Đồng thuận ưu đãi thuế cho DN

(ĐTCK) Nội dung nổi bật và nhận được sự đồng thuận của cả Chính phủ, lẫn Quốc hội khi sửa đổi Luật thuế thu nhập DN (TNDN) là giảm thuế suất phổ thông từ mức 25% hiện hành còn 22%.
Đồng thuận ưu đãi thuế cho DN

Đồng thuận ưu đãi thuế cho DN ảnh 1

Giảm thuế suất ưu đãi còn 20%

Trong khuôn khổ của Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIII vừa diễn ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN đã được Quốc hội thảo luận ở tổ trong ngày 21/5. Trong số 12/20 Điều của luật hiện hành được sửa đổi, bổ sung lần này, nội dung thu hút sự quan tâm của cộng đồng DN hơn cả là thuế suất phổ thông giảm 3% so với hiện hành và còn 22%.

Bước đi trên, theo Chính phủ là để thực hiện Chiến lược cải cách thuế đến năm 2020 theo hướng giảm dần mức động viên vào NSNN. Ngoài đề xuất áp dụng mức thuế suất phổ thông là 22% từ 1/1/2014, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét áp dụng thuế suất phổ thông 20% kể từ 1/7/2013 đối với các DN sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng. Từ ngày 1/1/2016, mức thuế suất phổ thông giảm còn 20%; mức thuế suất ưu đãi giảm xuống còn 17%.

Theo đánh giá của Chính phủ, với việc điều chỉnh thuế suất phổ thông và thuế suất ưu đãi như trên, dự kiến giảm thu ngân sách trong năm 2014 khoảng 22.200 tỷ đồng; năm 2016 dự kiến giảm thêm khoảng từ 21.190 tỷ đồng - 21.580 tỷ đồng so với mặt bằng thuế suất 22%. Tuy nhiên, số giảm thu này sẽ được bù lại một phần do tăng thu từ các loại thuế gián thu và thuế thu nhập cá nhân, đồng thời sẽ góp phần tăng thu từ thuế TNDN vào những năm sau do DN có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Khi thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với quy định về giảm thuế suất, cũng như lộ trình giảm thuế suất như Dự thảo luật, đồng thời cho rằng, chủ trương giảm thuế suất là bảo đảm phù hợp với Chiến lược cải cách thuế, góp phần tạo điều kiện cho DN tích lũy vốn, mở rộng sản xuất nâng cao tính cạnh tranh; đẩy mạnh, khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh của DN...

 

Nhiều ưu đãi khác

Cũng trong ngày 21/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trong đó, nội dung đáng chú ý là sửa đổi, bổ sung về đối tượng không chịu thuế, trong đó gồm: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, dịch vụ tổ chức thị trường của các sở hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán và các hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Cùng với bước đột phá về giảm thuế suất, một loạt nội dung sửa đổi Luật lần này còn hướng tới hỗ trợ DN phát triển hiệu quả và bền vững hơn, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn cho DN.

Theo đó, dự thảo Luật bổ sung quy định về xác định thu nhập tính thuế và chuyển lỗ đối với hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản) phải xác định riêng để kê khai nộp thuế và được bù trừ lãi, lỗ của các hoạt động này với nhau; sau khi bù trừ mà vẫn bị lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất - kinh doanh trong kỳ tính thuế. Trường hợp kết thúc kỳ kinh doanh mà vẫn còn lỗ thì được chuyển lỗ vào thu nhập của hoạt động này của năm tiếp theo theo quy định chung.

Dự thảo còn nâng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại từ 10% lên 15%; bổ sung quy định về khống chế chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu. Dự thảo còn bổ sung quy định về khoản chi đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện hoặc quỹ mang tính an sinh xã hội là khoản chi được trừ; nguyên tắc xác định chi phí hợp lý của một số lĩnh vực đặc thù như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán... Theo Dự thảo, phạm vi ưu đãi đối với đầu tư mới sẽ rộng hơn so với Luật hiện hành.

Đa số các nội dung của dự án Luật đều nhận được sự đồng tình của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, trong đó bao gồm cả đề xuất: thu nhập của tổ chức Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam thuộc diện thu nhập được miễn thuế.

Theo kế hoạch, dự Luật sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua ngay trong kỳ họp thứ Năm này, nhằm sớm đưa các chính sách ưu đãi thuế ngấm tới DN.

 

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh)

Tôi ủng hộ thuế suất trong Luật sửa đổi, bổ sung lần này, nhưng giảm thuế suất chỉ có ý nghĩa một phần, ghi nhận từ công ty kiểm toán thì thuế suất mà DN thực nộp có thể lên tới 27% bởi một số chi phí không được khấu trừ thuế. Do đó, cần xem xét lại các chi phí được khấu trừ thuế, như chi phí quảng cáo, tiếp thị, tuy đã được nâng từ 10% lên 15% nhưng nếu tính trên tổng chi phí thì vẫn còn thấp, cần tính trên tổng doanh số để tạo thuận lợi cho DN. Cần có lộ trình để bỏ hẳn mức khống chế. Ngoài ra, nên xem xét lại tiêu chí đối với DN vừa và nhỏ được ưu đãi thuế. DN có dưới 200 lao động và doanh số 20 tỷ đồng/năm thì không đủ trả lương, chứ đừng nói có lãi để nộp thuế.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh)

Tôi thấy nâng mức tối thiểu được hoàn thuế từ 200 triệu đồng lên 500 triệu đồng trong Dự thảo Luật GTGT là không hợp lý vì DN bị “chôn vốn”. Đối với DN, 200 triệu đồng vốn lưu động không phải là khoản nhỏ trong bối cảnh khó khăn. Do đó, đề nghị giữ như hiện hành, hoặc quy định mức tiền thuế tối thiểu được hoàn thấp hơn so với mức Chính phủ trình.

Đối với chủ trương giảm 50% thuế GTGT đầu ra đối với bán, cho thuê nhà ở xã hội, nhà ở là căn hộ diện tích dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014, thời hạn 1 năm là quá ngắn, cần kéo dài thời hạn thực hiện chính sách này đến hết 31/12/2014.

 

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa)

Thực tế, có khoản thuế mà DN phải nộp dù chưa thu được tiền, đặc biệt là DN trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Khi thực hiện một hợp đồng xây dựng cơ bản, đã nghiệm thu, thanh quyết toán rồi, nhưng DN chưa nhận được tiền từ ngân sách hoặc là mới thu được 50-60% nhưng theo nguyên tắc nộp thuế, khi mà anh ký xác nhận nghiệm thu thanh quyết toán thì mặc nhiên anh phải nộp thuế. Thực ra, đây là nộp thuế khống. Về nguyên tắc sau khi quyết toán mới phải nộp toàn bộ thuế VAT, nhưng vấn đề là quyết toán rồi, nhưng tiền chưa được lấy mà cơ quan thuế cứ tính thuế. Vấn đề này thường xảy ra với DN xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và DN cung cấp dịch vụ tư vấn, thiết kế.

Hữu Hòe - Bùi Trang
Hữu Hòe - Bùi Trang

Tin cùng chuyên mục