Doanh nghiệp Việt đua nhau xuất ngoại

Trong lúc nhiều doanh nghiệp Việt đang co cụm tìm cách chống đỡ với khủng hoảng, một số khác lại tiếp tục mở rộng mạnh mẽ, thậm chí còn tấn công ra thị trường nước ngoài ở những nơi vô cùng khó khăn.
Phó tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ khai trương mạng di động Natcom tại Haiti. Nguồn: Viettel Phó tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ khai trương mạng di động Natcom tại Haiti. Nguồn: Viettel

Ngày 10/9, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ký kết biên bản ghi nhớ 4 dự án lớn với Chính phủ Lào tại hội nghị hợp tác đầu tư Việt - Lào ở thủ đô Viêng Chăn. Ở quốc gia láng giềng, Hoàng Anh Gia Lai nằm trong số những nhà đầu tư lớn và thành công nhất với số vốn lên tới gần 1 tỷ USD, rót vào các lĩnh vực như cao su, mía đường, thủy điện, khai khoáng.

 

Cũng tại thị trường Lào, Tập đoàn BIM Group chủ Hãng hàng không tư nhân Air Mekong cũng vừa khởi công dự án tổ hợp khách sạn 5 sao, khu mua sắm, căn hộ cho thuê - Vientian Complex với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2012.

 

Bên cạnh Hoàng Anh Gia Lai, BIM Group, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn và thành công tại Lào. Chỉ sau chưa đến 2 năm hoạt động, Unitel (liên doanh của Viettel và Lao Asia Telecom) đã trở thành hãng di động số 1 cả về thị phần thuê bao cũng như hạ tầng mạng.

 

Kể từ năm 1993 đến tháng 8/2011, Việt Nam có hơn 420 dự án với tổng số vốn 3,57 tỷ USD tại Lào. Các địa phương thu hút được nhiều dự án của Việt Nam nhất là thủ đô Vientiane gần 1,9 tỷ USD, tỉnh Xekong 350 triệu USD, tỉnh Champaxac 248 triệu USD. Tính riêng từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2011, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào 50 dự án với tổng vốn 246 triệu USD.

 

Ngay sát đó, Campuchia cũng là một thị trường mà nhà đầu tư Việt Nam đóng góp những thương hiệu rất nổi tiếng. 3 năm qua, bất chấp những khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới, Tập đoàn FPT vẫn kiên định chiến lược tiến ra toàn cầu trong lĩnh vực viễn thông, với 2 thị trường ban đầu là Lào và Campuchia.

 

Trong giai đoạn đầu tiên, FPT xây dựng kết nối mạng đường trục đến đường biên giới, từ đó cung cấp dung lượng cho các nhà khai thác tại Lào và Campuchia. “3 năm qua FPT đã tạo được cuộc cách mạng trong thị trường cung cấp băng thông rộng. Trước khi chúng tôi đến, giá 1 Mbps băng thông tại Campuchia là 1.000 USD, còn hiện chỉ dưới 300 USD, tạo ra cơ hội tiếp cận băng thông kết nối Internet rất hữu dụng cho nhân dân Campuchia”, một đại diện của FPT cho biết.

 

Hiện tại, FPT cung cấp gần 50% băng thông quốc tế đến thị trường Campuchia. Bước tiếp theo, hãng viễn thông này dự kiến làm các thủ tục để mua lại nhà khai thác ở quốc gia láng giềng và trực tiếp cung cấp dịch vụ tại đây.

 

Doanh nghiệp Việt đua nhau xuất ngoại ảnh 1

Bà Chu Thanh Hà, Phó tổng giám đốc FPT tại lễ ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược

với Công ty 21st Century Technologies ( Nigeria ). Nguồn: FPT

 

Trước FPT, Tập đoàn Viettel là nhà đầu tư viễn thông thành công nhất tại Campuchia với vị trí số một về thông tin di động cả về hạ tầng cũng như thị phần khách hàng với thương hiệu Metfone. Sau khi Metfone cung cấp dịch vụ hơn một năm, các chỉ số về công nghệ thông tin của nước này có thay đổi lớn.

 

Mật độ di động của Campuchia tăng từ 15% lên 40% từ tháng 2/2009 (thời điểm Metfone bắt đầu cung cấp dịch vụ) đến tháng 10/2010; điện thoại cố định tăng từ 1% lên 6%. Cùng thời điểm này, thương hiệu di động do hãng viễn thông Việt Nam đầu tư cũng vươn lên vị trí số 1 về thuê bao và đoạt luôn giải thưởng “Nhà cung cấp dịch vụ triển vọng nhất của năm” khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

Đi kèm với sự thành công trong đầu tư viễn thông của FPT và Viettel, chỉ số kết nối của Campuchia “nhảy” từ 128/134 năm 2009 lên 117/133 vào 2010.

 

Ngoài 2 thị trường láng giềng, cả FPT và Viettel đang xúc tiến đầu tư viễn thông, công nghệ thông tin vào những thị trường xa nhất, nghèo nhất và cũng khó khăn nhất: châu Phi, châu Mỹ. Gần đây nhất, FPT và Công ty 21st Century của Nigeria đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác chiến lược trong lĩnh vực viễn thông, giáo dục và sản xuất thiết bị.

 

FPT sẽ tìm cơ hội hợp tác trong các dịch vụ băng thông rộng, nội dung số, trò chơi trực tuyến, các giải pháp trong lĩnh vực viễn thông, sản phẩm công nghệ… Đồng thời, FPT dự kiến sẽ tư vấn kinh doanh và xây dựng mạng lưới hạ tầng cũng như cung cấp dịch vụ cho 21st Century Technologies…

 

Trong khi đó, Viettel đã nhận được giấy phép đầu tư viễn thông tại Mozambic - một quốc gia châu Phi khác. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng vừa khai trương mạng di động tại Haiti (châu Mỹ) - quốc gia gặp thảm họa động đất khiến hơn 300.000 người thiệt mạng hơn một năm trước đây.

 

Vào lúc khai trương, Natcom (liên doanh của Viettel và Chính phủ Haiti) đã trở thành hãng di động có hạ tầng mạng lớn nhất, với số trạm thu phát sóng lên tới gần 1.000 trạm - nhiều hơn 30% so với nhà cung cấp lớn nhất trước đó là Digicel thực hiện trong 6 năm. Nhà đầu tư Việt Nam làm được điều này trong bối cảnh Haiti mới xảy ra động đất, hơn 90% các công trình hạ tầng lớn bị phá hủy hoàn toàn, tình hình chính trị, kinh tế rất bất ổn… Viettel tiếp quản Natcom vào tháng 5/2010 (sau gần 4 tháng kể từ khi xảy ra thảm họa động đất).

 

Giải thích về lý do tiến ra các thị trường rất xa và khó như Nigeria , Mozambic và đặc biệt là Haiti , lãnh đạo Viettel và FPT cho biết, các thị trường dễ dàng đã “hết cửa”. Trong khi đó, ra nước ngoài là con đường duy nhất để mở rộng quy mô phát triển khi thị trường trong nước bắt đầu trở nên chật chội. Đây là lý do cả 2 tập đoàn đều chọn hướng đi xuất ngoại, bất chấp các khó khăn của khủng hoảng kinh tế.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel chia sẻ: “Khó khăn cũng làm nảy sinh các cơ hội và chúng tôi muốn nắm bắt điều đó. Sau thảm họa động đất, rất ít nhà đầu tư muốn đến với Haiti . Khi Viettel cam kết quay lại và tiếp tục đầu tư mạnh, người dân, chính quyền và những đối tác nơi đây giúp đỡ rất nhiều và tạo ra tốc độ xây dựng hạ tầng viễn thông thần tốc”.

 

Vị lãnh đạo của tập đoàn này cũng bổ sung, với các thị trường như Haiti , mật độ điện thoại trên người dân thấp nên nhu cầu chưa được đáp ứng còn rất lớn. Đây chính là cơ hội tiếp theo mà các nhà đầu tư như Viettel cần chớp lấy. “Giá cước di động ở Haiti hiện khoảng 10 cent mỗi phút mà Viettel đã có kinh nghiệm ở thị trường chỉ có 3 cent, nên cơ hội ở đây vẫn khả quan”, ông Hùng nói.

 

Theo Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lượng vốn của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đang chuyển biến rõ rệt từng năm. Việt Nam có trên 600 dự án đầu tư nước ngoài có hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD và vốn thực hiện đạt hơn 2 tỷ USD. Sau khi đạt được những thành công ban đầu, một số tập đoàn Việt Nam dự kiến tiếp tục mở rộng thị trường như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam , Hoàng Anh Gia Lai, Viettel...

 

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp có tâm lý co cụm để đảm bảo an toàn thì một số khác như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam , Hoàng Anh Gia Lai, FPT, Viettel… vẫn hăng hái trong việc tìm kiếm thị trường mới, thậm chí ở những nơi bị coi là vô cùng khó khăn. Theo đánh giá của những tập đoàn này, khủng hoảng cũng là một cơ hội nếu biết tận dụng. Tuy nhiên, việc tận dụng cơ hội này ra sao cũng cần phải có thời gian mới có câu trả lời chính xác.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục