Doanh nghiệp xuất khẩu xoay vốn bằng mọi cách

Lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, để có vốn và tồn tại, các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu đang xoay trở bằng mọi cách.
Doanh nghiệp xuất khẩu xoay vốn bằng mọi cách

Đến tham dự buổi hội thảo của một ngân hàng nọ nhằm tìm hiểu chương trình hỗ trợ mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ông Phạm Hồng Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Hà Nội đầy băn khoăn và lo lắng…

 

Trăn trở đi tìm thị trường mới

 

Với các công ty về dệt may và da giày thì mức lãi suất thương mại tiền đồng phải ở mức 12%/năm doanh nghiệp mới có lãi.

Bởi lẽ, so với cùng kỳ năm ngoái số lượng đơn hàng doanh nghiệp ông có được đã giảm 30-40%. Thêm vào đó, năm hết Tết đến lượng đơn hàng cho năm 2012 của công ty lại khá lèo tèo. Đơn hàng từ các khách hàng quen thuộc là các nước châu Âu vẫn còn thưa thớt khiến cho kế hoạch hoạt động kinh doanh năm mới của công ty ông chỉ có thể đề ra theo quý chứ không thể là 6 tháng hay 1 năm như trước. Ông tâm sự, trong suốt 1 năm qua, doanh nghiệp của ông đã phải vật lộn với rất nhiều khó khăn để tồn tại và sẵn sàng tâm thế để đối mặt với khó khăn ngày càng khốc liệt hơn trong thời gian tới. Số ngoại tệ thu về năm nay cũng chỉ bằng với số vay ngân hàng, đồng nghĩa với việc công ty ông đang còng lưng gánh lỗ cho mức lãi suất đi vay USD khoảng 7,5%/năm. Theo ông Việt, mặc dù các ngân hàng đã có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, nhưng với các công ty về dệt may và da giày thì mức lãi suất thương mại tiền đồng phải ở mức 12%/năm doanh nghiệp mới có lãi, còn trên mức đó thì hòa vốn nếu không muốn nói là lỗ bởi lợi nhuận của các công ty này là rất thấp. "Chúng tôi đã phải tìm mọi cách để cố gắng giữ khách hàng, đảm bảo các hợp đồng để có công ăn việc làm cho người lao động. Năm qua, chúng tôi không dám tính đến lợi nhuận mà chỉ cố gắng đảm bảo lỗ ở mức chấp nhận được để tồn tại. Thời gian tới, khi các đơn hàng vào châu Âu và Mỹ sụt giảm chúng tôi buộc phải tìm cách khác". Và cách mà ông Việt đưa ra trong thời điểm này chính là việc tìm kiếm những thị trường mới như châu Phi, các nước Ả Rập. Tuy nhiên, cần áp dụng một cơ chế thanh toán chắc chắn khi làm việc tại các thị trường mới. Cụ thể, đối tác sẽ phải trả trước 30% khi ký hợp đồng, sau khi công ty ông sản xuất và kiểm hàng xong đối tác sẽ thanh toán 100% số tiền rồi mới được nhận hàng. Điều này vừa tạo được nguồn vốn lưu động cho doanh nghiệp vừa đảm bảo uy tín với các ngân hàng để họ có thể sẵn sàng cho vay khi cần thiết. Một điểm mà ông Giám đốc Công ty Cao su Hà Nội khuyến cáo với các doanh nghiệp khi tiếp cận các thị trường mới là cần phải tận dụng kênh thông tin từ các Tham tán thương mại tại nước sở tại để được tư vấn cũng như hỗ trợ tối đa trong việc tìm kiếm khách hàng và luật thương mại sở tại.

 

TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu kinh tế Hà Nội) cũng cho rằng, việc đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, đối tác cũng như các kênh xuất - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ kinh doanh là phương án hữu hiệu với các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời điểm này. Ví dụ như trong trường hợp của các doanh nghiệp dệt may, các doanh nghiệp cần định hướng Mỹ là thị trường xuất khẩu cốt lõi cho việc đầu tư. Bên cạnh đó là thị trường EU, Nhật Bản, Nga, Trung Đông và Trung Quốc.

Đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, đối tác cũng như các kênh xuất - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ kinh doanh tỏ ra là phương án hữu hiệu.

 

Liên kết để tạo vốn

 

Cũng gặp khó khăn về vốn, nhưng ông Nguyễn Văn Đô, Tổng giám đốc Công ty may xuất khẩu DHA lại chọn cho mình một giải pháp khác: liên kết với các đối tác để giữ vốn. Cụ thể là doanh nghiệp của ông đã tìm kiếm các doanh nghiệp Mỹ để nhận gia công sản phẩm, thay vì sản xuất để xuất khẩu. "Trong thời điểm hiện nay, trừ những thương hiệu tên tuổi như Việt Tiến, Nhà Bè…, còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó đảm bảo được lợi nhuận. Do đó chúng tôi chọn giải pháp an toàn là gia công cho khách hàng. Như vậy mình sẽ không mất tiền đầu tư về vật tư cũng như đầu ra cho sản phẩm mà chỉ lo khâu sản xuất. Rủi ro sẽ ít hơn rất nhiều. Khi mình cần vốn thì các đối tác sẽ hỗ trợ thêm. Tuy nhiên để có được sự hỗ trợ đó doanh nghiệp cần giữ uy tín và chất lượng gia công", ông Đô cho biết.

 

Trong năm tới, vị giám đốc trẻ của Công ty DHA tiết lộ sẽ vẫn tập trung vào gia công, đồng thời phát triển thị trường nội địa với các sản phẩm chăn ga gối đệm với một số thương hiệu mới. Hiện DHA đã có hợp đồng gia công cho một số đối tác lớn đến tháng 3/2012 với giá trị sản xuất khoảng 55.000 sản phẩm/ngày.

Đánh giá cao khả năng ứng phó của các doanh nghiệp trên, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, bên cạnh việc tìm kiếm các hợp đồng nhỏ để duy trì, các doanh nghiệp cũng cần tập trung đạt được những hợp đồng xuất khẩu lớn để định hướng tổ chức lại hoạt động kinh doanh. Hiện một số ngân hàng đã phát đi tín hiệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay với mức lãi suất hấp dẫn (như SeABank giảm 1,5%) đang là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp khai thác. Bên cạnh đó, việc chủ động đón nhận và tham gia các quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất của nhiều tập đoàn nước ngoài, nhất là xu hướng mua bán – sáp nhập doanh nghiệp sẽ là giải pháp tìm kiếm vốn hữu hiệu của các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.

Lãnh đạo Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) khẳng định:

Sẽ triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho tất cả các khách hàng doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cụ thể từ 1/11/2011 đến 31/01/2012, giảm 30% phí thanh toán cho khách hàng doanh nghiệp nhập khẩu; giảm 1,5% lãi suất vay so với biểu lãi suất hiện hành cho doanh nghiệp xuất khẩu vay bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh (mức giảm trừ này sẽ được áp dụng cho đến hết thời hạn khoản vay của khách hàng); giảm 50% phí chuyển tiền trong nước khi doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng dịch vụ chuyển tiền điện tử của SeABank (SeANet); tỷ lệ ký quỹ mở L/C thấp và linh hoạt.


DN

Tin cùng chuyên mục