Giật mình vì 80 triệu USD nợ khó đòi của doanh nghiệp FDI

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có hơn 230 dự án của các doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép hoạt động nhưng đã giải thể, phá sản.
Giật mình vì 80 triệu USD nợ khó đòi của doanh nghiệp FDI

Trong đó, có một số chủ đầu tư doanh nghiệp chỉ xin giấy chứng nhận đầu tư để vay vốn sau đó rút về nước, nhằm chiếm dụng vốn ngân hàng.

 

Hiện có 22 dự án của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp vào 12 địa phương không có khả năng trả nợ ngân hàng, với số tiền gần 80 triệu USD, chủ yếu tại hai tỉnh Hải Dương và Phú Thọ.

 

Cụ thể, tại Hải Dương, năm 2005, UBND tỉnh này chấp thuận cho Kenmark (Đài Loan) đầu tư 500 triệu USD vào khu công nghiệp Việt Hòa. Kenmark đã được các ngân hàng như SHB chi nhánh Quảng Ninh, BIDV chi nhánh Thành Đô, Habubank chi nhánh Bắc Ninh... cho vay khoảng 50 triệu USD. Năm 2010, khi chủ đầu tư bỏ về nước do xảy ra tranh chấp trong thực hiện dự án, khoản vay của Kenmark trở thành nợ xấu đáng kể tại các ngân hàng.

 

Ông Vũ Văn Minh - giám đốc Agribank chi nhánh Phú Thọ cho biết có một số công ty của Hàn Quốc vay trên 12 triệu USD từ ngân hàng này nhưng khi dự án thua lỗ, chủ đầu tư đã bỏ về nước.

 

Agribank Phú Thọ đã phát mãi toàn bộ mặt bằng nhà xưởng, máy móc của công ty này, tuy nhiên đến nay mới chỉ thu hồi được gần 60.000 USD.

 

Theo một chuyên gia, nhiều khi ngân hàng chỉ thẩm định giá trị tài sản trên hồ sơ khai báo của doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp FDI lại kê khai tăng giá trị quá mức để được vay vốn. Do đó, với những khoản nợ khó đòi trên thì các bộ phận chuyên môn thẩm định của ngân hàng phải chịu trách nhiệm nhất định.

 

Trước tình hình này, ngày 19/9 vừa qua, Thủ tướng đã có chỉ thị số 1617 gửi lãnh đạo các bộ, UBND tỉnh chấn chỉnh việc cấp phép các dự án FDI trong đó yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư về tiến độ góp vốn, huy động vốn...


SGTT

Tin cùng chuyên mục