hệ hợp tác trong từng ngành hàng chủ yếu là giữa các DN với nhau do nhu cầu kinh doanh, tình bè bạn, chứ chưa hình thành những mô hình hợp tác theo chiều dọc và theo chiều ngang, với sự liên kết được tổ chức có hiệu quả thông qua các hiệp hội ngành hàng để thực hiện chiến lược phát triển từng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.

Kỳ II: Hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển

GS.TSKH. Nguyễn Mại

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục