Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thiếu vốn giải phóng mặt bằng

Là công trình trọng điểm quốc gia, nhưng công tác thi công Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang khá gay go, bởi việc cần phải tiến hành đầu tiên và quyết định tới tiến độ thực hiện là giải phóng mặt bằng thì lại thiếu vốn.
Các đơn vị thi công vẫn đang nỗ lực thi công tại các điểm đã được bàn giao mặt bằng. Ảnh: Thu Hồng Các đơn vị thi công vẫn đang nỗ lực thi công tại các điểm đã được bàn giao mặt bằng. Ảnh: Thu Hồng

Được khởi công xây dựng vào tháng 5/2013, Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dự kiến sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2017. Là công trình trọng điểm quốc gia, sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ mở ra cơ hội đầu tư cũng như kết nối vận chuyển quốc tế của tam giác kinh tếViệt Nam - Lào - Campuchia. Ngoài ra, tuyến đường này cũng sẽ giúp đảm bảo giao thông thông suốt, cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân trong khu vực thường xuyên bị ngập lụt.

Mặc dù đã có nhiều hạng mục của công trình vượt tiến độ hoàn thành trước thời hạn như Cầu Kỳ Lam (Quảng Nam) vượt tiến độ xây dựng 8 tháng, đường hầm trên tuyến cao tốc qua xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cũng được thông trước thời hạn…, nhưng theo ông Hoàng Việt Hưng, Phụ trách Ban quản lý dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thì “dự án này chưa được ưu tiên đúng mức”, đặc biệt là sự quan tâm của các địa phương về giải phóng mặt bằng (GPMB), đặc biệt là trên các gói thầu do các nhà thầu nước ngoài thi công (các gói A1, A2 thuộc huyện Núi Thành, gói thầu số 7 thuộc huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam; gói thầu A3, A5 thuộc tỉnh Quảng Ngãi).

Đến nay, toàn tuyến còn vướng 18,7 km trên 139 km cao tốc, trong đó 9,71 km (huyện Núi Thành, Điện Bàn và Phú Ninh tỉnh Quảng Nam) với 676 hộ dân chưa di dời và 194 thửa đất nông/lâm nghiệp chưa được bàn giao.

Theo ông Hưng, vướng mắc chủ yếu hiện nay là do người dân chưa chuyển đến khu tái định cư để bàn giao mặt bằng cho dự án. Tại TP. Đà Nẵng hiện cần khoảng 200 lô tái định cư thuộc 3 khu, nhưng công tác xây dựng khu tái định cư chưa hoàn thành. Tại tỉnh Quảng Nam cần phải bố trí chỗ ở mới cho khoảng 150 hộ dân tại thị xã Điện Bàn; 90 hộ dân tại huyện Phú Ninh. Tại tỉnh Quảng Ngãi, có 150 hộ dân chưa di dời đến khu tái định cư, yêu cầu bổ sung thêm lô tái định cư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian vừa qua, tỉnh đã ráo riết tháo gỡ từng trường hợp một để các hộ dân đồng ý di dời đến các khu tái định cư mà tỉnh đã bố trí, đồng thời bàn giao các thửa đất nông, lâm nghiệp còn lại.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, 120 thửa đất rừng, đất nông nghiệp tại huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), với chiều dài vướng mắc 4,5 km vẫn chưa được lập phương án/chưa thống nhất được phương án với người dân để chi trả đền bù. 

Tương tự, ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng khẳng định tại buổi làm việc với Phó thủ  tướng Hoàng Trung Hải mới đây liên quan đến dự án rằng,  Đà Nẵng cam kết quyết liệt triển khai và hoàn thành sớm 3 khu tái định cư để cho người dân thuộc vùng dự án sớm di dời để kịp bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Đến thời điểm hiện tại, Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang đứng trước nguy cơ thiếu vốn cho công tác GPMB. Đến nay, mặc dù Dự án đã qua một nửa thời gian, nhưng vốn đối ứng mới bố trí được 50%. Theo thông tin từ Ban quản lý dự án, tổng nhu cầu vốn cho giải phóng mặt bằng là 3.196 tỷ đồng, nhưng tới nay mới cấp được 1.638 tỷ đồng.  

Do vậy, năm 2015, Tổng công ty Đầu tư  phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phải ứng 730 tỷ đồng  để các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng, nhưng đến tháng 9/2015 đã vượt hạn mức cho phép và Dự án chưa tìm được nguồn vốn bổ sung.

Để đáp ứng được tiến độ thông xe toàn dự án vào năm 2017, điều kiện tiên quyết là phải cấp đủ 800 tỷ đồng từ nay đến cuối năm 2015 và quý I năm 2016 là 700 tỷ đồng nữa.

Về tiến độ chung của dự án đến nay đạt khoảng 33 % sản lượng, trong đó 8 gói thầu đoạn tuyến JICA đang theo kế hoạch do đã đạt 50 % . Mặc dù đáp ứng được tiến độ yêu cầu của Dự án về sản lượng, nhưng nếu 76 điểm vướng mặt bằng rải rác trên tuyến không được  bàn giao cho nhà thầu thi công, thì cũng không thể thông được tuyến được.

Ngoài ra, do công tác giải phóng mặt bằng chậm các nhà thầu nước ngoài như Posco thuộc gói thầu A5 địa phận tỉnh Quảng Ngãi, Nhà thầu OHL thuộc gói thầu số 7 địa phận tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần có văn bản đề nghị Chủ dự án đền bù thiệt hại về kinh tế do chậm bàn giao mặt bằng. Chủ đầu tư VEC đang phải đối mặt với các khiếu kiện pháp lý của các nhà thầu.

Để giải quyết những khó khăn nhằm đảm bảo tiến độ dự án, sau khi đã tới ngưỡng ứng vốn cho nhà thầu, VEC đang đề xuất với Bộ Giao thông - Vận tải và các bộ ngành liên quan phương án vay vốn từ các ngân hàng thương mại để đảm bảo vốn đền bù, chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng.

“Hiện nay, chúng tôi đã đảm bảo đủ nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng cho tỉnh Quảng Nam, vì vậy VEC kiến nghị địa phương nhanh chóng xử lý các vướng mắc để hoàn thành việc chi trả đền bù cho các hộ dân trước cuối năm 2015, sớm bàn giao mặt bằng cho dự án.” ông Hưng nói.

Thu Hồng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục