Đối diện khủng hoảng tài chính toàn cầu: Làm gì để chọi "bão"?

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến các quốc gia Đông Á và ASEAN, là những khu vực kinh tế năng động, có độ mở rất cao. Cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đồng tổ chức sáng 17/3 - đã cho thấy mức độ trầm trọng của khủng hoảng, cách thức và kinh nghiệm của các nước nhằm chống chọi với "cơn bão lớn”.
Thâm hụt cán cân thương mại là một báo động với Việt Nam. Thâm hụt cán cân thương mại là một báo động với Việt Nam.

Thay đổi chính sách

TS Zhang Yungling - GĐ Vụ Nghiên cứu quốc tế, Viện Hàn lâm KHXH Trung Quốc nêu những định hướng chính sách khá linh hoạt của Chính phủ Trung Quốc nhằm đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có hiệu ứng dây chuyền từ sự đổ vỡ của thị trường nhà đất và tài chính Mỹ.

 

Mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc bắt đầu từ việc suy giảm kim ngạch xuất - nhập khẩu, trong đó NK giảm mạnh hơn so với XK do tỷ lệ lắp ráp/XK cao, một phần vì giá hàng hoá nguyên liệu giảm. Từ cuối năm 2008 đến những tháng đầu năm 2009, sản lượng công nghiệp cũng có xu hướng giảm, khiến chính phủ nước này phải chuyển hướng chính sách vĩ mô từ thắt chặt tiền tệ sang việc giảm lãi suất cơ bản và tỷ lệ dự trữ bắt buộc (xuống 5 lần).

 

Chính phủ cũng tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (NDT) trong vòng 2 năm phân bổ cho cơ sở hạ tầng; khu vực nông thôn; nhà ở, tái cấu trúc các ngành công nghiệp; áp dụng giảm thuế cho hàng XK...

 

Tuy nhiên, cũng giống như VN, ông Zhang Yungling cho rằng: "Điều quan trọng là các ngân hàng TQ ít liên quan tới tình trạng cho vay dưới chuẩn như ở Hoa Kỳ nên khu vực này không chịu những tác động mạnh của sự sụp đổ như đã từng xảy ra đối với các quốc gia Châu Á thời khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997".

 

Không tỏ ra lạc quan, nhưng cũng không quá bi quan, TS Võ Trí Thành- Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (CIEM) - khẳng định: VN cũng sẽ là quốc gia có tốc độ tăng trưởng ít nhất 4% trong năm nay.

 

Lý do tăng trưởng là bởi VN giữ được tốc độ tăng trưởng nông nghiệp rất khả quan, dự báo từ 3,5-4% trong năm nay, đóng góp khoảng 0,8% GDP; tăng trưởng khu vực dịch vụ khoảng 4-5%, đóng góp khoảng 1,6%GDP; còn lại là tăng trưởng công nghiệp và xây dựng do vẫn duy trì được mức giải ngân các nguồn vốn đầu tư và tác động từ hiệu quả gói kích cầu 6 tỷ USD của Chính phủ.

 

Biết mình, lựa thời?

VN mặc dù đã chuyển hướng chính sách để đối phó với khủng hoảng, song do độ mở của nền kinh tế VN chưa cao và còn chịu tác động bất lợi trên cả 3 bình diện: Thương mại, đầu tư và tài chính nên sẽ đứng trước nhiều thách thức.

 

Theo TS Võ Trí Thành, XK của VN phụ thuộc tới 60% vào các thị trường lớn là Mỹ, EU, Nhật Bản. Vì vậy, khi các nền kinh tế lớn này chưa thể phục hồi suy thoái thì chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến kim ngạch XK của VN. Tiếp đến là đầu tư.

 

Năm 2008, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào VN chiếm 30% tổng đầu tư, đầu tư gián tiếp qua các kênh trái phiếu chính phủ, thị trường chứng khoán chiếm tỷ trọng khá cao (39% trái phiếu và 25% tổng mức vốn hoá của thị trường), nhưng đã có dấu hiệu suy giảm do khủng hoảng.

 

Báo động đối với VN là thâm hụt cán cân thương mại đã ở mức đỉnh điểm, đặc biệt là thâm hụt thương mại với  quốc gia láng giềng TQ. Trong tổng mức thâm hụt 17 tỷ USD hàng hoá của VN với thế giới thì riêng thâm hụt với TQ đã lên tới 12 tỷ USD, tiếp đến là thâm hụt thương mại với các đối thủ cạnh tranh là các nước ASEAN và Hàn Quốc, chỉ thặng dư với Hoa Kỳ và EU.

 

Trong khi đó, VN lại choán ngôi của TQ khi có tỷ lệ đầu tư trên GDP rất cao (năm 2008 tỷ lệ đầu tư chiếm 41%GDP), mức tăng này chủ yếu là tăng đầu tư nhà nước và FDI, đầu tư tư nhân đang có xu hướng giảm. Điều đáng lo ngại hơn, theo TS Thành, là tăng trưởng GDP dựa chủ yếu vào đầu tư, song tốc độ giải ngân các nguồn vốn không tăng, giá trị gia tăng các ngành công nghiệp và xây dựng giảm sút kể từ quý IV/2008, đã làm giảm tốc độ tăng GDP. Điều này cho thấy hiệu quả tăng trưởng thiếu bền vững.

 

Các chuyên gia kinh tế nhận định: Muốn duy trì tăng trưởng, VN cần quan tâm hơn đến thể chế thực thi và giám sát các nguồn lực này, bởi một khi chính sách được kiểm soát tốt sẽ phát huy hiệu quả gấp bội.


Tin cùng chuyên mục