Dự báo GDP 2019 sẽ vượt chỉ tiêu Quốc hội giao

Với mức tăng trưởng đạt 7,31% của quý III, nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo tăng trưởng quý IV là 7,26% và cả năm 2019 đạt 7,05% so với mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% do Quốc hội đề ra.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Sáng 10/10, VEPR đã tổ chức toạ đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2019. Điểm lại tình hình vĩ mô quý II/2019, VEPR dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong quý III/2019 ở mức 7,31%.

Nhận xét về những điểm tích cực của nền kinh tế vĩ mô 9 tháng năm 2019, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam đã đạt được điểm sáng về xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, đã có sự chuyển dịch tích cực dòng vốn đầu tư, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Bởi giai đoạn 2016-2017, dòng vốn tín dụng đóng góp 57% vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng đến năm 2018 và 9 tháng năm 2019 thì dòng vốn ngân hàng còn khoảng 46% tổng vốn.

TS. Lực đánh giá, điều này cho thấy dòng vốn tư nhân, vốn FDI đã trở lên mạnh mẽ và hiệu quả hơn, giúp tín dụng được kiểm soát giảm dân nhưng chất lượng lại tăng lên, đi nhiều vào sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên.

Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS.TS Phạm Thế Anh nêu có những điểm cần lưu ý về chất lượng tăng trưởng kinh tế như tăng trưởng công nghiệp và xây dựng dẫn đầu tăng trưởng cả nước nhưng trong đó sự tăng trưởng trở lại của ngành khai khoáng, cụ thể là khai thác than đá, sau nhiều năm gần đây liên tục suy giảm cho thấy tốc độ phát triển 9 tháng vẫn chưa thực sự ổn định, nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng.

Mặt khác, chỉ số tồn kho bình quân tăng cao theo đà từ năm 2018 lên tới 17,2% cho thấy tiềm ẩn rủi ro về đình trệ sản xuất tạm thời và doanh nghiệp sẽ thu hẹp quy mô sản xuất.

Điều này cũng thể hiện rõ trong chỉ số PMI (chỉ số quản trị nhà mua hàng) suy giảm trong quý III và kết thúc tại 50,5 điểm vào cuối tháng 9, mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Chỉ số này cho thấy số lượng đơn hàng mới tăng cho các doanh nghiệp Việt Nam thấp nhất trong 3 năm qua, doanh thu bán hàng ở nước ngoài cũng giảm nhẹ do lo ngại về nhu cầu thị trường.

Các đối tác quan trọng về xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, châu Âu… có mức tăng trưởng kinh tế thấp, sức mua suy yếu, kinh tế bất ổn là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thu hẹp sản xuất của doanh nghiệp.

Căng thẳng thương mại đang lan rộng trên phạm vi toàn thế giới sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá trị đồng tiền và tài sản. Bởi vậy, dự báo tương lai nền kinh tế Việt Nam trong cuối năm 2019 sẽ trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới.


Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục